Các thương hiệu xa xỉ có thể đối mặt với một tương lai ảm đạm tại nền kinh tế 1,4 tỉ dân.
Cổ phiếu của các thương hiệu xa xỉ châu Âu đã sụt giảm mạnh sau khi thông tin Apple (AAPL) đã bán được ít iPhone hơn dự kiến trong ba tháng cuối năm 2018 vì sự suy giảm kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc (TQ). Hậu quả là cổ phiếu của LVMH (LVMUY), công ty sở hữu các thương hiệu Fendi và Louis Vuitton, giảm 3%; cổ phiếu Burberry (BURBY) giảm 5,8%; và chủ sở hữu Gucci Kering (PPRUY) giảm 4%; hãng đồng hồ Thụy Sĩ Swatch (SWGNF) giảm 3%.
Các thương hiệu thời trang châu Âu vẫn chưa báo cáo kết quả vào cuối năm nay và các nhà đầu tư lo lắng tình hình sẽ xấu đi cùng với kinh tế đất nước 1,4 tỉ dân này. Một số dấu hiệu đã trở nên rõ ràng hơn. Liên đoàn Công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ cho biết số lượng đồng hồ được bán tại TQ đã giảm trong tháng 11. Viện Kinh tế Thụy Sĩ cũng cho biết các nhà sản xuất đồng hồ nước này đã giảm đáng kể kỳ vọng đối với các đơn đặt hàng trong ba tháng tới.
Flavio Cereda, một nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư Jefferies, cho biết: “Vấn đề không phải là liệu có sự chậm lại về doanh số bán hàng xa xỉ ở TQ hay không mà là mức độ nghiêm trọng của nó”. Nhiều năm qua, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ châu Âu đã phụ thuộc vào thị trường mua sắm bùng nổ tại TQ. Theo báo cáo của Công ty tư vấn Bain và Liên đoàn hàng xa xỉ Ý Altagamma, người mua sắm TQ chiếm 1/3 doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu.
Họ đã chi hơn 7 tỉ USD/năm cho các mặt hàng này, theo dữ liệu của McKinsey. Bain dự đoán người mua sắm Trung Quốc sẽ chiếm một nửa số chi tiêu xa xỉ vào năm 2025. Giáo sư khoa marketing Sun Baohong thuộc Trường Kinh doanh Cheung Kong cho rằng người tiêu dùng trẻ và giàu có của TQ đang có tư duy ngày càng phát triển về hàng hiệu: “Trước đây, hàng hiệu là cách để thể hiện địa vị xã hội. Giờ đây, hàng hiệu là một tuyên ngôn của cá nhân”.
Mức tăng trưởng doanh số thị trường đồ hiệu ở TQ trong năm 2017 cao gấp sáu lần so với năm 2016. Một cuộc khảo sát của Bain với sự tham gia của 1.170 người tiêu dùng TQ cho thấy người đại lục bắt đầu mua đồ hiệu ở độ tuổi trẻ hơn nhiều so với ở các nước phương Tây, và mua thường xuyên hơn. Tuổi trung bình của người mua đồ hiệu tại TQ đại lục là 35 tuổi, trẻ hơn 10 tuổi so với tại các nền kinh tế phát triển.
Bain ước tính rằng trong năm 2018, tính trung bình, mỗi người trẻ từ 20-34 tuổi ở Trung Quốc có tám lần sắm đồ hiệu trong năm 2017, so với năm lần của người tiêu dùng trẻ ở các nước phát triển. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 93% người trẻ Trung Quốc có ý định mua thêm đồ hiệu trong vòng ba năm tới. Vì vậy, McKinsey dự đoán TQ sẽ vượt Hoa Kỳ vào năm 2019 và trở thành thị trường lớn nhất cho ngành thời trang toàn cầu.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp xa xỉ trước đó đã có những biến động lớn tại thị trường TQ. Nhu cầu mua sắm các thương hiệu sang trọng đã sụt giảm trong một cuộc trấn áp tham nhũng của chính phủ vào năm 2012. Và mối lo ngại lớn hơn hiện nay là tăng trưởng kinh tế suy giảm, kéo theo sự suy giảm về sức mua các mặt hàng đắt tiền. Sau nhiều thập niên phát triển nhanh chóng, nền kinh tế TQ đang tăng trưởng chậm lại.
Tăng trưởng năm 2018 có thể sẽ yếu nhất kể từ năm 1990 và năm 2019 có vẻ còn tồi tệ hơn, đặc biệt trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Trước dấu hiệu này, ngày 4-1-2019 Ngân hàng Trung ương TQ thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Biện pháp này cho phép bơm thêm 210 tỉ USD vào các hoạt động kinh tế.
Helen Brand, một nhà phân tích tại UBS cho biết: “Với căng thẳng thương mại TQ – Mỹ đang diễn ra, niềm tin của người tiêu dùng đang giảm mạnh”. Ngân hàng UBS dự đoán chi tiêu xa xỉ của TQ đã tăng khoảng 10% trong nửa cuối năm ngoái nhưng đang chậm lại đáng kể từ mức tăng trưởng 16% được ghi nhận trong nửa đầu năm 2018. Brand nói rằng đồng nhân dân tệ của TQ yếu hơn đang khiến người mua sắm chi tiêu ít hơn ở nước ngoài.
Ngoài ra, có một xu hướng bất lợi mà ngành thời trang toàn cầu đang phải đối mặt. Đó là giới trẻ TQ đang dần từ bỏ các thương hiệu nước ngoài để ủng hộ các nhà sản xuất trong nước. Theo nghiên cứu của Credit Suisse, hơn 90% người dưới 29 tuổi thích đồ gia dụng mang thương hiệu TQ.