Hội nghị thượng đỉnh cấp chính phủ có tên COP23 vừa diễn ra tại Bonn (Đức) vào trung tuần tháng 11 để thảo luận các vấn đề liên quan đến khí thải carbon và kế hoạch ngưng dần việc sử dụng than đá trong đời sống. Một trong những chuyển biến quan trọng tại hội nghị là sự hình thành hai liên minh mới có chủ trương khác nhau, thậm chí đối nghịch.
Liên minh thứ nhất có tên Global Alliance to Power Past Coal (Liên minh toàn cầu than đá trong quá khứ) tạm ghi là GAPPC, chủ trương loại bỏ dần than đá vào năm 2030. Theo những số liệu mới nhất, khí thải CO2 do con người thải ra sẽ lên đến con số 41 tỉ tấn vào cuối năm 2017, trong đó 37 tỉ tấn CO2 xuất phát từ nhiên liệu hóa thạch, một tỷ lệ cao kỷ lục. Hai nước có tỷ lệ gia tăng cao nhất là Trung Quốc (tăng 3,5%) và Ấn Độ (tăng 2%). Theo bà Catherine McKenna, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, bỏ dần than đá là một tín hiệu tốt cho khí hậu, sức khỏe và cho con cái chúng ta. Than đá có liên quan đến cái chết của hàng triệu người hằng năm do tình trạng ô nhiễm gây ra. Dự kiến liên minh GAPPC sẽ có 50 hội viên vào năm 2018, những nước này không chỉ ngưng sử dụng than đá vào năm 2030, mà cũng sẽ ngưng đầu tư điện năng do than đá tạo ra cả trong và ngoài nước.
Liên minh thứ hai có tên International Solar Alliance (ISA: Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế) lại có chủ trương hoàn toàn khác với GAPPC: không có một cam kết nào về việc ngưng sử dụng năng lượng từ than đá trước năm 2030. Ấn Độ là nước dẫn đầu liên minh – vốn là nước sản xuất than đá hàng đầu trên thế giới, lập luận rằng than đá cần thiết cho việc xóa nghèo, tạo điều kiện cho tầng lớp dân nghèo tiếp cận với điện năng. Nước này dự định sản xuất 1,5 tỉ tấn than đá vào năm 2020, gấp đôi sản lượng hiện tại. Theo ông Anand Kumar, Thư ký Bộ Năng lượng mới và Năng lượng tái sinh Ấn Độ, nước này có kế hoạch sản xuất 175 gigawatt (GW) điện từ nguồn năng lượng tái sinh vào năm 2022, trong đó, 120GW từ năng lượng mặt trời, số còn lại từ sinh khối và những thứ khác. Than đá vẫn được tiếp tục sử dụng, song chính phủ Ấn Độ sẽ không ngừng tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế.
Bên cạnh việc sản xuất, ISA còn nhắm đến việc làm cho năng lượng mặt trời rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn. Các thành viên nổi bật trong liên minh này, ngoài Ấn Độ, có Trung Quốc, Úc và New Zealand, vẫn còn đầu tư nhiều cho than đá, tuy cũng nỗ lực tìm các nguồn năng lượng thay thế. Tại hội nghị COP23, nước chủ nhà Đức lại chẳng tham gia vào liên minh nào, điều này bị các nhóm hoạt động chống sử dụng than đá chỉ trích kịch liệt. Ngày 15-11, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đến hội nghị để gặp gỡ các đại biểu, nhiều người đã giăng biểu ngữ phản đối nước Đức.