Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong tám tháng qua có tới 72.340 doanh nghiệp dừng hoạt động, doanh nghiệp giải thể, phá sản – tương đương khoảng 82,76% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trước con số gây lo ngại trên, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng đề nghị có những chính sách giảm bớt sức ép cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đến 95% số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam.
Hiện nay trên cả nước, số lượng doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỉ đồng chiếm trên 70% tổng số DNNVV. Một trong những khó khăn lớn nhất của đối tượng doanh nghiệp này là khâu tiếp cận vốn. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có khoảng 35 đến 40% các DNNVV không có khoản vay vốn tại ngân hàng. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển của Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng một trong các giải pháp là cần phát triển thị trường Fintech, áp dụng công nghệ mới trong cho vay để những tài sản mà doanh nghiệp không thể đem thế chấp ngân hàng thì có thể dùng thế chấp ở đây để vay vốn sản xuất kinh doanh.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, cần thay đổi cách vận hành của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vay được vốn. Cụ thể là cần rà soát lại điều kiện doanh nghiệp được bảo lãnh theo hướng “thoáng” hơn điều kiện vay vốn từ ngân hàng, phối hợp với ngân hàng tăng cường kiểm tra sau khi cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, đảm bảo rằng doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn sẽ trả nợ gốc và lãi vay đủ, đúng hạn cho ngân hàng. Có như vậy Quỹ Bảo lãnh DNNVV mới đúng nghĩa là cầu nối để doanh nghiệp vay vốn không có tài sản thế chấp tại các ngân hàng thương mại.
Về lãi suất và phí, các ngân hàng cần rà soát theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp (vì nhiều lý do) vẫn lệ thuộc lớn vào vay vốn ngân hàng cho sản xuất kinh doanh thì việc đưa ra mức phí và lãi suất cho vay hợp lý là cấp thiết. Ở đây không chỉ đơn thuần là kêu gọi “sự chia sẻ của ngân hàng với doanh nghiệp”, mà ngân hàng thương mại cần xem xét đến việc phân bổ và quản lý chi phí một cách hiệu quả hơn.
Với chi phí đầu vào (lãi suất huy động vốn) như hiện nay, thu nhập lãi ròng của ngân hàng thương mại không chỉ đến từ thu nhập tín dụng (chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất điều chuyển vốn nội bộ); thu nhập từ huy động vốn (chênh lệch giữa lãi suất điều chuyển vốn nội bộ với lãi suất huy động) mà còn có thu nhập do chuyển đổi kỳ hạn (chênh lệch lãi suất điều chuyển vốn nội bộ giữa kỳ hạn cho vay và kỳ hạn huy động). Vì thế chênh lệch lãi suất đầu ra và lãi suất đầu vào chỉ nên trong khoảng 2% đối với từng khoản vay là hợp lý với thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam. Với lãi suất cho vay thương mại như hiện nay không chỉ chưa phù hợp cả ở góc độ vĩ mô (lãi suất danh nghĩa cao hơn nhiều so với lạm phát), mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm: “Việc chúng ta phải lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng làm kênh cung cấp nguồn vốn chính cho doanh nghiệp là một rủi ro lớn cho nền kinh tế. Bởi về bản chất, vốn huy động của các ngân hàng thương mại 70% vẫn là vốn ngắn hạn, nhưng lại chịu áp lực cho vay trung và dài hạn. Dù đã có các quy định liên quan tới giới hạn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, nhưng trên thực tế, ngân hàng luôn phải đối mặt với rủi ro mất cân đối kỳ hạn trong cấp tín dụng cho nền kinh tế. Việc thiếu nguồn vốn dài hạn gây khó khăn cho việc hoạch định nền kinh tế phát triển theo chiều sâu. Cụ thể, không có nguồn vốn dài hạn thì không thể có các chiến lược lâu dài, không thể đầu tư phát triển kinh doanh dài hạn”.