Tầng lớp trung lưu chiếm phần lớn trong tổng doanh thu thời trang của thị trường Trung Quốc (TQ) nhưng dường như tình hình đang có chiều hướng đi xuống bởi nhiều nguyên nhân.
Hiển nhiên những cái tên như Louis Vuitton, Chanel hay Dior vẫn thuộc hàng đầu tại thị trường TQ để khẳng định đẳng cấp, hay ít nhất người ta tin là như vậy. Việc một công nhân viên chức mức lương trung bình ước mơ hay tích cóp để sở hữu một món đồ hiệu giá trung bình từ những thương hiệu trên là điều phổ biến. Không chỉ có dân làm công ăn lương mà kể cả những bà nội trợ thành thị, học sinh, sinh viên cũng đặt mục tiêu sở hữu ít nhất một món đồ hàng hiệu châu Âu.
Kelly Chai, một nhân viên văn phòng từng mua những sản phẩm chính hãng của Louis Vuitton, nhưng bây giờ chỉ một chiếc túi Coach vài trăm USD cũng làm cô đắn đo. Với thu nhập chỉ khoảng hơn 2.000 USD cho cả một gia đình ba người thì nhu cầu sắm sửa thời trang không còn được Chai ưu tiên. Điều cô quan tâm lúc này là đủ tiền thuê nhà gần trường tiểu học của con, tiếp đến là chi phí học hành của bé.
Hongkong, thánh địa hàng miễn thuế của dân đến từ đại lục cũng đang đứng ngồi không yên. Cứ mỗi năm, doanh thu từ trang sức, đồng hồ và quà cáp có giá trị giảm khoảng 2,2%.
“Chúng ta có thể thấy sự tự tin trong chỉ số người tiêu dùng TQ đang ngoài tầm kiểu soát. Nếu sự tuột dốc tiếp diễn và có khả năng trầm trọng hơn bởi thương mại quốc tế đang căng thẳng thì hậu quả đáng báo động” – Luca Solca, chuyên viên phân tích thị trường đồ xa xỉ tại Exane BNP Paribas chia sẻ.
Tập đoàn LVMH cho biết tốc độ tăng trưởng ở TQ sụt giảm khoảng 0,4% trong quý III năm nay. Thương hiệu Ermenegildo Zegna cũng cân nhắc giảm số lượng cửa hàng sẽ mở trong năm tới sau tình hình doanh thu không mong muốn trong vài tháng trước.
Khủng hoảng kinh tế và căng thẳng giao thương khiến người TQ mất đi sự tự tin và bắt đầu chi tiêu dè sẻn hơn, nhất là đối với tầng lớp trung lưu. Chứng khoán đang suy yếu cũng dẫn đến thị trường hàng hóa đóng băng. Chưa kể tiền sắm sửa của người dân trong thời gian qua chủ yếu đến từ vay tín dụng thay vì thu nhập thực tế.
Chính phủ TQ đang khuyến khích người dân mua sắm trong nước thay vì mua ở nước ngoài qua nhiều đường, trong đó có mua lại từ kênh thương mại điện tử. Ngoài ra, con đường mua hàng miễn thuế theo đường du lịch và bán lại kiếm lời cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Điều này đồng thời làm ảnh hưởng đến những người chịu chi đích thực.
Mariana Kou, chuyên viên phân tích của nhóm đầu tư CLSA tại Hongkong cho biết, để mang hai chiếc túi hàng hiệu qua cửa hải quan sân bay tại TQ bây giờ khó khăn hơn bao giờ hết. Bong bóng bơm phồng sẽ nổ bất cứ lúc nào. Chi tiêu cho hàng hiệu suy giảm chỉ là một trong những dấu hiệu cho đợt khủng hoảng kinh tế lớn mà khả năng rất cao sẽ diễn ra trong năm tới tại TQ.