Truyền thống Việt Nam dưới ảnh hưởng lâu dài của Nho giáo có những đúc kết riêng về phương pháp giáo dục con cái: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” hay “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”… Không hẳn là không có lý, nhưng nhiều thứ đã lạc hậu trong thời đại mới.
Chính vì vậy, nhiều phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh trẻ ở đô thị đang “lạc” giữa các phương pháp dạy con, từ kiểu Mỹ đến kiểu Nhật, từ kiểu Do Thái đến kiểu châu Âu. Mỗi phương pháp có những ưu điểm riêng, song việc áp dụng với bối cảnh xã hội hiện tại của Việt Nam nghe chừng không dễ. Vậy có hay không một công thức chung cho việc giáo dục con?
Câu chuyện “mẹ Hổ”
Cách đây vài năm, cuốn sách chia sẻ về kinh nghiệm dạy hai con gái của Amy Chua, một người mẹ Mỹ gốc Trung Quốc, cũng đồng thời là một giảng viên Luật tại Đại học Yale. Cuốn sách có tên bản dịch tiếng Việt là “Khúc chiến ca của mẹ Hổ”, từng gây xôn xao và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng. Amy Chua áp dụng một phương pháp giáo dục cực kỳ khắc nghiệt dành cho hai con gái của mình, trong đó có những phương pháp mà các phụ huynh phương Tây sẽ không bao giờ áp dụng. Chẳng hạn, các con gái của Chua không được tham gia các hoạt động ngoại khóa, không được có điểm số dưới A, phải luôn xếp thứ nhất trong hầu hết các môn học, không xem tivi, không than vãn, tập piano và violin hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày… và rất nhiều các đòi hỏi, quy tắc khác rất nghiêm khắc. Amy Chua được coi là thành công trong việc dạy con khi hai con gái đều vào Harvard và được xem là thần đồng âm nhạc. Cô được xem là đã “thắng” trong ván bài chọn phương pháp dạy con khi quyết tâm dạy con theo kiểu của người Trung Quốc: luôn chú trọng thành tích và đổ mồ hôi công sức để có bằng được các thành tích, một phương pháp gần như không có chỗ cho sự yếu đuối hay thông cảm.
Nhưng bao nhiêu bà mẹ ông bố sẽ thành công với phương pháp của Amy Chua, và những đứa trẻ sẽ tiếp nhận các phương pháp ấy thế nào? Một câu hỏi cực khó trả lời.
Hiện tại, những cuốn sách, bài viết, thông tin… chia sẻ về các phương pháp dạy con đã và đang được quan tâm nhiều. Dạy con theo phương pháp của người Nhật, người Đức, người Do Thái hay những dân tộc được coi là “tinh hoa” khác, càng làm cho các bậc phụ huynh bối rối khi chọn lựa.
Lắng nghe mỗi đứa trẻ
Thực sự không có một công thức chung nào dành cho tất cả mọi đứa trẻ. Ngay cả bà Chua cũng phải thừa nhận rằng mặc dù ở trong cùng một môi trường như nhau, hình phạt và các phần thưởng như nhau thì cũng không có chung một cách dạy nào cho hai đứa trẻ – điều bà rút ra khi đứa con thứ hai nổi loạn với phương pháp của bà.
Tiến sĩ Alan Phan khi còn sống từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng có lúc ông tưởng đã “mất con” khi con trai ông đột nhiên nổi loạn, bỏ nhà đi, sống bụi đời và làm trái ngược tất cả những gì mà gia đình dạy dỗ. Đến khi ông cảm thấy bất lực và buông xuôi thì con ông lại quay về, sống tích cực, phấn đấu và thành đạt. Vậy nên Alan Phan lắc đầu khi ai đó bảo ông nói về bí quyết dạy con thành công, ông chỉ bảo mỗi đứa trẻ là một sự bí ẩn và người lớn cần phải lắng nghe, yêu thương và rộng lòng với những sai lầm của chúng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng và cha mẹ cần lắng nghe chúng để có những phương pháp giáo dục phù hợp. Có đứa trẻ rất sáng tạo, có đứa rụt rè nhút nhát, có đứa sống nội tâm và có đứa hướng ngoại… vì vậy, ngay cả trong cùng gia đình, cách chia sẻ và rèn giũa con cái với từng đứa con cũng khác nhau. Cần “chẻ nhỏ” mục tiêu và suy nghĩ nghiêm túc về điều mình cho là quan trọng: để dạy con sáng tạo thì chọn phương pháp nào, để dạy con tích cực, lạc quan thì chọn phương pháp nào… Thực tế, nếu không xác định được quan điểm thì sẽ mâu thuẫn giữa những nhóm phương pháp khác nhau, gây hại cho chính đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ là một bản thể vô cùng khác biệt với những thiên hướng riêng và người cha, người mẹ phải lắng nghe để chọn phương pháp giáo dục cho phù hợp. Cha mẹ không thể ép con trở thành một đứa trẻ Mỹ, Nhật Bản hay Do Thái trong khi thiên hướng, tính cách và môi trường văn hóa của đứa trẻ hoàn toàn khác. Chưa kể, việc hình thành nên tính cách của con người còn phụ thuộc nhiều vào môi trường sống, xã hội, văn hóa, cộng đồng… chứ không chỉ phụ thuộc vào giáo dục gia đình.
“Học” làm cha mẹ trước
Một điều có thể gây tranh cãi là: liệu với bối cảnh xã hội hiện tại, sinh con và nuôi dạy con là điều hoàn toàn tự nhiên và bản năng sẽ dẫn dắt cha mẹ, hay họ cần phải học các kỹ năng làm cha mẹ một cách thực sự nghiêm túc?
Thực tế là ở các quốc gia phát triển, các khóa học kỹ năng làm cha mẹ là khá phổ biến. Các ông bố bà mẹ tham gia các khóa học làm cha mẹ ngay từ khi đứa trẻ nằm trong bụng mẹ. Bố mẹ học để biết quá trình sinh con và nuôi dưỡng con cần những hiểu biết và kỹ năng gì, bồng con ra sao cho đúng, giỡn với con ra sao để con không bị tổn thương… “Làm cha mẹ là một công việc toàn thời gian, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn và rất lâu dài. Điều tôi e ngại là mặc dù cha mẹ luôn bảo rằng họ quan tâm đến con, nhưng lại chưa chịu tham gia các lớp học, các khóa kỹ năng, các kiến thức khoa học về giáo dục con cái, và vẫn suy nghĩ khá “tự nhiên” về việc làm cha mẹ. Quan điểm của tôi là môi trường và cách giáo dục quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách của một đứa trẻ hơn là những yếu tố bẩm sinh. Tính cách đứa trẻ hình thành trong quá trình khôn lớn. Nhiều người tự hỏi “không biết tại sao đứa trẻ có những tính cách A, B, C”, nhưng thực ra sâu xa là do họ chưa thực sự kiểm soát được những yếu tố hình thành nên tính cách đó, chưa đủ kiến thức hoặc sự tinh tế để nhận thức và điều chỉnh tính cách trẻ” – Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng bộ môn Tâm lý Trường Đại học Sài Gòn) chia sẻ.
TS Lê Minh Công (Phó trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) phân tích, các nền văn hóa phát triển thường đã đúc kết được khá nhiều kinh nghiệm và sự tiến bộ trong giáo dục con người, kể cả trong giáo dục gia đình. Do đó các bậc cha mẹ người Việt học tập các phương pháp giáo dục của các nước tiến bộ đó là điều bình thường. Tuy nhiên, ông Công lưu ý một số điều:
- Cần phải xem xét yếu tố văn hóa khi giáo dục trẻ con trong bối cảnh gia đình. Cha mẹ không thể nào bê nguyên xi các nội dung, cách thức giáo dục của các cha mẹ ở nền văn hóa khác với nền văn hóa của mình mà còn cần xem xét nó có phù hợp với mình hay không? Nếu chúng ta không cân nhắc yếu tố này, có khi lại giáo dục con cái thành một người nửa vời và mất các giá trị tích cực của gia đình Việt, đồng thời lại có những giá trị nửa vời của văn hóa khác, gây khó khăn cho đứa trẻ khi phải thích nghi với hoàn cảnh xã hội Việt Nam.
- Cũng cần phải xem xét nội dung giáo dục cho phù hợp chứ không thể nào giáo dục con cái các nội dung giáo dục của quốc gia khác, tôi cho rằng có thể học phương pháp giáo dục gia đình của nền văn hóa khác, chứ không nên học nội dung giáo dục.
- Đứa trẻ cần phải phát triển một cách tự nhiên đối với nhân cách của nó theo nền văn hóa nó sống. Nhiều nhà giáo dục cho rằng cách giáo dục gia đình tốt nhất là làm gương từ cha mẹ. Nhiều cha mẹ không hiểu điều này, tự tạo áp lực với bản thân mình và con cái mà quên đi rằng nếu mình có giáo dục con kiểu gì nhưng mình không tốt, không tích cực thì con trẻ cũng không thể nào phát triển lành mạnh được.
Xem thêm: