Ở Trường Lighthouse Grace trong khu dân nghèo lớn nhất thủ đô Nairobi (Kenya), học sinh mặc đồng phục áo khoác với khẩu hiệu “Kính Chúa là ngoan” đã được dùng máy tính bảng thay cho sách vở.
Trong lớp học sàn xi măng, tường tôn, Blessing gõ lên máy tính bảng, tập đọc. Cô học trò bảy tuổi nhoẻn miệng cười: “Hay quá, bây giờ không phải viết bài nữa rồi, lại được coi video, nghe kể lịch sử…”. Còn Reigner, cũng bảy tuổi, háo hức: “Tài thật, trên máy tính bảng này học sử, trả lời câu hỏi, làm tính đố ngon lành!”.
Cô giáo Josephine Boke, có kinh nghiệm 12 năm dạy học, cho biết: “Học sinh nhanh chóng sử dụng thành thạo, các thao tác thật đơn giản. Nhưng vẫn là bài toán khó vô cùng với đất nước Kenya nghèo nàn. Một bộ Kio Kit với 40 máy tính bảng giá những 5.000 USD”.
Máy tính bảng chỉ là một thành phần trong bộ học cụ công nghệ số hóa Kio Kit xếp gọn trong một chiếc vali có bánh xe để kéo, khỏi phải xách nặng. Bộ học cụ Kio Kit du nhập vào các trường tư thục hoặc trường công lập có tài trợ mới được vài năm nay ở Kenya. Nivi Mukhergee, đại diện chi nhánh BRCK giáo dục, tự hào: “Bộ Kio Kit này do chính người Kenya phát triển cho người Kenya. Nó hoàn toàn thích ứng với môi trường ẩm ướt, bụi bặm địa phương, đảm bảo nối mạng không dây 3G và đảm bảo với thực tế đất nước còn nghèo. Bản thân vali là bộ sạc điện (Kenya hiện đang thiếu điện), là modem (máy tính bảng có bị đánh cắp cũng vô dụng, không thể nối mạng) và là máy chủ Linux tích hợp các nội dung giáo dục và truyền tới các máy tính bảng”.
Ở Nam Phi, các thành phố nổi tiếng nhất như Johannesburg, Pretoria năm nay cũng bắt đầu phân bổ máy tính bảng cho 370 trường trung học phổ thông, trước hết cho các khu dân nghèo.
Lê Lành theo La nouvelle république (DNSGCT)