McDonald đang trở thành nhà phân phối sách thiếu nhi lớn nhất nước Anh, theo báo cáo 2014 từ The Bookseller và The Wire. Cách họ làm như sau: trong khoảng thời gian khuyến mãi đến 17-6-2014, trong mỗi bữa ăn Happy Meal, Mickey D’s sẽ tặng một mã code để tải sách điện tử thiếu nhi miễn phí.
Nhà cung cấp e-book không phải là Nook hay Kindle mà là Kobo có trụ sở chính tại Toronto. Hãy tưởng tượng 15 triệu bữa ăn Happy Meal được bán ra trong thời gian khuyến mãi, giới tiếp thị của McDonald rõ ràng đang thống lĩnh sân chơi mới tại nước Anh và có thể sẽ là phần còn lại của thế giới.
Trong giai đoạn hiện tại khi các cửa hàng sách truyền thống đang phải đóng cửa bớt, thì với số lượng chi nhánh khổng lồ trên toàn thế giới, chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh này rõ ràng đang muốn đóng vai trò một nhà phân phối tiềm năng cho những sản phẩm không hề nằm trong kế hoạch kinh doanh của mình.
Tương tự, hãy nghĩ đến Starbucks. Họ bắt đầu kinh doanh âm nhạc vào 2004, hơn 30 năm sau khi cửa hàng cà phê đầu tiên có mặt ở thành phố Seattle, tây bắc Hoa Kỳ.
Ngày nay, số lượng bản nhạc mở trong các cửa hàng Starbucks để người nghe trên khắp thế giới lắng nghe và mua đã trở thành một phần không thể thiếu của công ty này. Không lấy làm ngạc nhiên khi chuỗi cà phê lớn nhất thế giới đã trở thành nhà bán lẻ độc quyền của rất nhiều CD mới từ các ca sĩ tên tuổi trên toàn cầu.
- Xem thêm: Tiếp thị theo kiểu “chảnh”
Tiếp đến, hãy cùng xem nhà bán lẻ Sears với hơn 2.400 cửa hàng trên toàn thế giới sẽ trở nên ra sao nếu được sử dụng vào một chiến lược mới?
Theo bài viết từ Robin Lewis đăng bởi Forbes, những địa điểm ấy sẽ vô cùng lý tưởng nếu Amazon có ý định thu mua và sử dụng làm các trung tâm phân phối hàng bán của mình. Sự kiện ấy đồng thời cũng sẽ là câu trả lời của Bezos, CEO Amazon, về chiến lược bán hàng đa kênh trực tuyến và trực tiếp.
Khi đó, thế giới bán lẻ toàn cầu sẽ quan sát một cuộc chiến mới thú vị giữa Amazon và Wal-Mart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới hiện nay. Vậy điều bạn cần làm hiện nay là hãy định nghĩa bản thân theo khả năng hơn là theo sản phẩm.
Có lẽ nếu các chuyên viên tiếp thị tại Starbucks chỉ bắt mình tập trung vào mỗi việc bán cà phê, thì chẳng bao giờ họ nghĩ rằng sẽ bước chân vào lĩnh vực âm nhạc.
Tương tự, nếu Apple tự thuyết phục rằng họ chỉ nên dừng chân ở lĩnh vực máy tính thì sẽ chẳng có iTunes ra đời. Và Amazon sẽ chẳng tiến xa hơn vị trí bán sách trực tuyến.
Theo Wall StreetJournal, Amazon hiện đang thử nghiệm vận chuyển hàng hóa từ điểm phân phối đến người tiêu dùng bằng chính nguồn lực của mình. Nói cách khác, giới tiếp thị của Amazon đang nỗ lực cạnh tranh cùng UPS và FedEx trên lĩnh vực chuyển phát nhanh.
Trong tất cả những ví dụ kể trên, các doanh nghiệp đều nhìn xa và rộng hơn khả năng của bản thân. Họ không bao giờ tự hạn chế năng lực bằng việc cứng nhắc tuân thủ theo định nghĩa về loại hình kinh doanh ban đầu theo đuổi. Họ không hề mắc phải sai lầm mà ngành đường sắt thế giới đã vướng phải như trong bài viết nổi tiếng năm 1960 của Theodore Levitt đăng trên Harvard Business Review.
Ngành đường sắt không hề kết thúc việc tăng trưởng bởi vì nhu cầu hành khách và vận chuyển hàng hóa giảm. Trên thực tế, các nhu cầu ấy đều đang tăng.
Ngành đường sắt đang gặp phải các vấn đề ngày nay không phải vì nhu cầu ấy đã được đáp ứng đầy đủ bởi các phương tiện khác (bao gồm xe hơi, xe tải, máy bay hay thậm chí điện thoại), mà bởi vì nó không được đáp ứng bởi chính ngành đường sắt.
Họ để các đối thủ lấy đi khách hàng bởi vì họ cho rằng mình đang đứng trong ngành kinh doanh đường sắt hơn là trong ngành kinh doanh vận tải giao thông. Do định nghĩa bản thân không chính xác, họ đã vô tình đặt mục tiêu là sản phẩm hơn là khách hàng.
Do đó, các nhà tiếp thị khi hoạch định kế hoạch phát triển cho doanh nghiệp cần nhìn xa hơn những sản phẩm đang nắm trên tay, những sản phẩm bày bán trên kệ, mà là khả năng đi đến những giải pháp cho khách hàng trong hiện tại, trong tương lai 5-10 năm, thậm chí là 20-50 năm.