Bắt đầu mày mò kinh doanh từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Nguyễn Hữu Duy cứ mãi loay hoay trên hành trình khởi nghiệp của mình. Sau bốn lần thất bại, anh mới tìm thấy sản phẩm mà càng làm càng đam mê, đó chính là hạt cà phê gắn liền với quê hương Gia Lai. Những hạt cà phê đầu tiên của thương hiệu HD Gia Lai Coffee cũng do bàn tay ba anh thu hoạch từ chính khu vườn của gia đình.
Cách làm mới từ vườn cà phê cũ
“Sau bốn lần khởi nghiệp thất bại, tôi tự hỏi mình đang tìm kiếm điều gì cho cuộc sống, sự nghiệp? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi đã quyết định thực hiện hành trình xuyên Việt bằng xe đạp”. Nguyễn Hữu Duy chia sẻ. “Khi thong dong trên những vòng xe, được ngắm nhìn thiên nhiên một cách chậm rãi, trông thấy người nông dân vất vả trên đồng ruộng, trong tôi chợt thấy yêu thiên nhiên, con người đến lạ. Rồi tôi nhớ về quê hương Gia Lai, về gia đình và về những vườn cà phê bạt ngàn. Tôi đã từng theo chân ba tôi lên rẫy cà phê từ những ngày bước chân chập chững, vậy mà trong những năm qua, tôi chưa bao giờ có cảm giác gắn bó với những hạt cà phê chín ngọt hay những bông hoa trắng thơm dịu dàng đến vậy”.
Sau chuyến đi “hành xác” kéo dài khoảng một tháng rưỡi, Duy quyết định kinh doanh cà phê sạch bằng tất cả những kiến thức anh tìm hiểu trên mạng internet cũng như từ thực tế. Anh đã thuyết phục ba mình dành riêng 2ha vườn nhà trồng thử nghiệm theo phương pháp mới là xen canh cà phê và hồ tiêu, kết hợp sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, bã cà phê và men vi sinh để pha trộn phân bón hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học. Có những điều khiến một người nông dân lâu năm như ba anh nghi ngờ như: thuốc trừ sâu chế biến từ ớt, hành, tỏi; nuôi kiến vàng diệt sâu bệnh; hay giữ lại thảm cỏ bên dưới gốc để giúp giữ độ ẩm, chất dinh dưỡng trong đất… Nhưng cuối cùng, ông vẫn bị thuyết phục bởi cậu con trai “cứng đầu”. Thật bất ngờ, mô hình này cho hiệu quả thấy rõ, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư vừa cho mức lợi nhuận cao gấp hai, gấp ba lần so với phương thức canh tác truyền thống. Chất lượng cà phê thành phẩm trồng theo phương pháp hữu cơ cũng được cải thiện hơn nhiều so với sản phẩm truyền thống, đặc biệt là kích thước hạt đồng đều và hương vị đậm đà, thơm ngon hơn.
Hai năm sau, vườn cà phê nhà anh trở thành “vườn mẫu” để anh thuyết phục nhiều hộ khác trở thành nguồn nguyên liệu cà phê sạch cho mình. Nay anh đã hình thành được nguồn hàng liên kết các nông hộ từ Gia Lai đến Lâm Đồng, với cam kết thu mua cà phê chín chất lượng với giá cao hơn 10% so với giá thị trường. Để tiến đến thực hiện ước mơ xây dựng thương hiệu cà phê sạch và chất lượng mang tên quê hương mình, Duy đang ra sức hoàn thiện một quy trình sản xuất cà phê khép kín từ trồng trọt, thu hái, chế biến và cung ứng cho các đại lý trên khắp cả nước với cam kết không sử dụng bất cứ hóa chất hay phụ gia, phẩm màu. Duy nói: “Tôi là nông dân nên suy nghĩ rất đơn giản, chỉ bán những sản phẩm mà mình chắc chắn là không gây hại cho sức khỏe người khác, để chính mình có thể sống an nhiên”.
Tìm đường đưa cà phê hữu cơ ra thế giới
Nguyễn Hữu Duy cho biết, anh xem ba mình là thần tượng nên cũng học tập được ít nhiều các đức tính của ông như: trân trọng sức lao động, chịu khó học hỏi… Anh tự hào kể: “Ba tôi gắn bó với vườn cà phê từ những năm 1980, tôi chưa bao giờ thấy ông chán việc nhà nông vất vả. Có những lúc trên vai đang vác một bao cà phê nặng vài chục ký, ông vẫn cố cúi xuống nhặt vài hạt cà phê rơi rãi dưới chân vì “đó là công sức mình gieo trồng, thu hoạch, không thể bỏ phí” – lời của ông. Hằng ngày, ba tôi vẫn dành thời gian đọc sách, báo trên chiếc điện thoại thông minh. Và ông là một người nông dân sẵn sàng tiếp thu cái mới nhất mà tôi từng biết”.
Với bản tính tò mò về “cánh đồng cỏ bên kia đồi”, Hữu Duy không chấp nhận công việc kinh doanh ổn định với hai quán cà phê ở quê nhà. Anh đưa loại cà phê nguyên chất rang mộc HD Gia Lai Coffee xâm nhập thị trường TP. Hồ Chí Minh cách đây ba năm. Đến khi doanh nghiệp đi vào ổn định cùng với hệ thống “giao cà phê” anh bắt đầu “nhân bản” doanh nghiệp theo hướng nhượng quyền thương hiệu và tiến ra thị trường quốc tế. “Tôi tin rằng sản phẩm cà phê được trồng, sản xuất và chế biến theo phương pháp hữu cơ sẽ được đón nhận ở hầu hết các thị trường lớn. Mơ ước lớn hơn của tôi là có thể góp một phần nhỏ vào việc xây dựng lại uy tín của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Quốc gia đầu tiên Duy chọn đưa cà phê của mình xuất khẩu đó là Singapore. “Tôi sang Singapore để tìm đối tác và nhận thấy đây sẽ là một thị trường rất tiềm năng cho cà phê hữu cơ Việt Nam. Hơn nữa, Singapore là một trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn của khu vực và thế giới. Nếu tạo lập được thương hiệu tại đây, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường quốc tế khác”, Hữu Duy cho biết. Anh còn nói thêm: “Giá cà phê ở Singapore cao gấp bảy, tám lần ở Việt Nam, nếu có thể làm ăn lâu dài với thị trường này thì sẽ tạo ra lợi nhuận lớn”.
Thế nhưng, việc giao thương trực tiếp khó khăn hơn Duy nghĩ, một số đối tác sau khi ngồi trò chuyện đã đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn về cà phê rất khác biệt với các tiêu chuẩn cà phê Việt Nam. Thật may, qua những chương trình khởi nghiệp, anh đã biết đến Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Singapore. “Khi có sự hỗ trợ của tổ chức này, công việc của tôi thuận lợi hơn nhiều. Đây là trung tâm được thành lập nhằm tăng cường quảng bá những sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm Việt Nam có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đẩy mạnh năng lực xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường các nước, nên họ thấu hiểu nhu cầu cũng như các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của đôi bên. Thực tế là con đường đưa cà phê của tôi sang Singapore đã trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ có sự hướng dẫn tận tình của tổ chức này”.
Ngoài thị trường Singapore, Duy cũng đang tìm hiểu các thị trường tiềm năng khác trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để xuất khẩu cà phê sạch từ Gia Lai. Anh nói rằng mình vốn là đứa con “lì” nhất trong nhà nên đã quyết làm gì thì làm cho đến cùng. Là một người từng qua nhiều thất bại, anh quan niệm rằng người khởi nghiệp không cần chạy nhanh hơn ai cả, chỉ cần chạy hết tốc lực của mình. Người khởi nghiệp cũng không cần bận tâm rằng có phải mình đang đi quá chậm hay không mà chỉ cần đi đúng hướng, có niềm tin thì nhất định thành công sẽ đến trong một ngày không xa…
- An Phố
Xem thêm: