Máy bay vừa đáp xuống sân bay Cordoba, tất cả hành khách đều… vỗ tay theo tiếng nhạc phát từ loa, như thể hiện niềm vui được làm quen với một trong những thành phố nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha. Nằm ở nơi giao hội giữa các luồng văn hóa Âu châu và Hồi giáo, được xem là hình ảnh thu nhỏ của vùng Andalucia xinh đẹp, Cordoba là sự dung hợp độc đáo của các nền văn hóa và tôn giáo qua nhiều thế kỷ, tạo nên sức hấp dẫn khó thể cưỡng lại được đối với du khách.
Ấn tượng ngay trong chiều đầu tiên ở xứ lạ
Nằm bên sông Guadalquivir, Cordoba vẫn giữ được nét cổ kính với các tòa nhà cổ, các con phố hẹp chuyên bán các mặt hàng thủ công bằng bạc, da và sứ khá nổi tiếng cho du khách. Thành phố này đã được thành lập từ thời La Mã cổ đại, nhưng quy mô chẳng mấy thay đổi sau hàng ngàn năm: vào thế kỷ X, nơi đây đã có khoảng 500 ngàn dân, được xem là thành phố lớn nhất ở Tây Âu, vậy mà đến năm 2005, Cordoba chỉ có 321.164 người. Sau khi đế chế La Mã sụp đổ, Cordoba đã trở thành thành phố của người Cơ đốc giáo vào thế kỷ VI. Đến thế kỷ VIII, Cordoba một lần nữa lại đổi chủ, trở thành thành phố của người Hồi giáo. Dưới sự chi phối của đạo Hồi, Cordoba phát triển hưng thịnh. Ngày nay, thành phố vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu ấn của thời kỳ vàng son đó.
Có lẽ công trình nổi bật nhất của Cordoba là đại giáo đường, một công trình kiến trúc được xây từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X, đầu tiên làm nhà thờ Hồi giáo Moorish trên nền một đền thờ La Mã. Sau này, giáo đường trở thành nhà thờ Visigothic lớn nhất và đẹp nhất châu Âu của người Hồi giáo, từ năm 1236 mới chuyển thành nhà thờ Thiên Chúa giáo. Đây là một trong ba nhà thờ Hồi giáo cổ nhất thế giới và đứng hạng 56 trong số 100 kỳ quan thế giới, xứng đáng là biểu tượng duy nhất cho kiến trúc và nghệ thuật đỉnh cao của Hồi giáo.
Chúng tôi may mắn đặt được phòng ở khách sạn nằm đối diện ngay cổng bên hông của nhà thờ. Làm thủ tục nhận phòng xong, chúng tôi đi bộ ra ngay để kịp chiêm ngưỡng nhà thờ trong ánh hoàng hôn. Nhìn bề ngoài, tất cả trông đã cũ và phai tàn theo thời gian, nhưng khi bước qua cánh cửa để lọt vào bên trong, mới thấy nhà thờ thật tráng lệ. Những mái vòm uốn cong với hai gam màu trắng – đỏ là điểm nhấn chính của nội thất cứ nối tiếp nhau đến khu cầu nguyện để từ đó một kiến trúc khác lạ – kiến trúc Gothic với gam màu trắng và mái vòm cao vời vợi – hiện ra. Điều đáng thán phục về tài năng của người xưa là trên mái vòm có rất nhiều bức tượng được khắc một cách tỉ mỉ, rất hoàn hảo. Trong gian phòng chính của thánh đường này (nơi thờ cúng của các tín đồ Hồi giáo) có đến 850 cột trụ khổng lồ. Nếu những khung vòm hình vòng cung trong thánh đường là sự kế thừa của lối kiến trúc La Mã thì các cột chống được thiết kế theo nhiều kiểu dáng khác nhau, thể hiện sự pha trộn giữa kỹ thuật chạm khắc của người La Mã và người Cơ đốc giáo. Nơi đây quả là đã hòa quyện được nhiều nền văn hóa và kiến trúc. Bên trong thánh đường có một hốc tường nhỏ mà các tín đồ Hồi giáo gọi là mihrab – nơi hướng về thánh địa Mecca để các tín đồ tập trung cầu nguyện. Những bức tường hình bát giác trong thánh đường được tô điểm bằng các họa tiết trang trí mô phỏng theo hình hoa cỏ đang nở cũng rất tuyệt vời.
Sau khi làm quen với thánh đường, chúng tôi đi bộ ra cầu Rome bắc ngang dòng sông Guadalquivir. Cầu được xây dựng cách nay hơn 2.000 năm và vẫn tồn tại vững chắc dù trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử. Từ trên cầu đưa mắt ngắm cảnh sông nước trong hoàng hôn êm đềm mới thấy dễ chịu làm sao!
Lối sống nhàn tản có một không hai
Trong thành phố Cordoba, rất dễ đi đến các địa điểm du lịch vì chúng ở gần nhau và tất cả đều có trên bản đồ du lịch. Khách du lịch đều được phát miễn phí những thông tin du lịch về các địa điểm tham quan, các chyến xe bus và xe điện ngầm. Những ngày có các lễ hội và sự kiện đặc sắc cũng sẽ được thông báo rộng rãi.
Cordoba được cho là nơi khởi nguồn của điệu nhảy Flamenco nên trong thành phố này, ở bất cứ nơi đâu, ngày lẫn đêm, đều nghe thấy những tiếng chân gõ rộn ràng trên nền gỗ, nhìn thấy những cánh tay, bàn tay tạo dáng với chiếc castanuela phát ra những âm thanh đặc trưng, những cái lắc hông dứt khoát và nhất là khuôn mặt đầy biểu cảm, những chiếc khăn quàng nhiều màu sắc vừa để cuốn vào người, vừa dùng để biểu diễn cùng với vũ điệu miên man không dứt trong tiếng đàn guitar dồn dập và tiếng hát da diết. Người dân nơi đây không có vẻ tất bật như dân ở các thành phố lớn khác, cứ thong thả đi, nghỉ, ăn uống, trò chuyện. Đường phố lúc 1-2 giờ chiều rất vắng vẻ vì dân chúng đều nghỉ trưa, từ 3 giờ mới bắt đầu làm việc lại. Khi chiều xuống, khoảng 5-6 giờ, mọi người tụ tập tại các quán bar cùng nhau dùng một bữa ăn nhẹ (tiếng địa phương là tapas), nhâm nhi vài ly bia và chuyện trò vui vẻ. Mãi đến 10-11 giờ đêm mới có bữa ăn tối, vì thế Cordoba cứ tưng bừng, nhộn nhịp như thế suốt ngày, nhất là trong mùa lễ hội.
Ngày xưa, người ở vùng Andalucia (phía nam Tây Ban Nha) thường dùng miếng bánh mì phủ lên ly rượu để tránh ruồi, sau đó người ta có sáng kiến đặt lên trên bánh mấy trái ôliu ngâm giấm, miếng xúc xích nhỏ hay cá hồi để đến khi đói thì cứ việc đưa cả hỗn hợp ấy vào miệng. Tapas theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là nắp phủ, vì vậy người ta đặt tên cho món ăn ấy là tapas và tapas của phía các vùng đất phía nam, trong đó có Cordoba, là ngon và đặc trưng nhất. Người ta chuẩn bị trước các “nắp phủ” và bày lên dĩa, khi khách chọn loại nào thì loại đó được đặt lên miệng ly rượu vang và món tapas được chuyển tới thực khách. Điều đó như một sự nhắc nhở rằng chỉ nên ăn món này sau khi đã nhâm nhi vài hớp rượu vang. Loại tapas đơn giản nhất là thịt xông khói cắt lát mỏng được đặt trên những lát bánh mì nhỏ nhưng lại rất được ưa chuộng. Hầu hết các quán bar đều có trên dưới chục loại tapas khác nhau.
Từ patio nhỏ bé đến Alcázar nguy nga
Thành phố Cordoba nổi tiếng với các lối đi hẹp, khúc khuỷu, mang dáng dấp đặc thù của lối thiết kế nội ô Hồi giáo. Cuối những lối đi chật hẹp là khoảng sân nhỏ được bao quanh bởi các bức tường trắng mà người Hồi giáo gọi là patio. Nét đặc trưng đó trong kiến trúc Hồi giáo đã được người dân Cordoba phát triển bằng cách trồng cây cỏ và hoa để tô điểm cho khoảng sân, tạo nên sức sống cho không gian chật hẹp. Các ngôi nhà còn được trang trí bằng các chậu hoa ở mặt tiền. Tường trắng được tô điểm hoa vàng hay hoa hồng đựng trong các chậu màu xanh nước biển có thể bắt gặp ở mọi nơi.
Là một trong những thành phố có lịch sử lâu đời nhất châu Âu, Cordoba lưu giữ được hình ảnh xưa của mình ở cung điện Alcázar. Đó là những kỳ quan tuyệt vời không chỉ về giá trị thẩm mỹ, mà còn về giá trị văn hóa của một thời “oanh liệt đầy quyền lực”. Alcázar và khu vườn đích thực là một pháo đài nguy nga. Một cây cầu có 16 vòm được người La Mã xây dựng và đã được người Moor xây lại nối trung tâm thành phố với Campo de la Verdad – một khu vực nằm bên kia sông Guadalquivir…
Thời điểm đẹp nhất trong ngày của Cordoba là vào buổi tối, khi mà tất cả các con đường trong thành phố đều sáng bừng lên, quyến rũ trong ánh đèn vàng. Đêm tại Cordoba không thể thiếu nhịp trống rạo rực hòa tiếng guitar bập bùng trong các sân khấu biểu diễn Flamenco, nơi mà các chàng trai và các cô gái, gõ giày lách cách và xoay tròn trong vũ điệu đầy đam mê. Mọi quán bar, nhà hàng đều tấp nập khách. Các nhạc công chuẩn bị nhạc cụ, những cặp trai gái cũng đã sẵn sàng lên bục thi nhau biểu diễn những bản tình ca cùng các điệu vũ sôi động… Chúng tôi ghé vào Nhà hàng Casa de Pepe nổi tiếng từ lâu đời, nằm ngay trên con đường chính của khu phố để thưởng thức rượu Sangria và nhấm nháp những miếng tapas với jamon ngon tuyệt.
Được tận hưởng khoảng thời gian cuối ngày tại chốn này, người ta mới hiểu sâu hơn tâm hồn lãng mạn của người Cordoba nói riêng, người Tây Ban Nha nói chung…
Bài Hương Lê
Ảnh Thiên An