Sinh thời, nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân từng viết: “Từ khi có Bùi Xuân Phái, tôi chưa thấy ai vẽ Hà Nội mà không vướng vào anh”.
Quả là để “thoát” khỏi cái bóng to lớn của phố Phái thì không dễ. Có một họa sĩ đi tìm chân dung Hà Nội của hôm nay và theo một cách hoàn toàn khác.
Nguyễn Thế Sơn đã có nhiều triển lãm về đề tài Hà Nội nhưng anh không vẽ tranh mà chụp ảnh, từ đó thực hiện những tác phẩm “nhiếp ảnh phù điêu” (photo relief). Trong dự án nghệ thuật có tên “Nhà mặt phố”, đối tượng để anh khảo sát và đưa vào tác phẩm là những hình ảnh nhà mặt tiền của phố phường Hà Nội hôm nay, đặc biệt là những tấm pa-nô quảng cáo cỡ lớn che kín gần như toàn bộ mặt tiền các ngôi nhà phố.
Nguyễn Thế Sơn nói về dự án “Nhà mặt phố” như sau: “Từ sau năm 1986 đến nay, đặc biệt là trong một vài năm trở lại đây, sau mốc gia nhập WTO năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến và thay đổi mãnh liệt… Cùng với sự chuyển mình của nền kinh tế là sự xuất hiện của khái niệm “Nhà mặt phố” và sự lên ngôi của nền kinh tế tư nhân khi chính thức được nhà nước công nhận. Giá trị của những ngôi nhà mặt phố tăng lên một cách nhanh chóng, kéo theo một thời kỳ bùng nổ xây dựng bê tông hóa đô thị. Những căn nhà hình ống mặt tiền nhỏ hẹp đua nhau xây dựng cao vút, trở thành một hình ảnh phổ biến, lặp đi lặp lại tràn lan trên tất cả các đô thị lớn. Tiếp theo đó là sự bùng nổ của các công nghệ quảng cáo, kéo theo sự phát triển rầm rộ xu hướng “bịt mặt” các nhà mặt phố bằng những tấm biển quảng cáo cỡ lớn. Người ta bằng mọi cách tận dụng tối đa ưu thế vị trí của nhà mặt phố, biến nó thành những ngọn hải đăng hút ánh mắt của biển người đi đường càng nhiều càng tốt. Dần dần không gian riêng tư của mỗi gia đình biến thành không gian công cộng từ lúc nào không biết… Trong quá trình khảo sát và thực hiện dự án “Nhà mặt phố”, tôi đã cố gắng thử nghiệm một khái niệm mới là “nhiếp ảnh phù điêu” khi sử dụng chính công nghệ làm biển quảng cáo đang thịnh hành và dùng chính những người thợ trong ngành quảng cáo trực tiếp tham gia vào quá trình thi công tạo nên tác phẩm”.
Trong lần triển lãm “Nhà mặt phố” gần đây tại gallery Eight (TP. Hồ Chí Minh), bên cạnh những tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu “Nhà mặt phố” của Nguyễn Thế Sơn mà theo tác giả là “một câu chuyện mở, vừa mang tính thời sự, tính tài liệu vừa là quá trình thực hành dạng nghệ thuật thử nghiệm khi lai tạp, pha trộn các chất liệu, các phương thức tiến hành khác nhau để tạo ra một sản phẩm chứa đựng nhiều ký hiệu biểu trưng cho cuộc sống của con người đương đại vốn đa hướng và khó nắm bắt”, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã trưng bày một số tranh của Bùi Xuân Phái – những khắc họa Hà Nội của một thời quá vãng, khi mà “ba mươi sáu phố phường” còn trong giấc ngủ tĩnh lặng, yên ả chẳng khác gì ở những làng quê cách đó không xa, và cũng chẳng có gì khiến người ta phải hối hả, quay cuồng như trong cơn mê hoặc kim tiền của ngày hôm nay. Xem tranh Phái rồi ngắm tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn, thật khó hình dung những đổi thay ghê gớm, những “biến hình” đã diễn ra ở những mặt phố, những góc phố, những con đường thuở nào bình dị, trầm tư giờ đây nhộn nhạo, lòe loẹt những âm thanh và sắc màu…
Gần đây hơn, phối hợp cùng với nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã tiến hành dự án nghệ thuật mới “Nhà Tây biến hình” (tại không gian nghệ thuật Manzi, Hà Nội). Bằng các mô hình 3D, anh tiếp tục cho người xem thêm một sự “biến hình” của Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại nhưng lần này là cuộc khảo sát những ngôi biệt thự được xây dựng từ thời Pháp và thực trạng ngày hôm nay ở các kiến trúc thuộc địa ấy.
Một lần nữa, Nguyễn Thế Sơn “đã và đang không chỉ là người biên sử cho thời đại của mình” như cách nói của nhà nghiên cứu mỹ thuật Veronika Radulovic mà anh qua tác phẩm của mình đang cho thấy “sự mất mát văn hóa” từ những gì đang diễn ra ở phố phường cũng nhưở các di sản kiến trúc tại Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác ở Việt Nam.
- Như Hoa