Các nhà bình luận đã nói nhiều về sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới và gần đây lại xuất hiện thêm khái niệm “hai thế giới song song” – một giàu, một nghèo, như hai đường thẳng không bao gặp nhau. Một số nhà nghiên cứu gọi đó là “nghịch lý Acapulco”, dựa vào tên khu nghỉ dưỡng hoành tráng Acapulco ở Mexico với thú vui cưỡi ngựa trên bãi biển, những ngôi biệt thự đẹp rực rỡ, những nhà hàng dành cho người sành ăn, một nơi của hưởng thụ và thư giãn. Nhưng cũng nơi đây là chỗ hoành hành của các băng tội phạm, hằng ngày gây ra nhiều trường hợp tử vong, nơi mà người dân địa phương thường xuyên sống trong cảm giác bất an. Ngày nay, “nghịch lý Acapulco” trở nên phổ biến ở cấp quốc gia và quốc tế, khi luôn tồn tại hai thế giới song song, một của sự giàu có, sung túc, an bình, và một của nghèo đói, tội phạm, bất an.
Xét về mặt kinh tế vĩ mô, Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang có những bước tiến đáng kể. Tây Ban Nha hiện được xem là tấm gương của sự nỗ lực đi từ một nền kinh tế thiếu thốn, khắc khổ sang một nền kinh tế có tỷ lệ phát triển ngang bằng với nước Đức. Tuy nhiên, theo tổ chức Caritas, ở Tây Ban Nha, số người sống trong sự nghèo đói đã tăng gấp đôi trong vòng bảy năm qua. Một hình mẫu khác là nước Mỹ, với tỷ lệ tăng trưởng 2,4% so với 0,1% của châu Âu, vậy mà những dữ liệu tích cực về kinh tế vĩ mô cũng không trùng khớp với các dữ liệu về con người. Một ví dụ cụ thể: tập đoàn bán lẻ lừng danh Walmart, một trong những nơi thu hút nhiều nhân công nhất nước Mỹ, vừa quyết định tăng mức lương tối thiểu mỗi giờ làm việc từ 8,9 USD lên 10 USD. Xem qua, tưởng chừng như đó là một động thái tích cực, nhưng xét kỹ, có nhiều nghịch lý trong đó, như: 60% nhân viên của Walmart không làm đủ thời gian cần để đảm bảo cuộc sống, một số chỉ làm hai ngày mỗi tuần và với thu nhập 640 USD/tháng, họ tiếp tục sống trong sự nghèo khổ. Về mặt an sinh xã hội cũng vậy, trong lúc đời sống của người dân Mỹ tiếp tục lên cao thì số người Mỹ tự tử tăng từ 11/100.000 người vào năm 2005 lên 13/100.000 người năm 2014. Năm 2012, có đến 40 ngàn người Mỹ tự tử, nhiều hơn cả số người tử nạn ôtô.
Nhiều nước đang tìm những biện pháp nhằm thu ngắn khoảng cách giữa hai thế giới song song này. Tại Tây Ban Nha, những người giàu có chỉ cần bỏ ra 2 triệu euro mua lại nợ công hay 1 triệu euro cổ phiếu, hoặc một ngôi nhà trị giá tối thiểu 500 ngàn euro kèm thêm thuế là có thể trở thành một cư dân Tây Ban Nha. Từ tháng 9-2013 đến nay, đã có 530 người nước ngoài đã hưởng được quyền này. Hiện một số nước châu Âu đang đi theo con đường của Tây Ban Nha, trong đó có Anh, Cyprus và Bồ Đào Nha. Đánh thuế nhà giàu cũng là biện pháp đang được hai nước Pháp và Mỹ cân nhắc thực hiện. Dù dưới hình thức nào thì những biện pháp trên cũng nhằm thu hút bớt lợi tức của người giàu để bổ sung vào những khoản phúc lợi chung mà người nghèo sẽ có nhiều cơ hội được chia sẻ.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)