Vào lúc 10g51 giờ Hàn Quốc (tức 8g51 giờ Việt Nam) ngày 8-12, tại đảo Jeju, kỳ họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 đã nhất trí đưa di sản “Hát xoan Phú Thọ” ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ năm 2011, hát xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Sau sáu năm thực hiện các cam kết với UNESCO, được sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia UNESCO VN, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO.
UNESCO đã đánh giá cao quá trình bảo tồn, phát huy di sản của tỉnh Phú Thọ và ủng hộ đặc cách để hồ sơ “Hát xoan Phú Thọ” là trường hợp đầu tiên được chuyển từ danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp sang ghi danh tại danh sách di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Hát xoan còn được gọi là khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có ba hình thức hát xoan là hát thờ cúng các vua Hùng và thành hoàng làng, hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và hát lễ hội (hình thức để nam nữ giao duyên). Hằng năm, hát xoan được trình diễn tại Lễ hội đền Hùng từ ngày 5 đến 10-3 Âm lịch. Đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo trong di sản văn hóa phi vật thể của VN. Tính đến nay, VN đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.