Môi trường bên ngoài gia đình luôn đầy rẫy những hiểm nguy, đe dọa đối với trẻ. Để hình thành kỹ năng tự vệ, cha mẹ nên dạy trẻ cách phân biệt để tránh đẩy trẻ vào các hoàn cảnh nguy hiểm. Điều này là vô cùng quan trọng và cần thiết, giúp trẻ tránh khỏi kẻ xấu, các tai nạn và tìm thấy sự trợ giúp khi cần đến.
Hầu hết trẻ cho rằng từ “có” mang nghĩ tích cực trong khi từ “không” mang nghĩa tiêu cực nên ngại ngùng khi phải từ chối lời đề nghị của người khác dù bản thân không thích. Vì vậy, hãy dạy trẻ hiểu rằng sự khác biệt trong quan điểm, sở thích là một phần trong mối quan hệ của con người. Nếu quan điểm khác với mọi người xung quanh, trẻ có thể từ chối để bảo vệ mình.
Trẻ có thể không tự biết những lúc nào phải từ chối, do vậy cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu và giúp trẻ định nghĩa về những việc có thể và không thể. Từng bước, thông qua các tình huống khác nhau, trẻ sẽ dần dần học được cách nhận biết tình huống nào nên nhận lời tình huống nào nên từ chối. Có một nguyên tắc trẻ cần nắm được, chính là “khi người lớn gặp khó khăn, thì người ta sẽ chọn một người lớn khác để nhờ giúp đỡ chứ không phải một đứa trẻ”. Vậy nên nếu đột nhiên có một người lớn khả nghi muốn nhờ trẻ giúp đỡ, thì cần dạy trẻ hãy tránh xa và chủ động báo với những người xung quanh để được bảo vệ. Giống như biểu hiện của người khả nghi. Các bậc cha mẹ nên chỉ bảo trẻ cách để từ chối giúp đỡ nếu như địa điểm nhờ giúp vắng vẻ, chỉ có mình trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ hãy đặt tình huống cho trẻ để trẻ có thể tránh được những rắc rối không đáng có. Chẳng hạn như từ chối món quà quá đắt tiền hoặc không phù hợp với trẻ, lời đề nghị không phù hợp với truyền thống, những nguyên tắc trong gia đình mà bạn thường dạy chúng, một món quà hay lời đề nghị từ người lạ, chúng không rõ nguồn gốc, người gửi: có thể nguy hiểm cho chúng nếu không có người lớn kiểm tra, và khi chúng chưa được cha mẹ cho phép. Nhiều trường hợp trẻ bị bắt cóc khi chấp nhận lời mời rủ của người lạ quá dễ dàng và không kiểm chứng. Trẻ con nhiều khi rất dễ bị “dụ” bởi những món quà quá hấp dẫn, nên vấn đề quan trọng là dạy trẻ không được thay đổi chính kiến khi bị người đối diện năn nỉ. Với những tình huống cha mẹ không đi cùng, hãy cảnh báo con về những nguy hiểm có thể xảy ra khi chấp nhận yêu cầu của người lạ mà không được sự đồng ý của cha mẹ.
Một kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em khác mà cha mẹ không nên bỏ qua đó là dạy cho trẻ cách nhận biết những hành vi xâm hại tình dục, đồng thời biết cách ứng phó trong những tình huống bất lợi. Cha mẹ nên trò chuyện và dạy trẻ cách xử lý như tuyệt đối không đồng ý ngồi cùng kẻ xấu để xem phim hay hình ảnh đồi trụy, dạy trẻ về ranh giới tiếp xúc cá nhân, không cho người xấu chạm vào vùng kín của mình, kể với cha mẹ về những sự việc mà mình phải trải qua… Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà trẻ sẽ phải đối mặt với những tình huống khác nhau, điều quan trọng nhất là cha mẹ nên cùng trẻ đóng vai và thực hành về những tình huống có thể xảy ra. Hãy bắt đầu bằng cách hỏi xem trẻ sẽ làm gì nếu bị yêu cầu làm một việc mà chúng không thích. Điều này sẽ giúp trẻ tiếp thu nhanh và ghi nhớ rất lâu.
Một khi con trẻ đã học được kỹ năng từ chối, sẽ cư xử khéo léo hơn và biết cách bảo vệ mình trong những trường hợp không có cha mẹ bên cạnh. Từ chối là bài học quan trọng mà các cặp cha mẹ không nên coi thường. Giáo dục nhân cách và đạo đức cho trẻ thông qua việc dạy trẻ cách từ chối sẽ giúp trẻ tự tin hơn, biết từ chối những yêu cầu của người lạ – một yếu tố đảm bảo sự an toàn cho trẻ khi không có cha mẹ hay người lớn đi kèm.