Hai thành phố Việt Nam vào trong nhóm có tốc độ phát triển mạnh toàn cầu nhờ vào các chỉ số công nghệ, khởi nghiệp, đầu tư nước ngoài…
TP HCM (xếp thứ hai) và Hà Nội (xếp thứ tám) nằm trong top 10 khu vực bùng nổ nhất hành tinh, theo báo cáo Chỉ số Phát triển Khu vực năm 2017 của tập đoàn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL) công bố tháng 1/2018.
Danh sách này còn có đại diện đến từ Mỹ (thung lũng Silicon, Austin, Boston), Trung Quốc (Thượng Hải), Ấn Độ (Bangalore, Hyderabad), Anh (London) và Kenya (Nairobi).
Kết quả xếp hạng 134 khu vực dựa theo thang điểm chấm 42 yếu tố chia thành ba nhóm. Nhóm kinh tế xã hội xếp đầu tiên chiếm 40% số điểm gồm GDP, dân số, môi trường, số trụ sở chính của các tổ chức, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các yếu tô cơ sở hạ tầng thương mại đứng thứ hai chiếm 30% tổng điểm gồm cấu trúc, giá thuê, đầu tư, tính minh bạch trong lĩnh vực văn phòng, bán lẻ và khách sạn. Hạng mục cuối là công nghệ và cách mạng chiếm 30%. Theo nhóm này, giáo dục ở trường học và chất lượng không khí được ưu tiên chấm điểm. Do đó, khu vực nào không xây dựng được môi trường kinh tế, hệ sinh thái cho các startup và doanh nghiệp phát triển sẽ không có mặt trong danh sách.
Công nghệ là chìa khóa
Theo các chuyên gia, những khu vực đông dân thường có lợi thế về cơ sở hạ tầng, tốc độ phát triển công nghệ và sức sáng tạo. Đây đồng thời là môi trường thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp đặc biệt là startup phát triển.
Các địa điểm có chỉ số bùng nổ cao nhất thế giới hầu hết nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Bangalore – trung tâm công nghệ của Ấn Độ với vị trí đầu bảng. Theo danh sách, Ấn Độ có chỉ số bùng nổ cao hơn Trung Quốc. Trong top 30, Ấn Độ đóng góp sau thành phố trong khi con số này của Trung Quốc là năm.
Thông tin trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 cho thấy, đại diện duy nhất của Kenya trong top 10 – Nairobi đang dần trở thành trung tâm thương mại toàn cầu theo mô hình thành phố hỗn hợp như London (Anh) và Thượng Hải (Trung Quốc). Các thành phố đứng đầu có điểm chung là luôn biết cách đổi mới bằng phương pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, giáo dục và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Môi trường sống được ưu tiên
Môi trường sống quyết định đến sự phát triển bởi đó là yếu tố thu hút nhân sự tài năng. JLL dẫn chứng vì San Francisco (Mỹ) có chi phí sinh hoạt đắt đỏ và không gian sống chật chội nên thành phố này không lọt vào top 20 của bảng xếp hạng. Hong Kong (Trung Quốc) thậm chí còn không vào nổi top 30 vì lí do tương tự.
Ông Jeremy Kelly – Giám đốc nghiên cứu JLL cho biết mục tiêu duy nhất của bảng xếp hạng là đánh giá tiềm năng cạnh tranh của các khu vực trên thế giới. Theo đó khu vực xếp hạng cao có tiềm năng phát triển trong năm tiếp theo cao hơn những khu vực xếp dưới. Công bố lần đầu vào năm 2014, bảng xếp hạng chỉ số bùng nổ JLL liên tục thay đổi thứ tự xếp hạng của các khu vực. Chỉ có ba địa điểm là London, Thượng Hải và thung lũng Silicon chưa năm nào rơi ra khỏi top 10.
Mô hình phát triển
Trong danh sách, các khu vực được chia thành hai gồm nhóm có thay đổi công nghệ và bổ sung doanh nghiệp đa dạng (London, New York, Paris, Los Angeles…), nhóm thứ hai có tiềm năng cao (trong đó có Hà Nội và TP HCM), đây đồng thời là nhóm thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhằm chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống không hiệu quả sang các mô hình có hoạt động, giá trị lớn hơn.
Mặc dù nhiều thành phố châu Á – Thái Bình Dương có các chỉ số cao, châu lục này vẫn đang trải qua giai đoạn phát triển kinh tế ngắn hạn và ở bước đầu tập trung phát triển thị trường bất động sản. Dự đoán trong khoảng 32 năm nữa, với sự đổi mới công nghệ, môi trường, chính trị, dân số, châu Á Thái Bình Dương có thể mang lại cho thế giới thấy những biến đổi toàn diện vả về đời sống và kinh tế.
- Theo Huyền Mỹ / VnExpress