Cùng với sự khôi phục quan hệ ngoại giao đang diễn ra giữa Mỹ và Cuba, một số chuyên gia mỹ thuật thế giới đã dự báo rằng đảo quốc nhỏ bé trong vịnh Caribê sẽ nhanh chóng trở thành một điểm nóng của thị trường mỹ thuật toàn cầu.
Thật ra, các nhà sưu tập nghệ thuật ở Mỹ đã đưa vào tầm ngắm và đã thu thập tác phẩm của các nghệ sĩ Cuba từ nhiều năm qua nhờ vào một ngoại lệ hiếm hoi trong sự cấm vận thương mại đối với Cuba – đó là việc công dân Mỹ có thể mua tác phẩm mỹ thuật từ đảo quốc này bởi chính phủ Mỹ coi đó là một dạng tài sản văn hóa của nhân loại (nhưng cấm mua bán xì gà hay rượu rum Cuba).
Khám phá mỹ thuật Cuba
Với việc Mỹ – Cuba bình thường hóa quan hệ hai nước, nay thì các nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật như ông Howard Farber ở Miami (Florida, bang có đông nhất người nhập cư đến từ Cuba) cho rằng những người yêu mỹ thuật ở Mỹ sẽ nhanh chóng “đâm bổ” đến các xưởng tạo hình cũng như các gallery tại đảo quốc ngay khi điều kiện để du lịch đến Cuba dễ dàng hơn để mua sắm tác phẩm mỹ thuật. Ông Howard Farber nói: “Tôi tin chắc rằng mỹ thuật Cuba là một bí mật được giữ tốt nhất trong số không nhiều các nhà sưu tập, và nay khi đất nước này đang mở ra với chúng ta, tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ khám phá một loại hình (nghệ thuật) tươi mới và lớn lao”.
Giá tác phẩm mỹ thuật Cuba đã bắt đầu tăng dần ngay trong thời kỳ quan hệ Mỹ – Cuba đóng băng, điều đó thể hiện qua các bộ sưu tập của ông Howard Farber và của bà Ella Cisneros cũng như bộ sưu tập của các bảo tàng danh giá như Tate ở London. Hiện nay, tác phẩm của các ngôi sao nghệ thuật hội họa và nghệ thuật thị giác Cuba hoặc lớn tuổi hoặc còn trẻ như Manuel Mendive, Carlos Garaicoia, Roberto Fabelo, Lazarro Saavedra, Yoan Capote và bộ đôi Los Carpinteros có giá từ 5.000 cho tới 400.000 USD. Theo các nhà nghiên cứu, mỹ thuật Cuba là sự kết hợp hài hòa của mỹ thuật Tây Ban Nha, mỹ thuật châu Phi cùng với ảnh hưởng và mô-típ mỹ thuật vùng Caribê. Và tác giả được coi là tiêu biểu cho mỹ thuật Cuba hiện đại là Wifredo Lam (1902-1982) – “Picasso của Cuba” như xưng tụng của nhiều người. Năm 2012, bức tranh Ídolo (Thần tượng – sự linh thiêng của trần gian và của cái chết) do Wifredo Lam vẽ năm 1944 đã được bán với giá 4,6 triệu USD tại nhà Sotheby’s ở New York, cái giá kỷ lục của bậc thầy hội họa này.
Với các nghệ sĩ Cuba đương đại đang sống và sáng tác ở Mỹ, gỗ mục và phế liệu kim loại là chất liệu sáng tác được họưa thích. Còn đề tài được đặc biệt quan tâm chính là hòn đảo quê hương, sự cô lập với thế giới bên ngoài và đại dương mênh mông: những chiếc bè vượt biển, những pháo đài và những người chèo thuyền là những biểu tượng thường thấy ở nhiều tác phẩm. Rộng hơn nữa là những chủ đề về người nhập cư Cuba, về đời sống kinh tế của họở nước Mỹ… Nhà sưu tập Steven Eber ở Miami cho biết ông nhắm tới nền mỹ thuật Cuba với những thể nghiệm và những mô-típ nghệ thuật sẽ giúp gắn kết hơn với nước Mỹ, qua đó có nhiều cơ hội để các nghệ sĩ Cuba đến với thị trường Mỹ thông qua internet cũng như khi cơ hội đi du lịch Cuba được mở rộng: “Chúng ta thật sự cần tới bao nhiêu chiếc tàu chở tranh?” – ông nói nửa đùa nửa thật.
Sẽ đua tranh săn tìm tác phẩm mỹ thuật ở Cuba
Lúc này, giá tranh của các họa sĩ Cuba bán ở thủ đô La Havana không hẳn phải kém hơn khi được bán ở New York hoặc London, song khi các nhà sưu tập được đến thăm đảo quốc, họ có thể gặp gỡ và hình thành mối liên hệ với các họa sĩ Cuba để tiếp thị cho tác phẩm trước khi chúng đến với các gallery ở châu Âu và New York. Người ta hình dung trong những năm tới sẽ có một cuộc đua tranh giữa các nhà sưu tập, nhà buôn tranh đến từ châu Âu, từ Mỹ và từ các nước Mỹ Latinh khi họ cùng đến Cuba săn tìm tác phẩm có giá trị. Còn hiện nay, người Mỹ chiếm 1/3 trong tổng số những người kinh doanh tác phẩm của các họa sĩ Cuba. Nhà buôn tranh Sean Kelly ở New York, người đại diện cho bộ đôi nghệ sĩ Cuba Los Carpinteros cho biết ông trông đợi các nhà sưu tập ở Mỹ sẽ tập trung tìm kiếm và gặp gỡ các nghệ sĩ Cuba trẻ trung, mạnh mẽ trong sáng tạo nghệ thuật và chưa được biết đến rộng rãi ở nước ngoài. Cũng theo Sean Kelly, chắc chắn các nhà sưu tập ở Mỹ và nhiều nước sẽ tập trung đông đảo tại cuộc triển lãm lưỡng niên Biennale Havana được tổ chức vào tháng 5-2015, nơi hứa hẹn sẽ giới thiệu những ngôi sao mới của nền tạo hình đảo quốc: “Trước đây, nếu bạn là Jean-Michel Basquiat(*) của Cuba và đang ở tuổi 24, sẽ không ai ở Mỹ phát hiện được bạn. Nhưng nay thì chúng tôi sẽ làm điều ấy”.
Ông Sean Kelly còn tin rằng các nghệ sĩ tạo hình Cuba sẽ dễ dàng có được visa nhập cảnh vào nước Mỹ – điều mà cho tới nay rất khó khăn với công dân nhiều nước – để giới thiệu và bán tác phẩm của họ trên đất Hoa Kỳ. Ngược lại, trước đây công dân Mỹ muốn đi du lịch Cuba cũng hết sức khó khăn vì phải được phép của Chính phủ Mỹ và mỗi năm chỉ có một số lượng rất ít người Mỹ được cấp phép sang Cuba để “tìm kiếm thông tin” giống như là nghệ thuật. Còn nhà sưu tập Howard Farber thì nhìn thấy được sự song hành giữa tính chất chính trị – xã hội của nghệ thuật tạo hình đương đại ở Trung Quốc từ khoảng hai thập niên qua với người anh em của nó ở Cuba sắp tới. Để đến được với các xưởng tạo hình ở Cuba những năm vừa qua, ông Howard Farber đã phải hình thành một quỹ từ thiện cách đây năm năm và thành lập một giải thưởng mỹ thuật dành riêng cho các họa sĩ Cuba. Ông hiện có một bộ sưu tập hơn 200 tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình Cuba và đã có kế hoạch sang đảo quốc vào đầu năm 2015 để tiếp tục săn tìm “của báu”. Hối hả hơn nữa, ông Sean Kelly đã lo xong thủ tục để sẽ cùng gia đình bay sang La Havana vào ngày 28-12 này dự đám cưới của Dagoberto Rodriguez Sanchez – một thành viên trong bộ đôi Los Carpinteros.
(*) Sinh năm 1960, mất năm 1988, Basquiat là nghệ sĩ đường phố đầu tiên trở thành ngôi sao nghệ thuật tầm cỡ quốc tế; vào tháng 5-2013, bức Đầu bụi của Basquiat đã bán được với giá 48.843.750 USD tại nhà Christie’s ở New York.
- Lê Bản