Tuần qua, hồ sơ Panama như một trái bom nổ chậm đã đến lúc bùng phát làm rung chuyển thành trì trốn thuế và rửa tiền trên thế giới. Toàn bộ “hồ sơ Panama” với 11,5 triệu tài liệu được “Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ)” công bố, nhưng công đầu thuộc về tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung. Chính tờ báo này đã mở ra một cơ hội đưa việc hợp tác điều tra lên tầm cao mới khi tổ chức liên kết với 400 nhà báo từ 80 nước trên thế giới.
Tổng biên tập Wolfgang Krach của Suddeutsche Zeitung mới đây đã chia sẻ thêm về những tài liệu mà tòa báo đã nhận được hồi đầu năm 2015, cùng quyết định hợp tác điều tra với ICIJ.
Đây là tài liệu nội bộ của Công ty Luật Mossack Fonseca ở Panama, có thể nói là cuộc điều tra chưa hề có tiền lệ mà thông tin trốn thuế đưa ra làm chấn động thế giới. Krach cho biết: “Chỉ riêng số lượng dữ liệu và thông tin cũng đã là một con số khổng lồ. Có đến 2,6 terabyte dữ liệu trong suốt 40 năm hoạt động của hãng luật kể trên, lớn hơn gấp vài lần tổng số lượng thông tin được Wikileak tiết lộ năm 2012, hay số tài liệu tình báo mà Edward Snowden công bố năm 2013, hoặc hồ sơ thuế Luxembourg năm 2014 và hồ sơ HSBC năm 2015. Ngay từ tài liệu đầu tiên, chúng tôi đã thấy sự dính líu của hàng trăm nhân vật từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi biết rằng vụ điều tra này không phải là việc chúng tôi có thể tự làm một mình”.
Suddeutsche Zeitung đã quyết định chia sẻ số dữ liệu ấy với Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế. Tổ chức này sau đó đã xây dựng cơ sở dữ liệu và tập hợp một đội ngũ toàn cầu gần 400 nhà báo từ hơn 100 hãng tin và tòa soạn thuộc 80 quốc gia tham gia điều tra.
Đây không phải lần đầu ICIJ tổ chức một cuộc điều tra hợp tác quốc tế. Đầu năm 2013, tổ chức này đã bắt đầu xây dựng các nhóm phóng viên quốc tế điều tra hoạt động ngân hàng hải ngoại, tham nhũng trong các chính phủ và trốn thuế. Tuy nhiên, với quy mô của “hồ sơ Panama”, đây là đội ngũ nhà báo lớn nhất tham gia điều tra xưa nay.
Do mức độ nhạy cảm của dữ liệu, đội điều tra của ICIJ đã tiến hành nhiều biện pháp an ninh dự phòng ở mức tối đa. Các nhà báo liên lạc với nhau qua các kênh được mã hóa và toàn đội ngũ chỉ gặp nhau hai lần, một lần ở Washington D.C và một lần ở Munich, để thảo luận kết quả điều tra và lên lịch trình đăng tin bài.
Quá trình làm việc diễn ra trong điều kiện tuyệt đối bí mật. Và thật tuyệt vời khi chẳng có sự rò rỉ thông tin nào xảy ra trong đội ngũ 400 nhà báo này. Tổng biên tập Krach khẳng định đây là lần hợp tác hiệu quả nhất từ trước đến giờ và tin tưởng rằng thế giới sẽ chứng kiến các cuộc hợp tác điều tra ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực báo chí dữ liệu. Đây có thể là mối đe dọa lớn lao cho các “thiên đường trốn thuế” trong tương lai.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao không tờ báo lớn nào ở Mỹ đưa vụ “hồ sơ Panama” lên trang nhất hôm 4-4 vừa qua. Một số ý kiến cho rằng các tờ báo Mỹ không được mời cộng tác vì họ không có tinh thần làm việc nhóm, hoặc do ICIJ không có đủ kinh phí mời các hãng truyền thông Mỹ tham gia.
Những cách trốn thuế, che giấu tài sản
Tuy có khá nhiều cách hợp pháp để tận dụng việc trốn thuế, nhưng hầu hết những gì đang diễn ra lại là chuyện che giấu những người chủ thực sự của các khoản tiền, nguồn gốc của các khoản tiền, cách tránh phải trả thuế trên các khoản tiền đó và thông thường các phương cách thực hiện đều khá giống nhau.
Các công ty vỏ bọc
Một công ty vỏ bọc luôn mang vẻ ngoài như một doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, nhưng thật ra công ty không hoạt động gì hết ngoài việc quản lý tiền đồng thời lại giấu kín danh tính những người chủ sở hữu tiền.
Việc quản lý được thực hiện bởi các luật sư, kế toán, thậm chí cả nhân viên dọn dẹp vệ sinh trong công ty, những người không phải làm gì nhiều ngoài việc ký tài liệu và ghi danh tính của mình trên mẫu thư công ty.
Các công ty vỏ bọc cũng còn được gọi là các “công ty hộp thư” bởi chúng chẳng có gì ngoài địa chỉ để nhận tài liệu gửi tới.
Trung tâm tài chính ở nước ngoài
Nhưng liệu công ty vỏ bọc có an toàn không nếu đặt tại London hay Paris, nơi các công cụ chống trốn thuế có thể tìm được ai là chủ, nếu muốn.
Vậy là các “trung tâm tài chính nước ngoài” xuất hiện, thường đặt tại quần đảo Virgin (thuộc Anh) cho tới Macao, Bahamas, Panama… lâu nay vẫn được mệnh danh là những “thiên đường trốn thuế”, nơi bí mật ngân hàng được bảo vệ rất kỹ, trong khi có rất ít, thậm chí không có mức thuế nào được áp lên các giao dịch tài chính.
Cổ phiếu và trái phiếu vô danh
Phương tiện giúp chuyển những khoản tiền lớn một cách dễ dàng chính là các loại cổ phiếu và trái phiếu vô danh mà ai có trong tay là người sở hữu nó.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như các trái phiếu đó được giữ tại một văn phòng luật ở Panama? Đây là nơi biết rõ ai là chủ tài sản này, thậm chí biết số trái phiếu đó có tồn tại hay là không.
Rửa tiền
Hoạt động rửa tiền liên quan tới việc tẩy tiền “bẩn”, tức là làm sao để sử dụng số tiền đó mà không gây ra nghi ngờ gì. Đây là phương cách thường được các tổ chức buôn ma túy, những kẻ buôn lậu, những quan chức tham nhũng tận dụng.
Vậy là để làm “sạch” số tiền này, trước tiên phải chuyển đến một công ty mờ ám nào đó ở một trung tâm tài chính nước ngoài để giúp chuyển tiền thành các loại trái phiếu vô danh do một “công ty vỏ bọc” làm sở hữu và yên tâm rằng sẽ chẳng có ai biết đến chuyện đó. Tiền bẩn sau đó nghiễm nhiên biến thành tiền sạch và có thể dùng nó để mua nhà đất hay làm ăn ở bất cứ nước nào.
Quy chế về gửi tiết kiệm của châu Âu
Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc che giấu tiền khỏi tầm ngắm của các cơ quan thuế, Liên hiệp châu Âu (EU) đã ban hành quy chế về gửi tiền tiết kiệm (ESD).
Về căn bản, các ngân hàng tại EU phải thu thuế trên các tài khoản ngân hàng của các công dân EU. Cho nên không thể nào một người dân Iceland có tài khoản ngân hàng tại Hà Lan mà hy vọng là giới chức thuế Iceland không tìm ra được thông tin hoặc không thu được thuế dựa trên tài khoản đó.
ESD khiến cho việc giấu giếm tiền ở châu Âu trở nên khó khăn hơn. Hệ quả là khi ESD được đưa ra áp dụng, đã có sự tăng vọt số người muốn mở tài khoản ngân hàng ở bên ngoài châu Âu, dẫn tới làn sóng quan tâm tới các nơi như Panama và quần đảo Virgin.
Những nạn nhân đầu tiên
Ngày 7-4, ông Bert Meerstadt, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ABN Amro – một trong những ngân hàng lớn nhất của Hà Lan và châu Âu – tuyên bố từ chức vì liên quan đến “hồ sơ Panama”, theo hãng tin Reuters.
Ông Meerstadt có tên trong hồ sơ Panama với tư cách là cổ đông sáng lập của một công ty có tên là Morclan Corporation, trụ sở tại đảo Virgin (thuộc Anh). Ông Meerstadt cho biết ông đã có ý định từ chức từ lâu và đưa ra quyết định từ chức sau khi có những thông tin từ hồ sơ Panama, nhằm không đểảnh hưởng đến danh tiếng của Ngân hàng ABN Amro.
Trước ông Meerstadt, một thành viên của Ủy ban đạo đức Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) là ông Juan Pedro Damiani cũng buộc phải từ chức vì có tên trong hồ sơ Panama.
Tại Iceland, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson phải từ chức sau khi các chi tiết về Công ty Wintris, thuộc sở hữu của ông và vợ, bị tiết lộ từ tài liệu trong hồ sơ Panama.
Cùng lúc, Tổng thống Putin của Nga trong lúc phát biểu trực tiếp trên truyền hình, đã bác bỏ thông tin một người bạn lâu năm của Putin và là cha đỡ đầu cho con gái ông, nghệ sĩ chơi đàn cello Sergei Roldugin, là chủ sở hữu hai công ty hải ngoại International Media Overseas và Sonnette Overseas mà theo hồ sơ Panama là những công ty này đã được sử dụng để rửa tiền.
Thủ tướng Anh Cameron cũng đã phải công bố thông tin để “hoàn toàn cởi mở và minh bạch” về vấn đề tài chính cá nhân.
Nạn nhân thực sự là người nghèo
Các chuyên gia và nhiều tổ chức từ thiện cảnh báo rằng chiêu trò trốn thuế không chỉ liên quan tới người giàu. Nạn nhân thực sựở đây chính là những người bình thường trên thế giới. Chuyện đơn giản là nếu người giàu và người có quyền lực trả thuế ít đi thì những người còn lại phải trả nhiều thêm. Các nỗ lực toàn cầu nhằm giúp những nước đang phát triển, như Nigeria và Malawi chẳng hạn, cũng bị tổn thất nghiêm trọng bởi nạn trốn thuế. Điều này xảy ra bởi những tổ chức, cá nhân trốn thuế thường gửi tiền đến các nước có những luật thuế không công bằng và thông thường đó là những nước nghèo. Những quốc gia đó không có nhiều quyền lực để đánh thuế dòng tiền này, đồng nghĩa với việc họ không đủ ngân sách để chi cho giáo dục, y tế và đường sá. Sự chảy máu tiền bạc này lớn hơn nhiều lần những gì mà các nước nghèo nhận được từ viện trợ bên ngoài.
Trong một dạng thức đơn giản nhất, sự thao túng ấy bao gồm một công ty hoạt động ở một nước đang phát triển và thành lập một chi nhánh cho công ty của họ ở một “thiên đường thuế”, rồi bán sản phẩm của mình với giá thấp cho chi nhánh này và chỉ chịu một mức thuế tối thiểu. Cuối cùng, chi nhánh của họ ở “thiên đường thuế” bán sản phẩm ra với giá thị trường và được hưởng khoản lãi khổng lồ cộng với mức thuế cực thấp, có khi bằng 0.
Nói một cách khác, các công ty thao túng giá để tránh phải đóng thuế và hậu quả là đất nước có hệ thống thuế không công bằng ngày càng lún sâu vào nghèo đói vì không đủ khả năng nuôi nền kinh tế của mình.
Lê Vĩnh tổng hợp (DNSGCT)