Bây giờ gần như ai cũng có tài khoản Facebook. Thậm chí một người có thể lập nhiều tài khoản, với nhiều mục đích. Nick này bán hàng online, nick kia để nói nhảm, nick nọ đọc, theo dõi, bình luận và cãi nhau mà không muốn cho ai biết… Muôn hình vạn trạng trên đó.
Tính chia sẻ tuyệt vời của Facebook khiến mọi người đọc thông tin và biết về nhau. Tuy nhiên, với số lượng kết bạn cho phép tối đa là năm ngàn, việc người chơi không biết nhau là phổ biến. Có người thú nhận không biết người kia là bạn với mình đã mấy năm nay, đến khi thấy trang chủ hiện lên người nhà báo tin người ấy mất mới biết là bạn!
Có câu hỏi: Khi có một người bạn trên Facebook chẳng may mất đi, bạn có xóa nick họ không? Thật ngạc nhiên là đa phần người chơi Facebook trả lời rằng họ không xóa. Có nhiều lý do, có thể là họ đọc xong rồi vì nhiều bạn quá, quên ngay người đã khuất, có thể họ muốn thỉnh thoảng có ai đánh dấu người ấy để biết thêm tin tức, chẳng hạn.
Một người kể chuyện, một hôm muốn rà soát bạn bè trên Facebook, xóa bớt những nick ảo. Để làm việc này khá mất thời gian vì phải biết ai thường tương tác với mình để tránh xóa nhầm, mất lòng, có nick chẳng bao giờ tương tác dù đã kết bạn với nhau nhiều năm.
Khi anh này định hủy kết bạn với một cô gái khá xinh vì chưa bao giờ tương tác với nhau, chần chừ một lúc anh nhắn tin cho phía bên kia rằng cho dù cô xinh đẹp nhưng anh rất tiếc phải hủy kết bạn vì chưa trò chuyện, “like” hay bình luận. Liền tức thì có dòng tin nhắn hồi đáp: “Xin cậu đừng hủy kết bạn. Tôi là mẹ của cô ấy. Con gái tôi mất đã hai năm nay rồi. Con tôi khi mất có để lại password nên hằng ngày tôi vẫn vào trang của cháu, nhìn bạn bè cháu. Vui vì bạn bè con vẫn nhớ đến và mỗi khi thấy tôi online các bạn ấy hay vào thăm hỏi. Cũng ấm lòng cậu à!”.
Anh này đọc dòng nhắn tin vậy, lật đật xin lỗi vì không biết chuyện, dù là bạn bè lâu nay. Từ đó anh quan tâm đến bạn bè trên thế giới ảo này hơn và không làm công việc “rà soát” nữa, chỉ hủy kết bạn những ai bất đồng quan điểm mà thôi!
Nhiều người cho rằng, không cần phải xóa nick người đã khuất vì người ấy vẫn hiện diện trên thế gian bằng những dòng trạng thái tuy đã cũ nhưng cũng là cách gợi nhớ đã có một thời họ là bạn bè của nhau và hiện tại vẫn thế!
Tuy nhiên, có nhiều người đã gặp những tình huống không tế nhị từ những chủ nhân cũ khi người nhà của họ hiện diện trên ấy bằng cách đi like, comment khắp nơi, kể cả chia buồn… Gây ra sự khó chịu.
Lại có câu chuyện một người mẹ mấy năm ròng đóng vai đứa con gái đã khuất của mình trò chuyện hằng đêm với những người không quen biết. Câu chuyện nhuốm màu “liêu trai chí dị” này cũng khiến nhiều anh chàng khi biết được sự thật bị hụt hẫng và cả tức giận. Cảm giác bị dối gạt là có thật!
Thật ra, khi tham gia vào trò chơi ảo, con người phải luôn tỉnh táo để hiểu nó là ảo, bao nhiêu phần trăm sự thật và có khi không chút sự thật nào. Có những người tham gia vào thế giới ảo như một trò đùa vui, ở đó họ đóng nhiều vai, nhiều cảnh đời và họ thích thú điều đó vì gạt được nhiều người. Họ coi đó là điều bình thường của cách xử sự trên thế giới ảo.
Chỉ những dòng chữ và những tấm hình, làm sao biết được bao nhiêu phần trăm sự thật? Sống với nhau cả đời đôi khi còn chưa hiểu nhau nữa là! Và, chắc chắn không ai có thể đoán biết được trong tương lai con người sẽ tạo ra cho thế giới thật những trò chơi ảo gì nữa. Thế giới thật lúc đó sẽ như thế nào? Thế giới ảo sẽ ảo hơn gấp nhiều lần chăng?
Thôi thì, hãy tận hưởng những gì mà tiện ích của công nghệ mang lại cho con người ở thời điểm hiện tại. Đừng băn khoăn, lo lắng hay tưởng tượng thái quá về những cuộc chơi mà không ai biết có gì nữa hay không?
Chính khi thật vui vẻ, tận hưởng và chia sẻ với nhau hay việc không cần thiết phải hủy kết bạn với người đã khuất nói lên được nhiều điều, đó là ý nghĩa thật của sự chia sẻ mà chỉ có thế giới ảo mới làm được. Quan trọng nhất là đối xử với nhau bằng sự thật, niềm tin!