Cách đây một năm, vào ngày 7-12-2017, nghệ thuật bài chòi Trung bộ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bởi vậy, việc giữ gìn loại hình nghệ thuật đã vươn tầm thế giới này trở nên cần thiết, và có thể nói là cấp bách.
Cho em về với một đoàn cho vui…
Vào một dịp tết cách đây vài năm, tôi cùng với bạn bè du xuân với đích đến là cầu ngói Thanh Toàn. Thú thực, là người Huế chính gốc nhưng tôi vẫn chưa biết “mô tê” gì về chiếc cầu nổi tiếng này của Huế. Bởi vậy, tôi nhận lời ngay.
Ai về cầu ngói Thanh Toàn, Cho em về với một đoàn cho vui… Câu ca dao trên mà tôi được nghe từ rất lâu, từ thời còn thơ bé, nhưng quả thực đến giờ tôi vẫn không biết vì sao người làm ra câu ca dao này lại phải “cầu xin” một ai đó, hoặc nhiều ai đó để được “về với” cầu ngói Thanh Toàn.
Và về với “một đoàn cho vui” là về như thế nào, tôi quả thực cũng chẳng hiểu? Vì không hiểu câu ca dao đó “mô tê” như thế nào nên tôi lại càng háo hức được đến chiêm ngưỡng cây cầu này.
Từ nhà tôi về làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế, nơi có cầu ngói Thanh Toàn khoảng 8km.
Quả thật, so với Chùa Cầu ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) mà tôi đã từng được chiêm ngưỡng thì cầu ngói Thanh Toàn cũng đẹp và thanh thoát không kém.
Cầu được xây theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu), gồm bảy gian, mái được lợp bằng ngói lưu ly.
Trên cầu hiện nay có bài thơ: Một nét son để tưởng nhớ bà Trần Thị Đạo, người đã làm ra cây cầu này cho dân làng: Để lại cho đời một nét son/ Cây cầu mái ngói tại Thanh Toàn/ Vui lòng qua lại dân hai phía/ Đẹp dạ đi về khách bốn phương/ Di tích hài hòa cùng cảnh vật/ Danh lam liên kết với làng thôn/ Ngày nay bà đã về tiên cảnh/ Cầu gỗ thương yêu mãi vẫn còn.
- Xem thêm: Người phụ nữ Đức sống với di sản Huế
Anh Nguyễn Văn Đức, một người dân cho tôi biết: “Ngày xưa, nhiều cặp nam nữ thanh niên trong làng cũng nhờ chiếc cầu này làm nơi hò hẹn mà nên vợ nên chồng. Ở đây, họ hát đối đáp với nhau và trao những câu hẹn ước”.
“Ngày thường chiếc cầu ngói này cũng là địa điểm rất hấp dẫn du khách. Họ tìm về nơi đây cũng là muốn khám phá nét chân quê mộc mạc của những làng quê xứ Huế” – anh Đức cho tôi biết thêm.
Quan sát xung quanh, tôi thấy anh Đức nói không sai tí nào. Những đoàn du khách nước ngoài rất thích thú với những chi tiết của chiếc cầu, còn những cặp nam thanh nữ tú thì tình tứ bên nhau khiến tôi dường như đã cảm nhận được một phần ý nghĩa của câu ca dao được nghe từ bé thơ.
Thú vị chợ quê có… bài chòi
Từ cầu ngói Thanh Toàn nhìn sang phía bên kia con hói Thanh Thủy, là một ngôi chợ quê. Đó chính là chợ của làng Thanh Thủy Chánh.
Mồng 2 Tết, tuy còn thưa vắng các gian hàng nhưng vẫn có một vài người bán đồ vặt để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách, chủ yếu là hàng nước và hàng đồ chơi.
Tuy nhiên, trong những ngày tết, ngôi chợ này ngày càng đông vui, nhộn nhịp hơn. Mọi người, bất kể là ai, từ các cụ già, thanh niên, trẻ em trong làng, những làng lân cận và kể cả du khách phương xa đều tập trung bên cạnh những cái chòi tranh nhỏ nhắn. Họ đến đây không phải để mua bán, trao đổi sản vật mà là để chơi bài chòi.
Gọi là bài chòi bởi người chơi ngồi trong các chòi bằng cỏ tranh và tre. Mỗi hội bài chòi gồm có 11 chòi (năm chòi đặt hai bên, một chòi trung tâm ở giữa – ưu tiên dành cho các vị chức sắc địa phương chơi), còn phía trên là bàn điều khiển.
Muốn đánh bài chòi thì người chơi phải báo cho ban tổ chức biết đế sắp xếp, còn người đến xem thì không cần xin phép mà cứ tự tiện đứng xem và cổ vũ. Nhưng người đánh bài chòi có thể rủ bạn bè, người yêu, thân nhân lên ngồi trong chòi của mình.
Nhắc đến bài chòi không thể không nhắc đến người hô thai, hay còn gọi là Ban Hiệu (thường là một nam, một nữ). Bắt đầu cuộc chơi, người hô thai bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát bài.
Mỗi người chơi được phát năm quân bài. Phát bài xong, người hô thai đến trước rạp vái chào ban tổ chức rồi hô lớn: “Phát bài đã đủ cho Hiệu tính tiền”.
Người điều khiển cho cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu. Hiệu cúi đầu: Dạ! Sau đó, vào cuộc chơi, người hô thai xốc ống bài, rút ra một con trong 27 con bài và xướng tên con bài lên.
Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, người hô thai hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Các câu hát thường ca ngợi về quê hương, đất nước, ca ngợi tình phụ tử, tình phu thê…
Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ ba tiếng “cốc, cốc, cốc” để người hô thai mang con bài đến. Nếu là chòi trung tâm trúng thì đánh ba tiếng trống “tum tum tum!”.
Tuy nhiên, điều thú vị là việc suy đoán con bài đúng không phải dễ dàng. Đôi khi người chơi tưởng là đúng nhưng thực tế lại sai vì ngươi hô thai đã thay đổi câu rao một cách linh hoạt. Do đó, người hô thai là cội nguồn của sự hấp dẫn của nghệ thuật bài chòi.
Ban đầu, trong ống có 27 thẻ bài nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ cho đến khi có một chòi nào trúng được ba lần, tức là bài đã tới thì mới chấm dứt ván bài.
Lúc đó, chòi nhỏ nếu thắng sẽ được xổ một hồi mõ dài, còn chòi trung tâm thắng thì báo một hồi trống. Khi đó, người hô thai cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng.
Kết thúc một lượt chơi, ban tổ chức sắp xếp lại các con bài để sử dụng cho lần chơi mới. Cuộc chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi vãn khách.
Ban tổ chức, những người rao, phát bài, thu – chung tiền và cắm cờ phần lớn là những bậc cao niên, trưởng lão của làng.
Một bậc cao niên cho tôi biết: “Hội bài chòi làng Thanh Thủy Chánh đã diễn ra đều đặn từ hàng trăm năm nay, thường là vào 10 ngày Tết Âm lịch.
Mỗi hội bài chòi được chia thành chín cờ, mỗi cờ là một ván, khi kết thúc cờ được cắm cho một chòi thắng trong ván đó.
Nét độc đáo nhất của hội bài chòi chính là những câu rao để đánh đố người chơi về các con bài. Chẳng hạn, “Ra đi mạ có dặn rồi; Khi mô em khóc thì đưa qua bác bôồng (bồng)!” – con Bồng; “Không ăn trầu, cũng chẳng đánh son; Rứa mà cái chi cứ đỏ lói lói…” – con Mỏ…
Như vậy, qua cảm nhận của riêng tôi, điểm thú vị của hội bài chòi chợ quê cạnh cầu ngói Thanh Toàn là người chơi không phải đến để ăn thua vì số tiền cược rất nhỏ. Điều vui thứ nhất là các em nhỏ được biết đến một thú chơi giải trí lành mạnh và thuần Việt.
Điều vui thứ hai là các cụ già, kể cả người chơi lẫn người tổ chức trò chơi được sống lại thời đại mình với những câu rao đậm chất làng quê Việt Nam ngày xưa.
Điều vui thứ ba là các bạn trẻ yêu nhau có thể ngồi chung một chòi để cùng giúp nhau giải mã các câu rao của người hô thai (nghĩa là người rao) khiến tình cảm càng được vun đắp, mặn nồng thêm.
Giữ gìn nghệ thuật
Giữa tháng 11-2018, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành Quyết định số 2706/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế giai đoạn 2019-2023.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi – Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới tại Thừa Thiên – Huế giai đoạn 2019-2023, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, mục tiêu cụ thể, gồm: Nghiên cứu, hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế; ban hành một số cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi, đặc biệt đưa di sản bài chòi vào giới thiệu tại trường học và các hoạt động khác như duy trì hoạt động các Câu lạc bộ bài chòi hiện đang sinh hoạt tại các huyện, thị xã và thành phố Huế; xem xét thành lập mới các Câu lạc bộ bài chòi tại các địa phương nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch trong và ngoài nước, gắn với sinh hoạt của các câu lạc bộ bài chòi với du lịch; tổ chức trình diễn nghệ thuật bài chòi vào các chương trình Festival Huế, Festival làng truyền thống Huế và ngày lễ tết để giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các diễn viên, nghệ nhân về kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi; biên soạn, xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu về di sản nghệ thuật bài chòi.
Và, cũng sẽ xem xét đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân có nhiều thành tích đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi.
Được biết, kinh phí thực hiện đề án khoảng hơn 1,3 tỉ đồng, bằng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa… UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giao Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên – Huế chủ trì, phối hợp với các sở, ban; ngành, đoàn thể và các địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện đề án.
Nếu đề án thành công, tin chắc rằng nghệ thuật bài chòi ở Huế sẽ đóng góp không nhỏ vào sự khẳng định giá trị “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” của nghệ thuật bài chòi Trung bộ của Việt Nam.