Khi cho con em mình du học xứ người, các bậc cha mẹ luôn kỳ vọng chúng sẽ được hấp thụ nền giáo dục tiên tiến để có một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng, du học giống như một con dao hai lưỡi, nếu du học sinh không có sự chuẩn bị chu toàn sẽ gặp nhiều rủi ro. Hành trang du học không thể gói gọn trong một vài tháng chuẩn bị, mà phải được hoạch định một cách cụ thể và chi tiết.
Kế hoạch tài chính “dài hơi”
Đã có không ít trường hợp du học sinh phải trở về Việt Nam tiếp tục học chỉ vì gia đình không đủ tiền chu cấp cho các em. Vì vậy, phụ huynh cần phải hết sức cẩn trọng trong việc chuẩn bị về tài chính. Nhiều công ty tư vấn du học tư vấn mức học phí, sinh hoạt phí tại nước ngoài rất thấp để thu hút người học. Tuy nhiên, phụ huynh cần dự trù một khoản tiền tương đương với mức học phí hằng năm cho phần sinh hoạt phí. Chẳng hạn, học phí tại một trường phổ thông công lập ở Anh là khoảng 5.800 bảng Anh/năm thì chi phí sinh hoạt là khoảng 6.000 bảng Anh/năm; học phí tại một trường phổ thông công lập tại Úc khoảng 12.000-15.000 AUD/năm thì mức sinh hoạt phí sẽ là 12.000 AUD/năm.
Du học bậc phổ thông đồng nghĩa với việc phụ huynh phải đầu tư dài hơi cho các em, ngoài 2-3 năm học phổ thông còn phải chuẩn bị tài chính thêm 3-4 năm đại học. Nhiều phụ huynh đã phải buộc lòng cho con dừng việc học tập tại nước ngoài khi công việc kinh doanh không thuận lợi và không đủ sức lo cho con như dự tính ban đầu. Tốt nhất, phụ huynh phải có sẵn một quỹ tiền mặt hoặc tài sản cố định dành riêng cho việc du học, dự trù cả những biến động có thể xảy ra. Đây là một khoản đầu tư không nhỏ để tránh dở dang việc học cho con em mình, bởi vì các em khó lòng chấp nhận việc quay về nước khi chưa đạt được kết quả học tập như đã hoạch định. Không phải du học sinh nào cũng đồng cảm với khó khăn của ba mẹ mình, sẽ có những em oán trách ba mẹ, mặc cảm với người thân và bạn bè…, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc chống đối bằng cách bỏ bê việc học.
Kỹ năng sống tự lập
Ngoài một số ít học sinh du học bằng học bổng thì đa số các em được du học đều xuất thân từ gia đình khá giả tại Việt Nam. Với điều kiện gia đình như thế, các em được cha mẹ, người thân, đặc biệt là người làm chăm lo từng chút một. Các em chỉ học, học và học, sinh hoạt cá nhân của các em đều có người lo sẵn. Nhiều em thậm chí còn không biết nấu mì gói, trứng chiên để phục vụ bữa ăn của mình khi đã ngấy thức ăn của nước ngoài.
Ở Việt Nam, các em được sống trong mối quan hệ “tam đại đồng đường”, cả gia đình ba thế hệ cùng sống chung. Các em quen nhận được sự quan tâm chu đáo của từng thành viên trong gia đình nên khả năng tự lập không có nhiều. Các em gần như hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, người thân. Chính điều này sẽ khiến các em hụt hẫng khi sinh sống tại nước ngoài. Các em có cảm tưởng mình bị bỏ rơi và dễ rơi vào trình trạng trầm cảm hoặc tìm cách khỏa lấp thời gian trống bằng game online…
Đầu tư Anh ngữ + tìm hiểu phương pháp học tập của nước ngoài
Tiếng Anh là phương tiện giao tiếp chính khi học sinh du học. Việc học tiếng Anh không thể chỉ chuẩn bị trong một thời gian ngắn, chưa kể nếu chọn không đúng trung tâm Anh ngữ thì dù đã được học trong khoảng thời gian dài, nhiều em vẫn rơi vào tình trạng văn phạm khá nhưng lại không giao tiếp được vì kỹ năng nghe – nói không được chú trọng hoặc ngược lại.
Bạn Hiếu An – sinh viên Y khoa Trường Đại học Melbourne tại Úc cho biết: “Tôi phải trang bị tiếng Anh thật tốt tại Việt Nam, đó là việc cần ưu tiên hàng đầu. Khi học chương trình phổ thông ở Úc, anh chị chỉ có thể hướng dẫn em mình ở các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa,… chứ tiếng Anh thì phải “tự lực cánh sinh”. Anh chị không thể theo em đến trường, theo em ra chợ… để mà giúp em phiên dịch. Hơn nữa, nếu lạc đường thì em còn có vốn từ để mà hỏi thăm đường về nhà chứ”. Lời nhắc nhở này là một thực tế mà các bậc phụ huynh lưu ý khi có ý định cho con em mình du học. Nền tảng tiếng Anh tốt sẽ giúp các em tự tin khi bước vào lớp học với học sinh và giáo viên người bản xứ, không rụt rè, rúc mình vào vỏ ốc khi vốn ngoại ngữ đủ tự tin để hòa nhập với môi trường mới. Học sinh có thể sang nước ngoài để học nâng cao trình độ tiếng Anh nhằm phục vụ tốt hơn cho việc học chuyên môn nhưng đừng “đẩy” các em ra nước ngoài chỉ với vốn tiếng Anh bập bẹ. Với những em chững chạc và đủ bản lĩnh thì may ra các em sẽ cố học để nâng cao thêm trình độ của mình. Nhưng con số này không nhiều mà đa số các em sẽ trở nên rụt rè, thiếu tự tin vì rào cản ngôn ngữ.
Chương trình học tại Việt Nam nặng tính hàn lâm, tái hiện kiến thức trong khi chương trình học nước ngoài khuyến khích tư duy độc lập, khả năng thực hành. Học sinh có thể tìm hiểu chương trình, phương pháp học của nước ngoài qua những trường quốc tế ở Việt Nam, nơi có môi trường học gần giống với trường nước ngoài.
Đừng xem nhẹ văn hóa và khí hậu
Đầu tư chu đáo về tiền bạc, kiến thức học vấn cho các em, phụ huynh cứ nghĩ chắc chắn là con mình sẽ học thật tốt nơi xứ người. Phụ huynh đâu ngờ rằng chính sự thiếu hiểu biết về văn hóa, lối sống khiến các em bị hụt hẫng về mặt tinh thần.
Ở Việt Nam, mỗi khi ra khỏi nhà các em luôn có tài xế hoặc tự lái xe gắn máy dù đoạn đường cần đi không xa mấy. Nhưng khi sang nước ngoài, các em phải tập làm quen với việc đi bộ (thậm chí là chạy bộ) để đến trạm xe điện, xe lửa. Điều này cũng “làm khó” không ít du học sinh bởi khi còn ở Việt Nam, mỗi sáng các em được người nhà gọi dậy, chỉ phải tranh thủ vệ sinh cá nhân xong là có người đưa đến trường. Hàng quán ở Việt Nam thì ở đâu cũng có nên bữa ăn sáng không phải lo lắng nhiều. Tạt vào đâu đó là có cái bánh bao, ổ bánh mì… và cứ việc ngồi sau yên xe “thủ tiêu” bữa ăn sáng trên đường đến trường. Còn ở nước ngoài, học sinh phải tự sắp xếp thời gian biểu của mình sao cho phải hoàn thành bữa ăn sáng tại nhà và không bị trễ chuyến xe. Ngoài ra, học sinh còn được chủ nhà “trang bị” cho bữa ăn trưa chỉ với hai lát bánh mì sandwich và vài lát bơ, xà lách, may mắn lắm thì được chủ nhà chuẩn bị cho hộp cơm với ít xúc xích chứ tuyệt nhiên không có canh, đồ xào như ở Việt Nam. Hai vợ chồng anh Việt (quận 4, TP. Hồ Chí Minh) đã một phen điêu đứng khi con trai gửi thư về than thở: “Thức ăn ở New Zealand lạ quá, chủ nhà chỉ toàn cho ăn khoai tây nghiền trộn sữa. Lúc mới ăn còn thấy thích nhưng giờ mỗi khi nhìn thấy món ăn này thì chỉ muốn nôn thôi”. Học ở nước ngoài thì chuyện học “thông tầm” từ sáng đến chiều là lẽ đương nhiên. Học sinh Việt Nam phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt của mình để có đủ sức học cả ngày. Các em cần biết được điều này, nếu không sẽ là người gà gật trên lớp vì chưa có sự chuẩn bị về tâm lý và sức khỏe.
Mỗi quốc gia có thời tiết, khí hậu khác nhau, vấn đề tưởng chừng nhỏ này cũng cần tư vấn cho học sinh trước khi lên đường du học. Trong khi ở Việt Nam, thời tiết đang mùa hè oi nóng thì ở Úc mùa đông đang diễn ra. Nếu không được hướng dẫn kỹ, các em sẽ dễ dàng bị “sốc” thời tiết ngay khi bước chân xuống máy bay. Tại Úc, nhiều ngôi nhà được xây dựng gần với công viên rậm rạp cây xanh. Du học sinh cũng cần lưu ý không nên chọn thuê nhà ở những khu vực này nếu như cơ địa bị dị ứng với phấn hoa.
Các trường học ở nước ngoài rất chú trọng hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe cho các em học sinh. Tại Trường Saint George Girl School tại Malaysia, ngoài việc chăm chút đầu tư chương trình học chính khóa, học sinh còn có một thời gian biểu cụ thể để có thể tham gia tại phòng tập thể thao, phòng nhạc cụ, sân bóng rổ, bóng đá,… Các học sinh tại Việt Nam hầu như chỉ chú trọng việc học văn hóa tại trường và “chạy” theo các lớp học thêm, các trung tâm Anh ngữ nên gần như không có thời gian dành cho việc rèn luyện thể chất.
Đi bộ nhiều, di chuyển nhiều,… là đặc thù khi sinh sống tại nước ngoài. Nếu không có sức bền, sức khỏe dẻo dai, các em khó có đủ sức khỏe để học tốt. Tất cả các phòng tập chức năng tại các trường học đều miễn phí nên các em cũng cần phải làm quen với việc tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao. Ngoài lợi ích tạo sức khỏe tốt, việc rèn luyện thể dục thể thao còn giúp cho các em học sinh có một nề nếp sinh hoạt lành mạnh, tránh được việc lạm dụng các phương tiện công nghệ hiện đại. Du học để đạt hiệu quả thật sự đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ nhiều phía. Hành trang du học của các em phải được chuẩn bị toàn diện, từ vật chất đến tinh thần. Phụ huynh và các em nên cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ, chuẩn bị thật chu đáo để tránh rủi ro và để đạt được hiệu quả học tập tốt nhất có thể.
Trần Thị Oanh Thủy
(Saigon International College)