Bàn cà phê của nhóm bạn bè chúng tôi – gồm vài nhà báo và giảng viên đại học – trở nên rôm rả hơn, khi mọi người chợt chuyển đề tài thời sự: về chính phủ kiến tạo, về cách mạng công nghiệp 4.0, về trí tuệ nhân tạo (AI- Artificial intelligence).
Điều mà mọi người dễ đồng lòng với nhau nhất, đó là: “Không mơ hồ nữa. Với những vấn đề trên, nếu đất nước chậm chân, sẽ là một thảm họa”.
Song, gây tranh cãi nhất lại là: Vừa qua, tuyên bố của các nhà lãnh đạo đất nước về Chính phủ kiến tạo, về cách mạng công nghiệp 4.0 – là muốn tiến hành triển khai thật sự? Hay, chỉ mang tính trang trí, làm sang! Hoặc rất muốn, nhưng chưa đủ năng lực để nhập cuộc!?
Quốc gia đại sự trước cái “huông” trễ tàu
Rõ ràng, chúng ta không thể thoát ly một thực tế: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới đã đi vào giai đoạn tăng tốc. Vậy Việt Nam đang ở đâu?
Nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiếp diễn hiện nay tại nhiều nước phát triển – Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cho rằng cuộc cách mạng đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia; và báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Theo đó, cơ cấu thị trường lao động cũ cũng sẽ bị phá vỡ.
Có thể nói được không, đây là cuộc cách mạng biến đổi dần thế giới thực thành thế giới số hóa. Mà ở đó, trí tuệ nhân tạo chiếm phần chủ đạo. Và, các lĩnh vực chịu nhiều tác động mạnh nhất là: sản xuất – tự động hóa, giao thông, tài chính – ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp…
Khuấy nhẹ ly cà phê, anh bạn tôi trầm ngâm: “Thế giới ngoài kia, người ta đã xác lập xong nền tảng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này từ lâu. Xem như đã đóng xong đoàn tàu, và những toa đầu đã rùng rùng khởi động lăn bánh. Còn ta, vẫn còn loay hoay ở sân ga…”.
Nói đến hai từ “cách mạng “nghe chi to tát. Thật sự, nó đã thấm dần vào cuộc sống của chúng ta tự lúc nào rồi.
Từ chuyện nhỏ, như trò chơi khối rubik phổ biến khắp thế giới 40 năm qua, “cách mạng 4.0” cũng đã hiện diện: trong khi nhiều người vẫn còn loay hoay cả ngày để giải mã khối rubik, thì kỷ lục thế giới được ghi vào Guinness là 4,22 giây. Song, giờ thì một con robot chỉ mất chưa đến nửa giây.
Nó cũng đã len lỏi dần vào cuộc sống thường ngày của mọi người. Tại triển lãm công nghệ IFA 2018 vừa diễn ra tại Berlin (Đức), các hãng sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Sony,… đã công bố các sản phẩm tăng trải nghiệm người dùng với trí tuệ nhân tạo như: Family Hub của Samsung; thiết bị gia dụng cao cấp LG Signature; chú chó robot AIBO của Sony… đến thiết bị nhà bếp như tủ lạnh, lò vi sóng đang dần được các nhà sản xuất tích hợp trí tuệ nhân tạo.
Ngay cả, với ngành báo chí, một ngành đặc thù, vậy mà trí tuệ nhân tạo AI đã bắt đầu thâm nhập. Các nhà báo robot sẽ giúp sản xuất tin bài về chủ đề đơn giản nhanh hơn và ít lỗi hơn – để phóng viên có thêm thời gian tập trung vào công việc đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao. Reuters, Facebook, Tronc và AP đã bắt đầu sử dụng AI.
Reuters đã hợp tác cùng Graphiq thu thập hình ảnh. Trí tuệ nhân tạo sẽ dự đoán chủ đề của tin tức, sau đó thu thập, xử lý dữ liệu và xây dựng hình ảnh, phục vụ ngay bài viết của phóng viên. Tronc – hãng tin tức lớn thứ 3 tại Mỹ, với việc sản xuất 200 video/ngày, Tronc có tham vọng sản xuất 2.000 video/ngày bằng trí tuệ nhân tạo.
Có thể tin không, ngành luật truyền thống cũng đang bị trí tuệ nhân tạo “nhúng mũi” vào. Theo CNBC, trí tuệ nhân tạo đang tác động mạnh đến các hoạt động pháp lý. Nó có khả năng khai thác tài liệu để tìm chứng cứ có ích trong việc kiện tụng, xem xét và tạo hợp đồng, cảnh báo những sai sót pháp lý cho doanh nghiệp. Hoặc nghiên cứu và thẩm định pháp lý trong các thương vụ thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp.
Thế giới đã đi bước dài trong cách mạng công nghiệp 4.0. Còn Việt Nam?
Báo cáo về “Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai 2018” của WEF cho thấy: Mức độ sẵn sàng với cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam là khá thấp đạt 4,9/10 điểm, xếp thứ 6, chỉ trên Campuchia, trong bảy nước trong khối ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam, Campuchia).
Ai sẽ là người đủ sức viết lại trang sử giáo dục Việt Nam, viết lại chân dung con người Việt Nam hiện đại, đủ tư thế tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà nhân loại đang tiến hành!
Không chuẩn bị con người, ai làm 4.0?
Việt Nam thật sự đã nhận thức được tầm quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 chưa?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị cụ thể số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho sự tăng tốc phát triển của cuộc cách mạng này ở Việt Nam.
Cũng tại hội thảo “Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và WEF tổ chức ngày 17-11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu: “Do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, nhưng cơ hội của Việt Nam sẽ ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này là rất lớn”. Theo ông, phải chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm để nắm bắt được cơ hội phát triển đất nước.
Theo dự báo của Liên hiệp quốc, sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể bị mất việc làm trong vài thập niên tới. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng công bố một nghiên cứu: khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á đứng trước nguy cơ mất việc vì robot. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Mặt khác, cũng theo dự báo của Bộ Khoa học – Công nghệ Việt Nam: tới năm 2025, có đến 80% công việc sẽ là những công việc mới, chưa từng có ở thời điểm hiện nay.
Vậy, chất lượng nguồn nhân lực thực sự của Việt Nam hiện nay ra sao? Cũng theo báo cáo của WEF: Việt Nam nằm trong nhóm cuối của bảng xếp hạng lao động có chuyên môn cao: 81/100 quốc gia.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm tới đâu trong những con số thống kê trên? Bộ đã chuẩn bị những gì để tạo ra một nguồn nhân lực đủ sức tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0?
Thế giới đang chuyển động và mỗi quốc gia đang tự thay đổi mình để bắt kịp trào lưu, trong khi đó, giáo dục Việt Nam đang diễn ra chuyện gì? Để lại “dấu ấn” trong mỗi người hầu như chỉ là các câu chuyện tiêu cực.
Bước qua từng đợt tiêu cực đầy sóng gió của ngành giáo dục, bình tĩnh nhìn lại, ta thấy gì? Hơn 10 năm qua, GS. Hoàng Tụy và nhiều nhà trí thức, giáo dục đã lên tiếng khẩn thiết trên nhiều diễn đàn: giáo dục Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn chệch hướng đi của thế giới.
Trong khi ở trường học chúng ta diễn ra hàng loạt sự việc: cô đánh trò hay mượn tay trò đánh trò, rồi trò đánh thầy, rồi thầy cô triệt hạ lẫn nhau… Tại sao vậy? Có phải do bệnh thành tích, mà từ thầy cô giáo đến nhà trường, lên tới cấp quận, cấp thành phải đạt cho được, để sống còn trong cái môi trường đầy phù phiếm ấy không?
Tôi xin lược ghi tóm tắt lại thông điệp mà WEF muốn truyền tải, thông qua video giới thiệu về giáo dục Singapore: “Singapore sẽ không còn so sánh thành tích của học sinh với nhau, để cho thấy rằng “việc học không phải là cuộc cạnh tranh”. Và đặt nền móng cho thế hệ trẻ, các quyển báo cáo sẽ không còn cho thấy thứ hạng của học sinh trong lớp, để học sinh tập trung vào sự tiến bộ của chính các em… Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore mong muốn giảm bớt sự tập trung vào điểm số và giúp học sinh đương đầu với những thách thức ngày càng phức tạp của thế giới, bằng cách gia tăng học các kỹ năng mềm, chuẩn bị tâm thế học suốt đời…”.
Năm mới 2019 vừa tới. Hôm nay, chúng tôi còn quay quắt với câu hỏi: Ai sẽ là người đủ sức viết lại trang sử giáo dục Việt Nam, viết lại chân dung con người Việt Nam hiện đại, đủ tư thế tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà nhân loại đang tiến hành! Bởi nói cho cùng, con người luôn là chủ thể chính của mọi cuộc cách mạng.