Các nhà khoa học tính rằng ở phương Tây, trung bình mỗi người cho ra từ 135 đến 180 lít nước thải, từ việc tắm rửa, rửa chén bát, giặt giũ và phóng uế. Giải quyết gọn những chất thải này là một bài toán tốn kém và mất thì giờ. Ở Anh, Công ty Northumbrian Water có tham vọng giải quyết bài toán khó này. Họ là công ty đầu tiên tại Anh sử dụng chất thải sau khi xử lý nước cống rãnh để tạo ra năng lượng tái sinh.
Năm 1996, các viên chức ở Northumbrian Water tình cờ gặp một công ty Na Uy chuyên biến đổi nước thải thành năng lượng và cuộc gặp đã làm thay đổi các hoạt động của họ. Được sự khích lệ của chính phủ Anh, trước tiên họ chi 70 triệu bảng xây dựng hai nhà máy xử lý các chất kỵ khí. Họ dùng quá trình phân hủy kỵ khí để thu lấy khí methane và carbon dioxide do vi khuẩn thải ra, phân hủy bùn thải và sử dụng chất phân hủy để chạy máy vận hành bằng khí đốt, cho ra điện năng. Công ty này cũng có hai nhà máy biogas, giúp giảm mỗi năm 40 triệu bảng chi phí điện, chiếm khoảng 20% chi phí chung về điện năng.
Theo tính toán của Liên Hiệp Quốc, nếu hình thức xử lý chất thải, biến thành năng lượng tái tạo như cách Công ty Northumbrian Water đang làm được ứng dụng trên toàn thế giới, đơn giản bằng việc biến chất thải thành biogas thì hằng năm sẽ tiết kiệm được 9,5 tỉ USD, hoặc cung cấp điện miễn phí cho 138 triệu hộ gia đình. Tại Mỹ, Công ty Kỹ thuật Janicki Bioenergy biến nước cống rãnh thành nước uống được và điện năng. Dự án tiên phong của công ty được thực hiện tại Dakar, Senegal và nay có thể xử lý chất thải của từ 50 ngàn đến 100 ngàn cư dân. Tỉ phú Bill Gates, người tài trợ cho dự án, đã miêu tả nước sản xuất từ dự án này là “ngọt ngào”. Chủ tịch Công ty Janicki Bioenergy là Sara Van Tassel cho biết là bà và các đồng sự đang tiếp tục có những bài học mới sau mỗi tháng thử nghiệm, kinh nghiệm đối với họ là “vô giá”, dự kiến sang năm sẽ xuất khẩu thiết bị của họ sang Tây Phi, mỗi đơn vị có thể xử lý chất thải của 200 ngàn người và cung cấp nước sạch cho 35 ngàn người.
Nhưng không phải dự án tiên phong nào cũng được tiếp nối. Chiếc “xe bus phân người” (poo bus) chạy bằng chất thải của người và hộ gia đình đã được phô trương ầm ĩ tại thành phố Bristol của Anh và nhận được sự phản hồi tích cực của hành khách, được tổ chức môi trường First Group khen ngợi, nhưng nỗ lực mở rộng dịch vụ này của chính phủ Anh vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Riêng khí đốt do việc xử lý nước cống rãnh ở Bristol đã được hòa vào hệ thống khí đốt của cả nước. Mặt khác, năm vừa qua, các nhà nghiên cứu Mỹ đã nhận diện được vàng trong chất thải do các nhà máy xử lý nước cống rãnh ở Mỹ thải ra. Họ cũng tìm thấy trong nước thải được xử lý có bạc và những chất hiếm, bao gồm palladium và vanadium. Hy vọng trong tương lai sẽ có những dự án đi xa hơn, khai thác cả quý kim trong chất thải của người. Như vậy, việc nghiên cứu tận dụng, xử lý chất thải do con người thải ra vừa có lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường.
- Lê Nguyễn tổng hợp