Chính sách: Giúp gì được không?
Theo Bộ Xây dựng, khi thị trường bất động sản đóng băng thì những ngành liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng phải đối mặt với những khó khăn trong sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm. Không những thế, một lượng vốn rất lớn của xã hội đang bị tồn đọng trong thị trường bất động sản và tình trạng này càng kéo dài chừng nào càng gây lãng phí cho xã hội chừng đó. Vì thế, việc triển khai các biện pháp nhằm cơ cấu lại thị trường bất động sản là rất cần thiết, để thị trường phát triển lành mạnh, trở thành động lực cho nền kinh tế.
Tiến độ xây dựng là điều được người mua căn hộ đặc biệt quan tâm
Ảnh T. Tùng
Trên tinh thần đó, Bộ Xây dựng đề ra nhiệm vụ phải tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách về quản lý đầu tư xây dựng theo hướng tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động đầu tư xây dựng. Song song đó là nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp để đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ, giải quyết nhà ở cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn về chỗ ở, hoàn thành và trình Thủ tướng các đề án liên quan đến phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.
Tất cả những động thái trên thể hiện nỗ lực của những người làm chính sách, với mong muốn vực dậy một thị trường đang chìm sâu trong suy thoái. Tuy nhiên, lâu nay những chính sách đưa ra thường chỉ chạy theo thị trường hoặc mang tính duy ý chí, nên không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhiều người còn cho rằng khi thị trường lên cơn sốt, Bộ Xây dựng đưa ra nhiều biện pháp để “hạ sốt” nhưng không làm được, còn khi thị trường “bất động” thì Bộ này cũng không có cách nào làm cho nó nhúc nhích.