Kể từ ngày 12-2-2018, sau khi hai bức tranh chân dung của nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân Michelle Obama được chính thức giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng Tranh chân dung Quốc gia (National Portrait Gallery) ở thủ đô Washington D.C, đã có sự bùng nổ số người đến xem tranh. Riêng chân dung bà Michelle Obama là tranh vẽ một vị đệ nhất phu nhân nước Mỹ được yêu thích nhất từ trước đến nay.
Tạp chí online Hyperallergic ngày 3-4-2018 cho biết hai tranh chân dung nhà Obama đã đạt được số người xem kỷ lục, đến mức những ngày đầu triển lãm hai bức được trưng bày gần nhau nhưng sau đó chân dung bà Michelle đã phải chuyển sang một vị trí khác của bảo tàng để thuận tiện hơn cho người xem, đồng thời bảo tàng phải sắp xếp một chương trình tham quan thích ứng với nhu cầu thưởng ngoạn của đông đảo công chúng.
Xếp hàng dài chờ đến lượt chụp ảnh cùng tranh
Trao đổi với Hyperallergic, Kim Sajet – Giám đốc National Portrait Gallery cho biết bức tranh vẽ bà Michelle Obama, tác phẩm của nữ họa sĩ Amy Sherald hiện là tranh chân dung một đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ được ưa thích nhất. Theo bà Sajet, bức tranh được nhiều người yêu thích bởi: “Sự huyền ảo của vóc dáng Michelle trong tác phẩm: tư thế ngồi như một bức tượng của bà, trang phục thướt tha và ánh mắt nhìn trực diện (vào người xem)”. Điều đó được minh chứng trong bức ảnh chụp cô bé mới lên hai tuổi Parker Curry nhìn chằm chằm bức tranh với vẻ tôn kính, đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội(1). Đứng trước bức chân dung bà Obama, Parker Curry cho biết cô bé tin rằng đó là một “bà hoàng” và mong muốn sẽ trở thành một “bà hoàng” như thế khi lớn lên.
Cũng theo bà Sajet, khách thưởng ngoạn thoải mái đi ngang qua để ngắm nhìn hai bức tranh chân dung, tuy nhiên có một hàng dành cho những ai muốn chụp chung với chân dung bà Michelle Obama và người ta phải chờ có khi hơn một giờ mới đến lượt mình: “Điều đó giống như một kỷ niệm, trong khi xếp hàng họ trò chuyện với nhau và chúng tôi ghi nhận mọi người mới tử tế làm sao, kể cả với những nhân vật nổi tiếng. Stephen Colbert(2) đã đến đây xem tranh, xếp hàng cùng mọi người, chẳng làm phiền ai. Thật là bình đẳng”.
Trong tháng 2-2018, đã có 176.700 lượt khách đến với National Portrait Gallery, nhiều hơn số khách đến bảo tàng vào bất kỳ tháng nào trong ba năm gần đây. Riêng trong ngày 24-3-2018, ngày của cuộc tuần hành March For Our Lives (sự kiện được tổ chức nhằm vận động kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng ở một trường trung học ở Florida khiến 17 người chết – NV), đã có tới 35.968 người đến xem tranh chân dung nhà Obama. Cần nói thêm, trong hai nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Barack Obama liên tục kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thắt chặt kiểm soát súng đạn, đặc biệt sau các vụ xả súng hàng loạt.
Về thành phần khách đến xem tranh, bà Sajet cho biết có nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi, với nhiều gia đình cùng đến bảo tàng. Trò chuyện với họ, đặc biệt là với những người cư trú tại thủ đô nước Mỹ, bà Sajet hỏi vì sao họ không chờ, đi xem sau cho đỡ đông, không phải xếp hàng mất nhiều thời gian; câu trả lời là họ muốn đến đây ngay, muốn được hòa vào đám đông đang phấn chấn.
Trong khi đó, tại cửa hàng lưu niệm của bảo tàng, doanh số những ngày vừa qua đã tăng hơn 200%, và thật khó để giữ những phiên bản tranh chân dung nhà Obama cũng như những gì liên quan đến họ ở trên kệ, trên các quầy bán hàng. “Chuyến hàng đầu tiên được đưa đến đây vào ngày thứ Sáu, đến Chủ nhật đã bán hết sạch”, bà Sajet nói. Bà và đội ngũ nhân viên của bảo tàng đang chờ số lượng khách sẽ rất lớn đến Washington D.C vào dịp lễ hội hoa anh đào trong tháng 4-2018, và chắc chắn National Portrait Gallery sẽ đón đông đảo khách tham quan.
Họa sĩ vẽ tranh
Sinh năm 1977 tại Los Angeles, Kehinde Wiley – họa sĩ vẽ chân dung ông Barack Obama – có cha là người Nigeria, mẹ là người Mỹ gốc Phi. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật San Francisco năm 1999, có bằng thạc sĩ nghệ thuật tại Đại học Yale năm 2001, Wiley hiện sống và sáng tác ở New York.
Họa sĩ được biết đến với tranh chân dung, đặc biệt tranh cực thực vẽ những người Mỹ gốc Phi, như giới thiệu của Bảo tàng Mỹ thuật Columbus (bang Ohio) khi tổ chức triển lãm cá nhân cho Wiley tại đây: “Wiley nhận được sự ngợi ca gần đây nhờ những tranh chân dung có tính chất anh hùng ca của ông, qua đó thể hiện hình ảnh và thân phận của những chàng trai Mỹ gốc Phi trong văn hóa đương đại”. Vào tháng 10-2017, Wiley nhận được đề nghị của National Portrait Gallery vẽ chân dung của nguyên Tổng thống Barack Obama. Trong lễ công bố tác phẩm ngày 12-2-2018, Wiley và nữ họa sĩ Amy Sherald đã cùng ông bà Obama dỡ tấm khăn phủ hai bức tranh.
Amy Sherald sinh năm 1973 tại bang Goergia, thời thơ ấu đã nhận được một giải thưởng thi vẽ tranh chân dung, lớn lên theo học Đại học Clark Atlanta, có bằng cử nhân mỹ thuật năm 1979, sau đó là bằng thạc sĩ tại Đại học Mỹ thuật bang Maryland năm 2004. Amy Sherald nổi tiếng với những tranh chân dung qua đó biểu thị công bằng xã hội cũng như cách họa sĩ chọn đề tài thường là “ngoài lề”, nói cách khác là không theo dòng chảy của lịch sử mỹ thuật. Bảo tàng Quốc gia Hoa Kỳ về Mỹ thuật nữ giới ở Washington D.C nhận định: tác phẩm chân dung của Amy Sherald khảo sát bản sắc cá nhân để đi tìm câu trả lời cho sự kỳ vọng về chính trị, xã hội và văn hóa của nhân vật được vẽ.
Bộ đôi họa sĩ này là những nghệ sĩ tạo hình da màu đầu tiên được National Portrait Gallery đặt hàng vẽ chân dung nguyên thủ quốc gia và đệ nhất phu nhân nước Mỹ.
(1) Bức ảnh chụp bé Parker Curry thu hút sự chú ý của bà Michelle Obama khi được đưa lên mạng; và nguyên đệ nhất phu nhân nước Mỹ đã mời cô bé đến thăm văn phòng của bà rồi cùng múa với bé. Trên tài khoản Tweeter của mình, bà Michelle Obama đã chia sẻ clip ghi lại hình ảnh bà đang múa với cô bé và viết: “Parker, bà thật vui mừng vì có cơ hội gặp cháu hôm nay (và trong tiệc khiêu vũ)! Cháu hãy giữ mãi mơ ước lớn của chính mình… và biết đâu một ngày nào đó bà sẽ tự hào ngắm nhìn một tranh chân dung cháu”.
(2) Stephen Tyrone Colbert là nhà văn, chính trị gia và người dẫn chương trình nổi tiếng, được biết đến với phong cách hài châm biếm, dí dỏm. The Colbert Report – chương trình hài châm biếm về các đề tài chính trị, thời sự ra đời năm 2005, là một trong những xê-ri truyền hình hài châm biếm ăn khách nhất tại Mỹ. Năm 2006, tạp chí Time bầu chọn Stephen Colbert là một trong 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.