Nét đặc trưng thứ hai của truyền thống Do Thái là sự đánh giá cao mọi loại khát vọng trí tuệ và lao động tinh thần… và sự trân quý thành tựu tinh thần. […] Đồng thời, óc phê phán mạnh mẽ của họ giúp ngăn ngừa sự chạy theo bất cứ một quyền uy nào một cách mù quáng. (chữ nghiêng được thêm vào).
– Albert Einstein –
[1]
Thế giới ngưỡng mộ các cộng đồng Do Thái sống rải rác trên thế giới – diaspora – về sự thành công trội bật của họ so với số dân nhỏ và điều kiện sống giới hạn của họ. Điều đó ai cũng biết. Có thể lý giải điều đó được không? Dưới đây tôi xin ghi lại một số ý kiến của vài học giả, và của Albert Einstein, và cố gắng hình tượng hóa sự lý giải bằng một hiện tượng vật lý về bản chất có những tính chất tương tự: Hiện tượng quang điện. Bức tranh sẽ rõ nét và dễ hiểu hơn. Từ đó chúng ta cũng có thể nhìn lại cộng đồng Việt Nam để hiểu hơn tiềm năng và tại sao sự thể hiện tiềm năng ấy còn chưa tương xứng.
Nhà triết học Anh gốc Nga-Do Thái Isaiah Berlin (1909-1997) có viết trong một tác phẩm của ông:
Trước đúng 20 năm, một bài viết của L.B. Namier xuất hiện trong một tờ tuần báo (Đức). Ông luận bàn về những vấn đề của người Do Thái của thời đại chúng ta (1951). Trong đó, nếu tôi nhớ không lầm, Namier so sánh, với sự chính xác và bóng bẩy đặc trưng của ông, các tác dụng của Khai sáng lên tập thể những người Do Thái trong thế kỷ mười chín với tác dụng của mặt trời chiếu lên một sông băng (glacier). Lớp ngoài nhất của nó sẽ bốc hơi, cái lõi của nó vẫn cứng và lạnh. Nhưng một phần lớn của khối băng tan biến thành một dòng chảy xiết, làm ngập lụt thung lũng phía dưới nó. Một phần nào của nó chảy vào sông hay suối, trong khi một phần khác chảy vào những bể nước ngưng đọng. Trong mọi trường hợp, những diễn biến đó làm cho quang cảnh thay đổi một cách đáng kể, và đôi khi mang tính cách mạng. Hình ảnh này không những sống động, mà còn đúng nữa, bởi vì dù có những ý kiến ngược nhau, hình thành một sự bốc hơi, và đôi khi một sự đồng hóa. (Isaiah Berlin1)
Một minh họa chi tiết và sinh động như một bức tranh. Nhưng theo tôi, minh họa đó chưa phải là lời giải đáp đầy đủ cho Hiện tượng Do Thái mà tôi muốn nhắm đến. Bởi nó chưa nói lên điểm khác biệt giữa chủng tộc này và các chủng tộc khác. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng chịu những tác động tương tự như thế, cũng là những “tảng băng”, nhưng xét về thành quả, và triển vọng, người Việt chưa bằng được người Do Thái. Tại sao? Phải có cái gì mạnh mẽ nội tại trong con người và ngoại tại từ xã hội để một sự cọ xát với thực tế như một chất xúc tác mới làm bật ra được những thành tựu tuyệt vời như người Do Thái.
Nhà sử học Raphael Patai (1910-1996) gốc Hung-Do Thái, trong quyển sách The Jewish Mind của ông, đã giải thích thêm về nguồn gốc của sự khác biệt này:
Dường như một hồ chứa bạt ngàn tài năng trong cộng đồng người Do thái, bị ngăn chặn lâu ngày sau bức tường của sự học Talmud, thình lình được tháo ra để tràn vào những cánh đồng của hoạt động văn hóa không phải Do thái (của quốc gia mà họ hội nhập).
Chi tiết hơn:
Ở Anh, Pháp, Đức, Áo và Hungary, trong vòng vài năm sau khi họ lần đầu tiên được phép ngồi trên ghế của các trường phổ thông thế tục, người Do Thái đã thuộc vào hàng các nhà lãnh đạo của ngành công nghiệp, văn học và báo chí, âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn, của tất cả các lĩnh vực khoa học và ngay cả trong hội họa và điêu khắc, hai lĩnh vực mà họ đã bị loại ra nhiều nhất bởi truyền thống tôn giáo của riêng họ. (Patai, The Jewish Mind)
Cách giải thích này tích cực hơn. Người Do thái có một “hồ chứa bạt ngàn tài năng” trên trong. Họ được hội nhập vào khoảng từ khoảng cuối thế kỷ 18 và thế kỷ 19 trở đi ở châu Âu, và thăng hoa ngày càng mạnh mẽ, như tình hình ở Đức cho thấy rõ nhất, vào cuối thế kỷ 19, đầu 20. Ở Đức, những người Do Thái hồ hỡi hội nhập đến nỗi không còn quan tâm mấy đến văn hóa cội nguồn của họ nữa, mà sống với văn hóa Đức một cách đam mê, lấy nền văn hóa huy hoàng Goethe-Schiller-Heine làm một loại thay thế của kinh thánh, họ tìm thấy ở đó nguồn cảm hứng mới cho hoạt động sáng tạo của họ. Họ đã đổi mới hoàn toàn. Bố của Albert Einstein thường sau bữa ăn tối tụ tập gia đình lại quanh bàn và đọc Goethe, Schiller và Heine cho cả nhà nghe. Văn hóa Đức là một loại “Kinh thánh mới” thay thế. Người Do Thái hội nhập cũng có thể yêu nước Đức hơn cả người Đức. Bộ trưởng ngoại giao của Đức thời Cộng hòa Weimar, Walther Rathernau, từng đi xa đến chỗ một lần ông viết: “Dân tộc của tôi là người Đức, không ai khác hơn. Người Do Thái đối với tôi là một chủng tộc Đức, như Sachsen, Bayern hay Wenden.” (Wenden là vùng của những người slavs trong khu vực nói tiếng Đức, Germania Slavica). Ai cũng biết, Rathernau sau đó bị các phần tử anti-semitist cuồng tín ám sát ngay trên đường phố Berlin. Fritz Haber, nhà hóa học gốc Do Thái giải Nobel, và là bạn thân của Einstein, cũng là người yêu nước Đức nồng nhiệt. Cho đến khi Hitler lên nắm quyền và bài xích, ý thức của người Do thái về nguồn gốc họ mới trỗi dậy. Cả hai, Rathernau và Haber đều là bạn thân của Einstein.
[2]
Einstein đến lượt mình có một cách giải thích rất sáng tỏ và khiêm tốn hơn. Trong bài “Tại sao họ thù ghét người Do Thái?” năm 1938 ông viết:
Nét đặc trưng thứ hai của truyền thống Do Thái là sự đánh giá cao mọi loại khát vọng trí tuệ và lao động tinh thần. Chính do sự trân quý này mà theo tôi những người Do Thái đã đóng góp vào tất cả những tiến bộ của nhận thức trí thức theo nghĩa rộng nhất của từ trên một quy mô mà, nếu chú ý đến số lượng tương đối nhỏ và những trở ngại bên ngoài đáng kể họ phải đối mặt, những thứ không ngừng là lực cản trên con đường họ khắp mọi nơi, rất xứng đáng với sự công nhận của tất cả những người chân thật. Tôi tin rằng điều này không phải do một sự giàu có các tài năng thiên phú nào, mà do sự thật rằng sự trân quý thành tựu tinh thần ở những người Do Thái đã tạo ra một bầu không khí làm thuận lợi đặc biệt cho sự phát triển của các tài năng có thể có. Đồng thời, óc phê phán mạnh mẽ của họ giúp ngăn ngừa sự chạy theo bất cứ một quyền uy nào một cách mù quáng. (chữ nghiêng được thêm vào)
(Einstein, Từ những năm sau của tôi, sắp xuất bản, 2021)
Ông khiêm tốn không nhìn nhận cộng đồng Do Thái có một hồ chứa bạt ngàn tài năng, hay có một sự giàu có các tài năng thiên phú nào dành sẵn cho Do Thái như tác giả Raphael Patai nói. Những tiềm năng này các dân tộc khác cũng đều có, như ông từng quan niệm (Xem Albert Einstein, Mặt Nhân Bản2). Nhưng thái độ, Haltung, attitude, mà ông nhấn mạnh là sự đánh giá cao mọi loại khát vọng trí tuệ và lao động tinh thần và sự trân quý thành tựu tinh thần của cộng đồng người Do Thái, là tiên đề của sự phát triển các tài năng trong đó.
[3]
Hiện tượng quang điện. Bây giờ tôi sẽ sử dụng “hiện tượng quang điện” trong vật lý hiện đại đầu thế kỷ 20, kết hợp với lời giải thích của Einstein để làm sáng tỏ hiện tượng Do Thái. Hiện tượng quang điện là một trong những hiện tượng kỳ bí lúc bấy giờ mà Einstein đã giải được nhờ vào giả thuyết lượng tử của ánh sáng và các hạt photon của ông. Hiện tượng quang điện là như thế này, rất dễ hiểu một cách trực quan:
Ánh sáng khi chiếu vào một tấm kim loại (vốn chứa electron mang điện tích âm) sẽ làm phát sinh một dòng điện có thể đo được ở gần bề mặt nó. Đặc điểm của dòng điện này là nó lại không tùy thuộc vào cường độ ánh sáng chiếu vào, mà tùy thuộc hơn vào tần số của loại ánh sáng chiếu vào, điều làm cho hiện tượng khó hiểu từ nhiều thập niên. Các dữ kiện thực nghiệm đều cho biết, nếu là tia cực tím (mắt thường không thấy) chiếu vào thì có dòng điện, còn đối với ánh sáng thường (mắt nhìn thấy) của con người thì hầu như không có dòng điện. Tại sao lại có sự khác biệt này?
Minh họa hiện tượng quang điện (Wiki).
Năm 1905, Einstein đã giải mã như sau: Theo ông – hoàn toàn ngược với lý thuyết sóng thịnh hành – ánh sáng được cấu tạo bằng các hạt năng lượng gọi là photon, mà tia cực tím là những tia có hạt năng lượng cao (tần số lớn, hay bước sóng nhỏ), cho nên truyền năng lượng lớn của mình sang cho các electron, khiến chúng dễ dàng văng ra khỏi tấm kim loại và tạo thành dòng điện, trong khi các hạt photon của ánh sáng mắt thường nhìn thấy có năng lượng thấp nên khó đẩy các electron ra hơn. Logic! Einstein gọi quan niệm ánh sáng là hợp thành bởi các hạt lượng tử là cách mạng, bởi từ thế kỷ 18 trở đi, ánh sáng được xác lập là hiện tượng sóng điện từ. Năm 1921 Einstein nhận được phần thưởng giải Nobel cho sự cắt nghĩa thiên tài đó.3
[4]
Bây giờ chúng ta có thể diễn giải Hiện tượng Do Thái bằng Hiện tượng Quang điện này – một cách rất hình tượng và dễ nhớ. Hai cơ chế về bản chất thật ra giống nhau. Chúng ta hãy xem con người hay cộng đồng giống như tấm kim loại kia. Các electron là những tài năng tiềm ẩn. Sự trân quý thành tựu tinh thần và khát vọng trí tuệ và lao động tinh thần mà Einstein nói đến là điều kiện làm cho tài năng có xung lực và đưa chúng lên bề mặt, chờ có điều kiện thuận lợi tác động sẽ bật lên. Điều kiện gì làm cho chúng dễ dàng bật lên? Đó là ánh sáng khai minh, đóng vai trò tia cực tím có năng lượng cao. Ánh sáng này mang xung lực mạnh và có tác dụng lớn lên những tâm hồn cảm thụ, có sự trân quý và khát vọng như Einstein nói, trong khi ánh sáng trắng là loại ánh sáng văn minh chúng ta thấy thường nhật, “nhạt nhẽo”, có xung lực ít, thậm chí dễ gây ra ảo giác cho con người. Tia cực tím chính là ánh sáng khai minh, không dễ hiển hiện ra mà phải đi tìm.
Cho nên chúng ta có thể đúc kết hiện tượng tài năng qua công thức:
Thành tựu nổi bật = Miếng đất cảm thụ có xung lực khát vọng trí tuệ và trân quý thành tựu tinh thần + Ánh sáng khai minh rọi lên.
Ánh sáng cực tím đó là chính lực đẩy của phát triển từ mấy trăm năm qua, là ánh sáng của Thời Phục Hưng từ thế kỷ 14-17, của cuộc Cách mạng khoa học thế kỷ 17, cuộc Cách mạng công nghiệp thế kỷ 18, rồi của cuộc Khai minh vĩ đại thế kỷ 18, thúc đẩy xã hội không ngừng tiến lên từ những động lực mạnh mẽ bên trong. Những gì khoa học khám phá hầu hết đều đi ngược lại lý trí đời thường, common sense, và như nằm trong vùng cực tím mắt thường không thể thấy mà phải hiểu.
Cộng đồng, hoặc cá nhân nào biết tìm cách tương tác với loại “văn hóa cực tím” này chắc sẽ dễ đi đến những thành tựu đáng kể cho mình. Còn chỉ đi theo cái văn hóa “ánh sáng trắng” thì thành tựu sẽ rất giới hạn.
Người Việt Nam nói chung, có lẽ chưa có nhiều hai yếu tố nói trên: sự nung nấu, khát vọng và trân quý giá trị tinh thần, và sự tìm đến loại “khai sáng cực tím” khai minh để truyền cho mình thêm năng lượng cần thiết để tài năng bật ra. Cộng đồng Do Thái có đầy đủ cả hai. Họ có đức tin, quyển sách, có năng lượng nội tâm lớn, ý chí nung nấu, và luôn vươn tới “ánh sáng cực tím” trong các lãnh vực khoa học và sáng tạo khác như nghệ thuật, kinh doanh v.v. Họ hiểu đâu là những giá trị mang tính động lực có giá trị cao, đâu là những giá trị bình thường trong xã hôi.
[5]
Trên thế giới có những dân tộc thành đạt rất đặc biệt gây chú ý cho các nhà nghiên cứu xã hội học: Do Thái, Tin Lành, Nhật Bản, và Khổng giáo. Có thể nói tóm tắt, người Do Thái sống có đức tin, là con Chúa, là dân tộc được Chúa chọn. Người Tin Lành thì cũng tin họ, là những người được Chúa chọn để nhân danh Chúa xây dựng Thiên đường trên trái đất. Người Nhật tin vào tính cao quý và thần thánh của nòi giống mình, và sống như thế một cách tự hào. Người Khổng giáo thì hơi nghịch lý. Họ có một số đặc tính đạo đức nền tảng, như cần cù, siêng năng, khuôn phép, nhưng bị đè nén bởi chính các chế độ Khổng giáo hàng nghìn năm; đến khi họ tỉnh dậy, thì họ có thể vươn lên nhanh chóng.
Tôi tin rằng, người Việt Nam cũng có “một hồ chứa bạt ngàn tài năng” bên trong như nhiều dân tộc khác, nhưng chưa được thể hiện, bởi còn thiếu xung lực khát vọng trí tuệ, và trân quý thành tựu tinh thần để đưa tài năng lên bề mặt tiếp xúc chuẩn bị cho một “bước nhảy lượng tử”, chưa tích cực tìm đến “văn hóa cực tím” khai minh để tạo sức bật. Có những lần va chạm chí tử với thế giới bên ngoài, tưởng rằng điều đó đã quá đủ để họ thức tỉnh và lột xác để trở thành một dân tộc mạnh mẽ. Nhưng rồi điều kỳ diệu vẫn chưa xảy ra. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài dường như đa số dễ bị “hòa tan” vào xã hội phương Tây, trừ một số rất ít còn giữ được gốc rễ của mình. Họ vẫn thiếu một động cơ mạnh mẽ để qua sự cọ xát với “văn hóa cực tím” bật ra được những tài năng đặc biệt. Nhưng tình hình dần dần được cải thiện ở lớp người trẻ hôm nay, và sẽ tiếp tục được cải thiện, bởi họ được nuôi dưỡng bởi những tính chất tốt đẹp của động cơ vươn lên và ánh sáng khai minh tiềm tàng trên thế giới mà họ biết đi tìm để tương tác.
Ở cấp lãnh đạo còn quan trọng hơn. Giới lãnh đạo nào có những thái độ tích cực với khát vọng trí tuệ, và trân quý thành tựu tinh thần và biết tìm thấy “ánh sáng khai minh” cực tím kia, sẽ thúc đẩy cả nước nhanh chóng cùng tiến lên đỉnh cao của thịnh vượng.
[6]
Riêng về người Trung Quốc tôi nghĩ: Họ đã bắt mạch được “văn hóa cực tím” của thế giới từ Phong trào Ngũ Tứ những năm 1919 và sau đó – trễ hơn Nhật Bản nửa thế kỷ. Họ cũng có sự “nung nấu” bên trong từ những cuộc thất trận trước Nhật Bản 1894/5, từ tủi nhục chiến tranh Nha phiến, và bị Nhật Bản đô hộ. Họ biết trân quý những giá trị tinh thần, và khát vọng trí tuệ, cũng như đã thấy “văn hóa cực tím” từ Nhật Bản. Họ tin vào sự vĩ đại của họ và nung nấu muốn vĩ đại trở lại. Lòng tự hào một thời mù quáng này, tự hào mà thiếu khai sáng, đã làm cho họ bị tê liệt, yếu đuối và bất lực trước phương Tây.4
Khi nhà vật lý Mỹ gốc Trung Hoa Chen Ning Yang (Dương Chấn Ninh)5 được giải Nobel năm 1957, ông được Chu Ân Lai mời về TQ làm việc luôn, nhưng đã từ chối. Đến năm 1971 khi thấy Kissinger trở về từ Bắc Kinh sau khi khai thông thành công quan hệ Trung-Mỹ, thì chẳng bao lâu sau đó ông viết cho một người bạn đồng hương ở Mỹ: “Trong giây phút trọng đại này, tôi đang ở trên chuyến máy bay hướng về Bắc Kinh”.6 Ông thấy thời cơ cho sự đóng góp của ông vào công cuộc tái thiết TQ đã tới để dân tộc này hồi sinh. Chen Ning Yang cũng mang dòng máu tự hào của TQ, mặc dù ông tự nhận mình là “sản phẩm của cả hai nền văn hóa Trung Hoa và phương Tây, trong hài hòa lẫn xung đột.” Ông “hãnh diện về di sản văn hóa Trung Hoa mà ông được thừa hưởng cũng như rất hãnh diện vì đã hiến mình cho khoa học hiện đại, một phần của nền văn minh nhân loại có nguồn gốc phương Tây” như trong bài diễn từ nhận giải Nobel nổi tiếng của ông. Lòng tự hào trong ông có dịp trỗi dậy mạnh mẽ vào lúc dân tộc ông thức tỉnh sau đêm dài kinh hãi.
[7]
Dân tộc này ẩn chứa một tiềm năng rất lớn, giống như một ông Phật vàng bên trong, nhưng hiện nay mới thể hiện mình như một ông Phật đất sét bao bọc bên ngoài, như trong ẩn dụ hình tượng của học giả Phật giáo Mỹ Jack Kornfield về bài học sức mạnh tâm linh và của cái thiện trong mỗi con người. Kornfield nhắc lại chân lý phổ quát của Đức Phật: Con người có nguồn gốc cao quý và thánh thiện: “Ôi, những kẻ được sinh ra cao cả, hãy nhớ lấy bầu trời rộng mở và tinh khiết là bản chất đích thực của các con. Hãy trở về đó. Hãy tin tưởng nó. Đó chính là quê hương.” như ông trích dẫn lời Phật dạy.7 Chúng ta cần xuống tới ông Phật vàng phía dưới để chạm tới “hồ chứa bạt ngàn tài năng” của chúng ta, và của mỗi con người. Và khi con người có niềm tin vào nguồn gốc chung cao quý, thánh thiện, thì họ sẽ tự trọng, tôn trọng, thương yêu nhau và hợp tác với nhau chân thành một cách tất yếu. Hãy có niềm tin và sự nung nấu, tạo ra bất cứ ở đâu trong cộng đồng văn hóa khát vọng trí tuệ và lao động tinh thần quên mình như Einstein nói, văn hóa khai minh để soi sáng và nạp thêm năng lượng, tính chân thật, khoan dung và khoa học. Tài năng sẽ phát triển nhanh chóng. Sự quay mình vào những mục đích vật chất và ích kỷ trước mắt chỉ ngăn cản sự vươn lên cao. Einstein cũng đã cảnh báo người Do Thái như thế. Nên định hướng chúng ta: văn hóa khai minh và sáng tạo của những giá trị cao, với sự nung nấu, lửa nhiệt tình, để phát triển và phụng sự đất nước.
– Tháng 3/2021