Trên hành trình tạo dựng nền tảng cho việc tự chủ tài chính, bên cạnh những thành công, đột phá bất ngờ, sẽ có những vấp váp, bài học xương máu để chúng ta tự soi mình, học hỏi. Dưới đây là hai sai lầm tài chính phổ biến, được các chuyên gia tài chính khuyên chúng ta nên đặc biệt lưu tâm:
Những siêu anh hùng bị căm ghét
Là chuyên gia tài chính, tác giả sách đồng thời là nhà sáng lập website chuyên về tài chính The Simple Dollar, Trent Hamm nhận ra một trong những sai lầm tài chính cá nhân ông thường thấy nhất, chính là khi thu nhập tăng lên chúng ta có xu hướng tự biến mình trở thành siêu anh hùng – những người chủ động chi tiền cho mọi việc.
Cụ thể, khi số tiền trong túi nhiều hơn trước, chúng ta thường muốn trở thành người che chở cho tất cả mọi việc, muốn trở thành người thanh toán cho tất cả các hóa đơn, các bữa tiệc, sản phẩm cần mua sắm trong gia đình, người thân, các nhóm bạn bè… Bởi cảm giác chi tiền lúc này giúp chúng ta cảm thấy thỏa mãn từ bên trong, khi thấy rằng bản thân có giá trị hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý học, đôi khi cách chi tiền như thế không những không làm cho mọi người xung quanh bạn cảm thấy ấn tượng hoặc thích thú, mà còn có thể tạo ra hiệu ứng ngược.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng việc tự giành quyền chi trả mọi thứ cũng giống như việc bạn đưa ra lời khuyên vô tội vạ cho tất cả mọi người, tất cả mọi việc, mà đôi khi việc khuyên như thế sẽ khiến chúng ta trở thành một kẻ “ta đây thích ra vẻ”. Bởi nếu người được khuyên không chủ động xin lời khuyên, nếu bạn nghĩ cho họ lời khuyên là họ phải làm theo lời khuyên đó, và nếu lời khuyên của bạn đi kèm với một câu nhận xét, bình phẩm về nhân phẩm, tính cách của họ, thì lời khuyên của bạn sẽ gây ra sự khó chịu, kìm kẹp, khiến bạn có thể tạo ra một kẻ thù mới cho chính mình.
Do đó, tốt nhất bạn đừng cố trở thành siêu anh hùng bằng cách chi tiền vô tội vạ. Đừng cố giúp đỡ tất cả mọi người khi thấy họ cần giúp đỡ, vì đôi khi họ không cảm thấy tệ như bạn nghĩ. Thay vào đó, hãy sử dụng khoản tiền tăng lên trong thu nhập để tự chăm sóc bản thân, đẩy nhanh kế hoạch tài chính cá nhân của bạn.
Sự hào phóng chỉ nên được sử dụng cho những khoảnh khắc khi ai đó thực sự cần sự giúp đỡ, họ phải mở lời nhờ giúp đỡ trước. Ngoài ra, khi bạn cho họ mượn tiền, không có nghĩa là họ phải làm theo những gì bạn nói, cũng như bạn tuyệt đối không nên bình phẩm nhân cách, danh dự của họ. Nếu làm được những việc này, thì tiền của bạn mới có giá trị, mới là thứ giúp bạn tạo ra một người bạn mới, xây dựng nên những mối quan hệ bền chặt.
Cạnh tranh trong… cách tiêu tiền
Đã bao nhiêu lần bạn chi tiền chỉ bởi tác động của những người xung quanh? Bạn đăng ký tham gia một chuyến du lịch vì người hàng xóm của bạn vừa có một chuyến du lịch đắt tiền ở châu Âu. Bạn mua một chiếc xe mới vì người đồng nghiệp của bạn đã mua một chiếc xe hơi sang trọng, hay bạn trang trí lại toàn bộ ngôi nhà, bỏ hết các vật dụng nội thất cũ, chỉ vì người bạn thân của bạn vừa thay mới toàn bộ nội thất trong nhà anh ta, và chúng khiến tất cả mọi người đều trầm trồ khen ngợi.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc so sánh bản thân với người khác là một hành vi tâm lý bình thường của mỗi con người. Mặt tốt của sự tự so sánh là nó có thể thúc đẩy chúng ta tới với thành công, với mục tiêu. Bởi so sánh giúp tạo ra sự cạnh tranh, khiến chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi “Làm sao tôi có thể làm tốt hơn?”, từ đó thúc đẩy chúng ta làm việc chăm chỉ, đầu tư nhiều hơn và kiên trì hơn để vượt qua những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, cạnh tranh ở một mức độ quá cao, trong tất cả các lĩnh vực, có thể khiến chúng ta bị ám ảnh, dẫn tới việc làm hại chính kế hoạch tài chính của bản thân.
Để hoàn thiện kế hoạch tài chính của mình, chúng ta phải xác định rõ những thứ cần cạnh tranh và những thứ không nên cạnh tranh. Cụ thể, thứ cần cạnh tranh là thu nhập, còn thứ không nên cạnh tranh là chi tiêu.
“Một trong những hình mẫu tôi hay sử dụng để phân tích cho khách hàng về việc nên sử dụng sự so sánh, cạnh tranh đúng cách, đó là Rafael Nadal, tay vợt số một thế giới. Trong quần vợt, anh ta luôn sẵn sàng cạnh tranh với bạn từng điểm số. Dù anh ta bị dẫn điểm trước xa bao nhiêu, tình cảnh trận đấu có bất lợi thế nào, Rafael Nadal vẫn nhất định không để bạn có được một điểm số dễ dàng. Tuy nhiên ngoài thể thao, các vấn đề khác, anh ấy lại khá xuề xòa. Thậm chí phải đến năm 2008, sau khi đã kiếm được hàng triệu USD, anh ta mới mua được chiếc siêu xe đầu tiên hiệu Aston Martin nhờ thắng cược với bố mình” – Lisa Kirchenbauer, chuyên gia tài chính cá nhân, chủ tịch Công ty tài chính Omega Wealth Management, cho biết trên trang Business Insider.