Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á có trồng nhiều sầu riêng(*), trong đó có Việt Nam, nó được tôn vinh như “vua của các loại trái cây”. Bang Penang của Malaysia là một điểm đến được ưa thích của những du khách mê sầu riêng. Cứ vào tháng Sáu, tháng Bảy hằng năm, khi các vườn sầu riêng ở Penang tỏa mùi hương đặc trưng của “trái cây vua” thì vùng đất này lại lôi cuốn nườm nượp du khách mà nhiều nhất là người Hoa đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore…. Điều đáng ngạc nhiên khi một cô gái người Mỹ lại làm hướng dẫn viên cho tour du lịch sầu riêng này.
Năm 2009, đôi vợ chồng trẻ người Mỹ Lindsay Gasik và Rob Culclasure đến một cửa hàng thực phẩm châu Á không xa nhà họ ở thành phố Eugene, bang Oregon với mục đích tìm và nếm thử thứ quả có vỏ đầy gai nhọn với chất thịt bên trong mà họ được nghe nói là có mùi rất kinh khủng. Không ngờ Lindsay và Rob lập tức bị cả hương và vị của sầu riêng quyến rũ đến mê mệt. Thế là họ bỏ ra vài năm để đi khắp Đông Nam Á, đến những vùng đất có trồng nhiều sầu riêng và hầu như ngày nào cũng ăn thứ “trái cây vua”. Bây giờ thì đôi bạn trở thành chuyên gia về sầu riêng, thậm chí Lindsay Gasik còn viết cả một cuốn sách dày, có tựa Hướng dẫn du lịch sầu riêng ở Thái Lan (A durian travel guide to Thailand), xuất bản năm 2014. Cô còn là hướng dẫn viên các chuyến du lịch “theo dấu vết của sầu riêng” (on the trail of durian) tại Thái Lan, Malaysia như tour đến Penang.
Những chiếc xe bus chở đầy du khách đến với các trang trại trồng sầu riêng ở Penang – nơi đã bày sẵn bàn trải khăn sạch với nước uống và nước để rửa tay (bởi các múi sầu riêng phải ăn bằng tay mới ngon) giữa khung cảnh thiên nhiên. Khách vừa yên vị thì người tiếp đón – được gọi là durian tukang – có mặt ngay, đáp ứng yêu cầu của khách về tất cả các loại sầu riêng. Các trang trại sầu riêng sành điệu ở Penang luôn sẵn sàng cung cấp sầu riêng hảo hạng cho khách bằng đường hàng không, chẳng khác gì cách các vườn nho ở phương Tây cung cấp cho người tiêu dùng các loại rượu vang ngon nhất.
Trang trại sầu riêng Bao Sheng ở trong số các điểm đến du lịch lâu đời nhất và nổi tiếng nhất ở Penang, nơi luôn thu hút đông đảo du khách nhất là vào cuối tháng Sáu hằng năm, khi đặc sản sầu riêng có tên là Red Prawn (Tôm Đỏ) vào mùa thu hoạch. Gia đình ông Chang đã sở hữu trang trại này đến nay là bốn thế hệ, khi cây sầu riêng được trồng ở đây năm 1959 và sau nửa thế kỷ Bao Sheng đã có được những trái sầu riêng chất lượng tuyệt hảo, không nơi nào sánh bằng như nhận định của Lindsay Gasik. Cách đây bốn năm, khi Lindsay lần đầu tiên đến Bao Sheng trang trại chưa tràn ngập du khách như hiện nay. Thật là lạ lùng khi một cô gái tóc vàng mắt xanh lại phục vụ sầu riêng cho du khách châu Á! Còn với các du khách phương Tây “theo dấu vết của sầu riêng”, cô tập cho họ trải nghiệm các loại sầu riêng khác nhau, ban đầu là loại chỉ có mùi thơm trái cây, sau đó là các loại có mùi tựa như cà phê, sô-cô-la hay rượu vang.
Do sầu riêng có mùi đặc trưng rất mạnh nên nó bị cấm trên các phương tiện vận chuyển công cộng và trong các khách sạn khắp Đông Nam Á, nơi có nhiều tín đồ sầu riêng nhất. Ngay Anthony Bourdain, người đã trải nghiệm hầu như không thiếu món ăn xa lạ nào ở châu Á cũng từng mô tả mùi sầu riêng chẳng khác gì mùi… cống rãnh. Còn trong chương trình truyền hình của Andrew Zimmern, đầu bếp nổi tiếng đồng thời là tác giả sách về ẩm thực người Mỹ cho biết ông từng ăn mọi thứ mà người phương Tây rất sợ như rắn rít nhưng vẫn không kham nổi mùi hương của sầu riêng. Thế nhưng cũng không thiếu những người phương Tây thích, thậm chí mê mệt mùi sầu riêng. Lindsay Gasik đã gặp một người nghiện sầu riêng tới mức không ngày nào trong suốt bảy năm trời ông không ăn thứ trái cây đó. Chính ông ta đã khiến cô và Rob Culclasure tò mò tìm đến một cửa hàng thực phẩm ở Oregon để tìm mua sầu riêng mà cũng chỉ mua được hàng đông lạnh. Để rồi cuộc đời của cô và Rob gắn chặt với nó.
Sau khi đọc, nghiên cứu nhiều tư liệu liên quan đến loài thực vật này, Lindsay và Rob biết được mùa sầu riêng chín không diễn ra cùng thời gian ở các nước Đông Nam Á mà theo chu kỳ của mùa mưa đến với các nước trong vùng. Và như vậy họ có thể ở vào thời điểm sầu riêng chín suốt 365 ngày trong năm, khi đi từ quốc gia này sang quốc gia khác ở Đông Nam Á. Thế là họ tiến hành chuyến đi theo dấu vết sầu riêng và gọi hành trình đó là “Năm Sầu riêng” (Year of the Durian), tựa như năm của một con giáp nào đó theo lịch phương Đông và tạo một blog cho hành trình (www.yearofthedurian.com/). Họ bắt đầu chuyến đi từ Sumatra, nơi người phương Tây đầu tiên viết về sầu riêng vào khoảng năm 1420 sau chuyến đi đến hòn đảo lớn của Indonesia. Từ Sumatra, họ đi xuyên qua Indonesia, tới Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, sau đó đến Malaysia, Singapore rồi Philippines và Sri Lanka để rồi khép lại hành trình trên đảo Borneo của Malaysia.
Ở mỗi vùng đất sầu riêng, càng ăn thứ trái cây này họ càng khám phá sự khác biệt và mùi hương đặc trưng của chúng ở từng vùng. Chẳng hạn, ở Thái Lan thì (múi) sầu riêng có màu từ vàng nhạt đến vàng sậm, có xớ và vị như hạnh nhân sền sệt. Còn ở Philippines, nó có màu trắng và nhão như sữa chua. Ở Penang lại có rất nhiều giống sầu riêng khác nhau, màu của múi sầu riêng có khi đỏ như màu trứng cá hồi và mịn như kem đánh, có khi vàng đậm và sệt như bơ đậu phộng, hoặc trắng nhạt với hương rượu rum thoang thoảng. Trong đêm đầu tiên của hành trình theo dấu sầu riêng, Landsay và Rob tới một sạp bán sầu riêng ở Medan, Sumatra. Ở đó họ được biết thế nào là cách ăn sầu riêng đúng điệu. Đặc biệt, cách chọn quả sầu riêng ngon là cả một nghệ thuật, cần nhiều kinh nghiệm và cần có một khứu giác thật tốt.
Lindsay Gasik cho biết, ngày càng có nhiều người phương Tây đến với trang trại Bao Sheng mỗi năm. Có thể đó ít nhiều là thành quả từ blog “Năm Sầu riêng”, bởi nó thu hút được sự quan tâm của người yêu thích “trái cây vua” khắp thế giới và đã có được trên 1,5 triệu người thường xuyên truy cập.
(*) Theo Viện nghiên cứu về nguồn gen cây trồng quốc tế (International Plant Genetic Resources Institute – IPGRI), quê hương đích thực của sầu riêng là Brunei, Indonesia và Malaysia. Song cũng có tư liệu cho rằng vùng Davao của Philippines mới là quê hương của sầu riêng. Dù không được coi là quê hương của loại trái cây này song Thái Lan là đất nước xuất khẩu sầu riêng nhiều nhất thế giới (năm 1999, Thái Lan xuất khẩu 781.000 tấn/sản lượng 1.400.000 tấn), kế đó là Malaysia và Indonesia.
Chưa có một con số thống kê chính thức nào về trị giá của ngành công nghiệp trồng và mua bán trái sầu riêng dù nhu cầu nội địa và quốc tế loại quả này ngày càng lớn, đặc biệt là tại đất nước Trung Quốc với 1,4 tỉ dân. Trong blog “Year of the Durian”, Lindsay Gasik cho biết loại sầu riêng Ganyao trồng ở tỉnh Nonthaburi của Thái Lan có giá cao nhất: một trái có giá tới 20.000 baht (khoảng 600 USD). Sản lượng sầu riêng Ganyao rất thấp và cũng rất khó để biết được ai là người mua được những trái sầu riêng này, có thể họ là các viên chức cao cấp hay là người rất giàu có, đủ điều kiện và có mối liên hệ mật thiết với người trồng.
- Lưu Hương
Xem thêm: