Bạn đã bắt đầu quá trình tìm hiểu du học chưa? Hãy xem khảo sát của Hotcourses Việt Nam về những “hành vi phổ biến” của số đông học sinh – sinh viên (HSSV) Việt Nam, từ khi bắt đầu quá trình tìm kiếm thông tin du học cho tới lúc quyết định du học tại một trường cụ thể.
Tìm kiếm khóa học là bước đầu tiên
Nếu như đa số các sinh viên quốc tế bắt đầu tìm kiếm cơ hội du học bằng việc tìm khóa học (56,1%) thì đa số HSSV Việt Nam tìm kiếm theo trường học (38%). Và 92,7% trong số HSSV được hỏi đã có khái niệm rõ ràng về việc sẽ du học ở nước nào, có tới 81,7% trong số này biết mình “thích” học ở một thành phố cụ thể. Như vậy là nhận thức về “ước mơ” du học của HSSV Việt Nam khá rõ ràng chứ không hề mơ hồ như nhiều người nghĩ.
Thông tin du học bằng tiếng Việt là rất quan trọng
Một điều đáng mừng là có tới 33% HSSV tự tin tìm hiểu thông tin du học bằng tiếng Anh, nhưng cũng có tới 39% HSSV thừa nhận việc tìm hiểu du học bằng tiếng Việt là rất quan trọng. Đã có khá nhiều trường đại học trên thế giới nhận biết được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc tiếp cận với sinh viên quốc tế nên đã cung cấp thông tin về trường và khóa học bằng tiếng địa phương ngay trên website hoặc thông qua các cuốn cẩm nang du học, như Cẩm nang du học của Đại học Wollongong hay Cẩm nang du học của Đại học Nghệ thuật London.
Video là nội dung thông tin được yêu thích nhất
Có tới 92% số HSSV nhận định rằng nhận xét, đánh giá của du học sinh là rất hữu ích và 86% muốn xem các tư liệu dạng video được thực hiện bởi các du học sinh Việt và bằng tiếng Việt về trường đại học họ đang tìm hiểu.
Không có gì khó hiểu khi 89% HSSV muốn tìm hiểu về trường qua các video vì “tai nghe không bằng mắt thấy”, nhưng nội dung gì thu hút HSSV Việt hơn cả? Có 44,2% HSSV muốn xem phim tư liệu về một ngày du học điển hình của du học sinh; 28,1% muốn xem các cuộc phỏng vấn với cựu du học sinh về trải nghiệm du học của họ tại trường và 27,7% muốn xem hình ảnh về cơ sở vật chất của nhà trường như khu học xá, nhà ở, lớp học, thư viện, khu vui chơi, sinh hoạt chung… Và khi được hỏi về “Một cơ sở vật chất duy nhất mà bạn có cơ hội tìm hiểu” thì tới 71,8% trả lời là cơ sở vật chất học tập, 18,8% quan tâm tới cơ sở vật chất về nhà ở và 9,4% tò mò về các khu vui chơi giải trí. Có thể thấy kết quả khảo sát phản ánh rất rõ tinh thần học tập là “tiên quyết” của đa số các HSSV Việt.
Du học tại một nước thứ ba: tại sao không?
Du học tại một nước thứ ba, ví dụ như du học tại Malaysia lấy bằng Anh quốc đang ngày càng trở nên phổ biến và là lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế trong khu vực. Tại Việt Nam, 57% HSSV sẵn sàng cân nhắc lựa chọn du học này nhưng cũng có tới 35% khẳng định sẽ không theo học hình thức này. Rất thú vị là trong số những người nói “Không” được hỏi nếu được giảm học phí tại các nước thứ ba, liệu họ có cân nhắc lại thì tới 58,5% vẫn rất kiên quyết nói không và 18% còn suy nghĩ và cân nhắc các yếu tố khác nữa.
Nếu như các sinh viên quốc tế nói chung cho rằng các chương trình học tại các nước thứ ba có chất lượng tương đương (32,4%) và thậm chí tốt hơn (24,3%) thì có tới 58,5% HSSV Việt cho rằng chất lượng là kém hơn.
Quyết định du học: một phần là của cha mẹ
Mặc dù các bậc phụ huynh có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định du học của HSSV Việt, ví dụ như lựa chọn địa điểm du học (63%), nhưng chỉ có 17% phụ huynh là có khả năng đọc hiểu, giao tiếp bằng tiếng Anh.
Du học trực tuyến/từ xa: không phải là lựa chọn của HSSV Việt
Học từ xa tại Việt Nam không còn là hình thức giáo dục xa lạ tại nhiều trường đại học hiện nay, nhưng du học từ xa có lẽ vẫn là một hình thức khá mới mẻ. Có 57,1% số người được hỏi không chấp nhận hình thức du học này và 56% cho rằng chất lượng của một tấm bằng từ xa không thể so sánh được với các tấm bằng chính quy.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều HSSV tìm hiểu thông tin du học trực tuyến bao gồm cả tìm khóa học (85%), học bổng (66%) và thậm chí đăng ký khóa học online (47%).
[note color=”#afaeab”]25 lỗi phổ biến nhất mà học sinh hay mắc phải khi chọn trường đại học
- 1. Chỉ hướng tới một trường đại học duy nhất.
- 2. Chỉ nhắm tới những trường đại học mà bạn thân của bạn đang định nộp hồ sơ.
- 3. Chọn một trường đại học dựa trên chất lượng của các đội thể thao trong trường.
- 4. Dựa vào xếp hạng trên các báo, tạp chí.
- 5. Chọn trường đại học mà bạn trai/bạn gái của bạn sẽ học.
- 6. Chọn một trường chỉ bởi vì đó là nơi mà bố mẹ bạn muốn bạn vào.
- 7. Nộp hồ sơ vào những trường mà bạn không thực sự thích mà chỉ bởi vì bạn nghĩ rằng điều đó sẽ làm cho bố mẹ bạn thấy tự hào hoặc gây ấn tượng với bạn bè của bạn.
- 8. Chọn trường có những hoạt động tiệc tùng hay nhất.
- 9. Chọn trường mà không điều tra xem xét an ninh khu vực đó.
- 10. Chỉ ngắm vào những trường trong phạm vi 50 dặm từ nơi bạn sống.
- 11. Quá nhút nhát để có bất kỳ thắc mắc nào.
- 12. Không xem xét trình độ của bạn như thế nào và bạn muốn gì từ trường đại học.
- 13. Xem xét chi phí học để rồi quyết định nộp hồ sơ.
- 14. Không đến quan sát trường hoặc một kiểu trường tương tự trước khi nộp hồ sơ.
- 15. Nghĩ rằng tất cả các trường đại học đều như nhau.
- 16. Chỉ xem xét những trường mà bố mẹ hướng tới.
- 17. Chỉ chọn một trường bất kỳ nào đó thay vì có định hướng cụ thể cho tương lai.
- 18. Chọn một trường theo tiêu chí liệu sinh viên trường đó có cuốn hút không.
- 19. Tin rằng một trường mà càng khó vào thì chất lượng càng tốt.
- 20. Chỉ nộp hồ sơ vào những trường đại học danh tiếng.
- 21. Dựa vào ý kiến cá nhân của người khác.
- 22. Dựa vào quảng cáo của trường.
- 23. Đánh giá nhầm khả năng của bạn để được nhận vào một trường đặc thù.
- 24. Lờ đi những nguồn tài liệu có ích mà bạn đang sẵn có.
- 25. Không điều tra kỹ càng các trường mà bạn chọn lựa.
Theo Newstar
[/note]M.L