Tháng 11 bùng nổ của thị trường chứng khoán sẽ là tiền đề cho một “cái kết đẹp” trong năm 2017, điều mà không ai dám dự báo vào đầu năm. Các mốc chẵn như 910, 920, 930… được VN-Index lướt qua nhanh chóng, khiến người ta phải đề cập những cột mốc có xa hơn, như 950, 1.000 điểm. Thậm chí, đã có người nhắc đến đỉnh cao nhất VN-Index từng đạt được (1.179,32 điểm vào ngày 12-3-2007). Hầu hết các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí và các mã vốn hóa lớn khác đều có mức tăng đáng kể. Tính lan tỏa của thị trường cũng bắt đầu đến với một số cổ phiếu vừa và nhỏ và tạo niềm tin rằng thị trường sẽ tiếp tục tích cực.
Với những ai không tham gia vào thị trường, đứng ngoài nhìn vào sự tăng giảm của các chỉ số, có lẽ đang nhận định rằng đây đúng là giai đoạn hoàng kim của nhà đầu tư. Bởi suy luận đơn giản, VN-Index lên ào ào như thế, thì cứ mua cổ phiếu là sẽ có lời. Bình luận tích cực đến dồn dập. Nào là VN-Index vẫn trong xu thế tăng điểm và sự tăng điểm ấy được luân phiên giữa các nhóm ngành, nhóm cổ phiếu. Rồi các cổ phiếu hàng đầu đang “bùng nổ”, tiến đến các kỷ lục mới về giá (VNM, SAB, CTD, MSN, VIC…). Tiếp, thanh khoản thị trường ở mức rất cao, dòng tiền lớn của các quỹ, nhà đầu tư tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đều tham gia… Đã có những khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng tối đa chu kỳ tăng điểm lớn của thị trường này để đầu tư (và cũng là đầu cơ).
Thế nhưng, nếu là một nhà đầu tư có sẵn tiền mặt và đang quan sát, bạn sẽ lập tức mua các cổ phiếu trụ cột để chờ đợi sóng tăng giá tiếp tục, hay chọn những cổ phiếu tốt nhưng chưa tăng giá để có dư địa tăng giá cao hơn? Nếu (hoàn hảo) đang có một danh mục gồm những cổ phiếu lớn, tăng trưởng nóng, bạn sẽ bán hết chốt lời hay nắm giữ để hướng tới tỷ lệ sinh lời cao hơn? Cuối cùng (xui rủi) đang có danh mục gồm toàn những cổ phiếu “bên lề” (không tham gia vào đợt tăng giá vừa qua), bạn có bán để cắt lỗ và tham gia vào cuộc chơi cổ phiếu lớn? Hoàn toàn không dễ để lựa chọn!
Cần lưu ý rằng sau đợt tăng giá “khó lý giải” này, tính từ đầu tháng 10, VN-Index đã tăng hơn 130 điểm chỉ sau chưa đầy hai tháng (hơn 16%). Mức tăng như vậy có thể nói là thỏi nam châm hút dòng tiền, bởi khó có kênh đầu tư nào đem đến mức sinh lời hấp dẫn hơn. Nhưng cũng vì điều này, chỉ số P/E của một số cổ phiếu vốn hóa lớn (tác động mạnh đến VN-Index) đang ở mức rất cao, từ 20-25 lần, cá biệt lên đến trên 60 lần, đồng thời có tốc độ tăng thị giá vượt xa tốc độ tăng EPS.
Các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn đang dần trở thành cổ phiếu đầu cơ, khi hầu hết nhà đầu tư cá nhân mua chúng để tìm kiếm khoản lợi nhuận ngắn hạn thay vì đầu tư giá trị. Dòng tiền lớn tỏ ra rất hào hứng với các cổ phiếu vốn hóa lớn và gắn với câu chuyện Nhà nước thoái vốn. Tuy nhiên, cũng có nhận định rằng dòng tiền lớn này còn có “nhiệm vụ” kích hoạt thêm dòng tiền tham gia mạnh vào chứng khoán để hỗ trợ việc Nhà nước hoàn tất kế hoạch thoái vốn năm 2017, đồng thời chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Nếu đã gọi là nhiệm vụ, vậy thì khi nhiệm vụ ấy hoàn thành, một giai đoạn điều chỉnh mạnh hoàn toàn có thể xảy ra.
VN-Index đang ở trong giai đoạn khá nhạy cảm. Mọi dự báo chỉ mang tính tham khảo. Nhà đầu tư cần dựa vào kinh nghiệm và tuân thủ chiến lược riêng để có thể đưa ra quyết định phù hợp. Khi việc cổ phiếu tăng giá không đến từ lý do hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thì sẽ không có gì đảm bảo đà tăng ấy còn kéo dài.