Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp về quản lý đô thị và kinh doanh bất động sản, nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính mới để hỗ trợ thị trường như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản, hoàn thiện các chính sách thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản và khuyến khích sử dụng tiết kiệm đất.
Nước xa có cứu được lửa gần?
Những giải pháp, kiến nghị của Bộ Xây dựng nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản cùng với nhóm giải pháp căn cơ của Chính phủ có thể giúp thị trường hồi phục trong tương lai không xa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu không có những giải pháp trước mắt thì không biết còn bao nhiêu doanh nghiệp trụ lại được thị trường cho đến khi các giải pháp trên phát huy tác dụng.
Lời kêu gọi phải tiếp tục hạ giá bán căn hộ của Bộ Xây dựng được các doanh nghiệp bất động sản cho là rất khó khả thi, do bên cạnh chi phí xây dựng có thể tính toán được theo đơn giá, còn có nhiều chi phí khác nữa. Ngoài ra, việc giảm giá đồng loạt trong thời điểm hiện nay chưa hẳn đã tốt, bởi tâm lý người mua khi thấy giá giảm sẽ tiếp tục chờ giảm nữa, nên doanh nghiệp chưa chắc đã bán được hàng.
Giá thành sản phẩm căn hộ ngoài thuế đất, tiền chuyển đổi, giá đền bù là các khoản doanh nghiệp đã chi, còn có các bộ phận cấu thành giá khác như giá vật liệu xây dựng và giá nhân công lao động…, bởi vậy việc giảm mạnh giá bán có lẽ chỉ xảy ra với những doanh nghiệp muốn rút khỏi thị trường. Còn để bám trụ mà vẫn bán được sản phẩm, các doanh nghiệp địa ốc đã cắt giảm mọi chi phí có thể. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm giá cũng không thể quá lớn, giảm nữa sẽ lỗ vốn.
Không có gì bất ngờ khi nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đều lâm vào tình trạng thua lỗ, đơn vị lỗ ít chỉ hàng chục triệu đồng, nhiều thì lên đến hàng trăm tỉ đồng. Có những doanh nghiệp đã lỗ 4-5 quý liên tiếp và tình hình được dự báo chưa có gì sáng sủa trong những quý sắp tới. Các doanh nghiệp khác liên quan đến bất động sản như xây dựng, vật liệu xây dựng… cũng từ lỗ tới lỗ.
Doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản còn đáng lo hơn. Một doanh nghiệp thuộc hàng “đại gia” với vốn điều lệ cả ngàn tỉ đồng mà doanh thu chỉ đạt vài chục tỉ đồng từ đầu năm tới nay, theo hướng giảm dần đều. Tài sản của các doanh nghiệp này đều ở dạng “tồn kho”, với hàng ngàn tỉ đồng nằm trong các căn hộ cũng như trong các dự án dang dở. Một khi thanh khoản gần như bằng không như thế, dù các doanh nghiệp có nỗ lực xoay xở, giảm giá cỡ nào thì cũng khó xoay chuyển được tình hình. Trong khi đó, doanh nghiệp nào cũng đang cần tiền cho các dự án đang thực hiện và thanh toán nợ vay đáo hạn. Sự chênh lệch quá lớn giữa nguồn tiền thu về và tiền cần cho hoạt động khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn. Đặc biệt những doanh nghiệp nào sử dụng tỷ lệ đòn bẩy lớn thì bây giờ càng khó khăn gấp bội.
Điều mà nhiều doanh nghiệp bất động sản cần nhất là được khoanh nợ, giãn nợ, được bơm thêm tiền để hoàn thiện dự án và được hỗ trợ giải quyết các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án một cách nhanh chóng, nghĩa là cần được “cấp cứu”. Trong khi chờ những giải pháp căn cơ của Chính phủ phát huy tác dụng thì các doanh nghiệp phải rất nỗ lực xoay xở mới mong vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay.
Phong Vân – Hải An