Mỗi năm có một triệu sinh viên du học tại Mỹ
Bộ Quốc phòng Mỹ đầu tuần qua thông báo rằng họ đang “mất dấu” hơn 6.000 sinh viên quốc tế đang du học tại Mỹ theo diện visa F1 và điều này một lần nữa cho thấy lỗ hổng trong hệ thống an ninh Hoa Kỳ từ sau vụ khủng bố 11-9-2001. Theo Peter Edge, giám sát bộ phận vi phạm visa thuộc Cục Chấp hành Nhập cảnh và Hải quan Mỹ (ICE), mối lo ngại lớn nhất của Washington chính là việc những sinh viên ấy có thể làm điều gì đó gây hại đến nước Mỹ, bởi kể từ 11-9-2001 đã có 28 sinh viên quốc tế bị bắt liên quan đến vấn đề khủng bố. Thậm chí, Hani Hanjour, không tặc lái chiếc máy bay tấn công vào Lầu Năm góc hôm 11-9 cũng từng vào Mỹ dưới dạng visa F1 nhưng chưa bao giờ đến lớp và người đàn ông lái xe tải đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 cũng là một sinh viên quốc tế.
Kể từ năm 2012, mỗi năm trung bình có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đến Mỹ theo học và chỉ trong năm 2013 đã có hơn 58.000 sinh viên ở lại Mỹ quá hạn visa, trong số đó có 6.000 sinh viên đang được ICE tìm kiếm dấu vết vì họ cho rằng đó là những cá nhân được xếp vào nhóm rất đáng lưu tâm. Theo ông Edge, ICE đang rất nỗ lực để thắt chặt chương trình cấp visa sinh viên du học, nhưng bất kể những lo ngại của Quốc hội Mỹ, các viên chức thuộc văn phòng nhập cư liên bang vẫn tiếp tục nới lỏng việc phát hành đơn I-20 cho các sinh viên quốc tế dù họ nộp đơn tại những trường thiếu uy tín hay không đi cùng chứng nhận liên bang. Ngày càng có nhiều trường vì lợi ích kinh doanh đang tiến hành “bán visa thu học phí” hơn là nhắm tới mục đích giáo dục, nhưng ICE không thể làm gì để gạt tên các trường ấy ra khỏi danh sách được chính phủ thừa nhận. Trong số những biện pháp trước mắt, ICE đang tiến hành điều tra một số trường đại học trên toàn nước Mỹ về vấn đề giám sát học tập của sinh viên quốc tế cũng như làm việc với các nhân viên hải quan khi cho phép tái nhập cảnh những sinh viên từng bị trường học xếp vào hạng “trốn học”.
Mặt khác, Rachel Banks, Giám đốc Hiệp hội Học giả quốc tế (NAFSA), cho biết dù nhu cầu đảm bảo an ninh đối với vấn đề sinh viên nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ có cao thế nào chăng nữa thì cũng không nên để nó ảnh hưởng xấu đến những sinh viên chân chính muốn tìm kiếm cơ hội học tập tại quốc gia có nền giáo dục số 1 thế giới này. Theo bà Banks, sinh viên nên được xem là tài sản hơn là một hiểm họa.
Lâm Kiên theo ABC