Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard phát hiện ra rằng những người sử dụng nước súc miệng hai lần một ngày dễ phát triển bệnh đái tháo đường hoặc tăng đường huyết nguy hiểm hơn khoảng 55% trong vòng ba năm.
Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy những cách làm có vẻ tích cực lại có thể có những hậu quả tiêu cực bất ngờ. Các nghiên cứu trước đây chỉ xoay quanh vấn đề vệ sinh răng miệng kém có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe trong cơ thể.
Kaumudi Joshipura, giảng viên dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard cho biết: “Hầu hết các thành phần kháng khuẩn trong nước súc miệng đều không có chọn lọc. Nói cách khác, chúng không nhằm vào những vi khuẩn cụ thể trong miệng, mà hoạt động trên một phạm vi rộng”.
Trong thời gian diễn ra nghiên cứu có khoảng 17% số người sử dụng nước súc miệng phát triển bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, tăng đến 20% đối với những người sử dụng nước súc miệng mỗi ngày một lần, và 30% đối với những người sử dụng hai lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối.
GS Joshipura cũng cho biết các vi khuẩn hữu ích trong miệng có thể bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường và béo phì, bao gồm các vi khuẩn giúp cơ thể tạo ra Oxit nitric, điều chỉnh mức insulin. Oxit nitric cũng rất quan trọng để điều hòa sự trao đổi chất, cân bằng năng lượng và kiểm soát lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu khác được công bố hồi đầu năm nay trên tạp chí Journal of Periodontal Research cho thấy một số vi khuẩn miệng có vẻ như bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường và béo phì.
Hiện nay, nhiều loại nước súc miệng chứa những dung dịch diệt khuẩn mạnh bao gồm chlorhexidine, triclosan, cetylpyridinium chlorid, cồn, tinh dầu, fluorid và peroxid. Chính vì thế, việc sử dụng nước súc miệng cũng có thể có tác động bất lợi đối với việc kiểm soát bệnh tiểu đường và các biến chứng có thể xảy ra, vì một số biến chứng này có chung cơ chế qua trung gian NO với huyết áp và bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nitric Oxide.