Gần đây, người hâm mộ bóng đá nước ta nói chung và giới doanh nhân nói riêng được chứng kiến một câu chuyện khá thú vị, đó là Ryan Giggs – cựu danh thủ của câu lạc bộ số 1 nước Anh là Manchester United, nhận lời trở thành giám đốc bóng đá của Học viện đào tạo bóng đá trẻ PVF (quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam).
Tất nhiên, chưa biết trong tương lai, kết quả sẽ thế nào, khi Ryan Giggs chỉ nhận làm giám đốc bán thời gian (theo Sky Sports) cũng như khả năng quản trị mà cầu thủ này sở hữu vẫn còn là dấu hỏi, nhưng có một thực tế, đó là khi một huyền thoại hay một người có năng lực chuyên môn vượt trội trở thành nhà quản trị, thì doanh nghiệp hay tổ chức sẽ nắm trong tay khá nhiều lợi thế.
Cụ thể, trong một nghiên cứu được phó giáo sư tâm lý học Benjamin Artz (hiện giảng dạy tại University of Wisconsin – Madison) thực hiện, dựa trên việc phỏng vấn ngẫu nhiên 35.000 nhân viên đang làm việc ở Mỹ và Anh, thì yếu tố tác động mạnh nhất đến cảm giác hạnh phúc của nhân sự, chính là năng lực chuyên môn của nhà quản trị.
Khi nhà quản trị là một chuyên gia thực sự trong lĩnh vực kinh doanh của tổ chức, mức độ hạnh phúc của nhân viên sẽ tăng lên gấp 1,12 lần. Và những nhân viên với chỉ số hạnh phúc cao thường sẽ ít bỏ việc, năng suất làm việc tốt hơn, đồng thời thực hiện các chủ trương, chính sách của doanh nghiệp một cách chủ động hơn.
Mấu chốt chính là niềm tin
Trong một nghiên cứu với tên gọi “Expert Knowledge in a Superstar Setting” (tạm dịch: Khám phá những cấu trúc siêu sao), tiến sĩ tâm lý học Amanda H. Goodall và nhóm nghiên cứu của bà đã nhận ra rằng, các đội bóng rổ ở Mỹ thường có kết quả thi đấu tốt hơn khi được dẫn đầu bởi một cựu cầu thủ bóng rổ. Còn trong nghiên cứu với tên gọi “Expert Leaders in a Fast-Moving Environment” (tạm dịch: Các lãnh đạo chuyên nghiệp trong môi trường chuyển đổi nhanh), chuyên gia tâm lý học Ganna Pogrebna nhận ra rằng, các đội đua xe công thức 1 (F1) sẽ có kết quả tốt hơn nếu được dẫn dắt bởi những cựu tay đua thành danh trước đó.
- Xem thêm: Học cách xây dựng niềm tin
Và điểm mấu chốt ở đây, chính là niềm tin của nhân viên vào người điều hành. Bởi có một nhà quản trị có kiến thức chuyên môn tốt, nhân viên sẽ hiểu họ cần làm gì, làm điều đó như thế nào và tin vào kết quả cụ thể việc họ làm có thể mang lại.
Chẳng hạn, khi một cựu cầu thủ trở thành huấn luyện viên hay giám đốc điều hành của một đội bóng, anh ta có thể đưa ra lời khuyên cho một cầu thủ về cách di chuyển, sút bóng, cách ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt, giữ gìn thể lực… thật cụ thể, chi tiết. Điều khác biệt ở đây: người đưa ra những lời khuyên đó đã có được thành tích lẫy lừng trong quá khứ. Trong khi một người chưa từng là cầu thủ bóng đá, hoặc người có kỹ thuật bóng đá không bằng nhân sự của mình, sẽ không có được lợi thế kiểu này.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, khi nhân viên có một nhà quản trị mới và người này có trình độ, kiến thức chuyên môn tốt hơn người cũ, thì sự hài lòng trong công việc của nhân viên sẽ tăng lên rất nhiều.
“Chúng ta đi làm thường vì hai điều, một là tiền, hai là rất nhiều tiền – tức kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng. Và những thứ này sẽ đến rất nhanh nếu chúng ta làm việc với một nhà quản trị thực sự khiến chúng ta ngưỡng mộ về chuyên môn” – Benjamin Artz đúc kết.
Khỏa lấp những kỹ năng chuyên môn
Tuy nhiên, không phải nhà quản trị nào khi mới bắt đầu cũng có được những kỹ năng chuyên môn vượt trội, và không phải ai cũng vì thiếu kỹ năng chuyên môn mà không thể trở thành một nhà quản trị xuất sắc. Điểm mấu chốt, đó là phải biết cách khỏa lấp điểm yếu cho tới khi trau dồi đủ. Và tối đa hóa thông tin, hiểu biết của nhà quản trị về các vấn đề khác chính là một trong những cách khỏa lấp tốt nhất cho điểm yếu này.
Cụ thể, José Mourinho hiện là một trong những huấn luyện viên thành công nhất thế giới, đang dẫn dắt câu lạc bộ Manchester United (nhận mức lương lên tới 15 triệu bảng/năm – theo The Guardian), tuy nhiên ông không phải là một cầu thủ xuất sắc khi còn chơi bóng; thậm chí, vai trò đầu tiên của ông trong sự nghiệp huấn luyện là một phiên dịch viên.
- Xem thêm: Quản trị nhân sự của huyền thoại startup
Bí quyết để José Mourinho có thể quản lý các cầu thủ, chính là khả năng phân tích thông tin và kiến thức bóng đá gần như bất tận của mình. José Mourinho có thể nói thành thạo năm thứ tiếng, thường xuyên liên lạc, nhắn tin với các cầu thủ. Zlatan Ibrahimovic, cầu thủ người Thụy Điển từng miêu tả, José Mourinho biết gần như mọi vấn đề trong và ngoài sân cỏ của các cầu thủ, ông luôn chuẩn bị cho mỗi trận đấu cực kỳ tỉ mỉ, thậm chí ông còn nhớ cả cỡ giày của cầu thủ dự bị hạng ba của đội bó… đối thủ.
Ngoài ra, năm kỹ năng mà Art Markman, tiến sĩ tâm lý học tại University of Texas, khuyên nhà quản trị nên trau dồi thêm nếu còn hạn chế kỹ năng chuyên môn, đó là khả năng động viên bản thân và người khác, khả năng giao tiếp bằng lời nói và chữ viết, khả năng tư duy, phê bình, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm cũng như phân công công việc thật hợp lý.
Giới phân tích – dù vậy – cũng nhấn mạnh rằng, những phương pháp trên thực ra chỉ là giải pháp tình thế. Bởi khi không có kiến thức chuyên môn vững vàng, chúng ta cũng không thể đánh giá được thông tin, hay không thể thuyết phục được người khác một cách toàn diện nhất.
“Nhiều doanh nghiệp thường chọn những nhân sự có kiến thức chuyên môn xuất sắc nhất, đào tạo thêm các kỹ năng quản trị để họ có thể trở thành nhà quản trị trong tương lai. Đây là một cách hay, nhưng tôi thấy nhiều doanh nghiệp từng làm ngược lại, tức chọn những người có kỹ năng quản trị và đào tạo kỹ năng chuyên môn cho họ một cách từ từ. Cách nào thực ra cũng đều có hai mặt, điều quan trọng là bạn phải luôn nhớ, một nhà quản trị nếu không có khả năng chuyên môn vững vàng, thì không thể đưa doanh nghiệp tới đâu cả” – Art Markman kết luận.