Với 800 người tháp tùng, Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức thăm Việt Nam từ ngày 23 đến 25-5. Lễ đón trang trọng diễn ra tại Phủ Chủ tịch lúc 10 giờ 30 sáng 23-5 và Tổng thống Obama có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Phát biểu tại buổi họp báo ngay sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Tổng thống Obama và ông vừa có cuộc hội đàm bổ ích về quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Trong chuyến thăm chính thức này, Việt Nam và Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung, đưa quan hệ đối tác toàn diện theo hướng hợp tác sâu sắc hơn. Hai bên nhất trí ưu tiên cao việc giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
“Việt Nam hoan nghênh việc Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về tình hình Biển Đông, nhất trí tiếp tục hợp tác trong đối phó biến đổi khí hậu, hợp tác sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong…
Hai nhà lãnh đạo cùng chứng kiến lễ ký kết của một loạt các thỏa thuận hợp tác giữa một số doanh nghiệp hội viên của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) với các đối tác Việt Nam.
Nhân dịp này, hai bên cũng ký kết các hiệp ước về biến đổi khí hậu cùng năng lượng sạch và ký kết các dự án đầu tư tương lai. Trong đó, lễ ký kết các hiệp ước về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch gồm có: Biên bản ghi nhớ về thay đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; Hợp tác nghiên cứu hạ lưu sông Mekong; Biên bản ghi nhớ GE về phát triển 1.000MW điện gió; Thỏa thuận hợp tác dự án năng lượng mặt trời giữa First Solar và Thiên Tân; Hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Honeywell; Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty dầu Murphy; Biên bản ghi nhớ về nhà máy Biomass Minnesota; Thỏa thuận đào tạo an toàn hạt nhân.
Trong những lời kết, Chủ tịch nước chúc ông Obama có chuyến thăm Việt Nam thành công, nhiều kỷ niệm.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Obama cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam và nhấn mạnh, hai nước đã trải qua một quá trình hòa giải lâu dài. Sau bình thường hóa, hai nước đã đạt mối quan hệ ở tầm cao mới.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên nước ngoài là liệu Hoa Kỳ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam có phải là do nhu cầu của Mỹ muốn tăng cường ảnh hưởng với Việt Nam để tạo lực đối trọng với Trung Quốc hay không, Tổng thống Obama nói: “Quyết định của chúng tôi không phải là phụ thuộc vào Trung Quốc mà dựa trên tiến trình hợp tác lâu dài trong quan hệ hai nước. Chúng tôi trải qua nhiều cuộc đối thoại khó khăn, nhất là trong giai đoạn đầu. Nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã thúc đẩy đối thoại với Việt Nam, góp phần đạt được kết quả này. Đã đến lúc chúng ta không nên duy trì lệnh cấm vận nào nữa. Tôi nghĩ rằng, chúng tôi cũng đã cân nhắc nhiều trước quyết định này”. Tuy nhiên ông nói việc bán vũ khí sẽ có những điều kiện chặt chẽ liên quan đến nhân quyền.
Tổng thống Mỹ nói tiếp, phía Mỹ đã cử nhiều tàu hải quân tới cảng Việt Nam và xứ sở cờ hoa muốn làm sâu sắc hơn quan hệ trong lĩnh vực này với Việt Nam.
“Mỹ mong muốn hợp tác với chính phủ Việt Nam và trong quá trình hợp tác này, chúng tôi sẽ luôn tôn trọng chủ quyền Việt Nam” – Tổng thống Obama cam kết.
Ông Obama nêu quan điểm đánh giá cao cho việc cấp thị thực một năm cho công dân Mỹ.
Tổng thống Mỹ mong Việt Nam đẩy mạnh bảo vệ tự do nhân quyền, ngôn luận, báo chí. Nguyên thủ Mỹ cũng cam kết sẽ hỗ trợ khu vực ĐBSCL về ứng phó biến đổi khí hậu.
Phía Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Mỹ cho biết, hai bên đang cùng nhau làm việc để thúc đẩy thông qua Hiệp định TPP.
Trong lĩnh vực hợp tác an ninh, hai bên cam kết tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Liên quan vấn đề Biển Đông, Tổng thống Obama nhấn mạnh việc tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như việc Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Ngày 24-5, Tổng thống Obama vào thăm TP.HCM và có các cuộc tiếp xúc với giới doanh nghiệp mà trọng tâm thảo luận là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tổng giám đốc (TGĐ) Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo và Tổng giám đốc Boeing Ray Conner ngày 23-5 đã ký hợp đồng đặt mua 100 máy bay B737 Max 200, trị giá 11,3 tỉ USD trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama, cùng các lãnh đạo cấp cao của hai nước.
Tại lễ ký, ông Ray Conner phát biểu: “Với các thiết kế và công nghệ tiên tiến nhất, dòng máy bay hiệu suất cao B737 Max 200 sẽ giúp Vietjet phát triển mạng lưới bay hiệu quả”.
B737 Max 200 là dòng máy bay tích hợp động cơ CFM International LEAP-1B, hệ thống cánh nhỏ với công nghệ cao cùng nhiều cải tiến mang lại hiệu quả, độ tin cậy cao, cũng như sự thoải mái cho hành khách. Dòng máy bay thân hẹp này có khả năng tiết kiệm 20% tiêu hao nhiên liệu so với dòng máy bay Next-Generation 737 đời đầu.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet nói: “Vietjet đang khai thác rất hiệu quả đội máy bay thân hẹp hiện tại. Việc đầu tư đội máy bay B737 Max 200 hôm nay sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển mạnh mẽ hơn nữa mạng đường bay quốc tế trong thời gian tới của Vietjet”.
Số máy bay được ký kết lần này dự kiến sẽ được giao hàng từ năm 2019 đến năm 2023.
Gia Minh (DNSGCT)