Dường như VN-Index đã xác định được xu hướng sau những phiên rung lắc và giảm điểm chính là xu hướng được thị trường lựa chọn. Đợt điều chỉnh (kể từ ngày 20-7) này khiến cho VN-Index tạm dừng chuỗi tăng điểm tương đối ấn tượng trong khoảng thời gian khá dài (giúp VN-Index leo lên vùng giá đỉnh tám năm mà không có nhiều thông tin kinh tế hỗ trợ). Những ngày qua, khi hoạt động chốt lời diễn ra rầm rộ, áp lực điều chỉnh chiếm ưu thế bất chấp nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bluechip và cơ bản đón nhận kết quả kinh doanh quý II khá tích cực. Thực ra thì điều này không mới đối với thị trường chứng khoán nước ta, tin đồn mới chính là “thuốc kích thích” cho cổ phiếu tăng giá, còn khi thông tin xuất hiện cũng đồng nghĩa với việc cổ phiếu sẽ được bán ra với khối lượng lớn. Ngay cả đà tăng phi mã của VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam) sau khi có thông tin mở room 100% cho khối ngoại cũng phải tạm ngưng trước áp lực chốt lời quá mạnh. Tương tự, các cổ phiếu đã và đang dẫn dắt thị trường và vừa có đợt tăng giá mạnh như VCB, GAS, MSN, VIC… cũng giảm điểm. Đa số phiếu trên thị trường đều chìm trong sắc đỏ.
Theo những phân tích kỹ thuật thì việc VN-Index hai lần tấn công bất thành ngưỡng kháng cự mạnh 680 điểm đã khiến cho tâm lý của một bộ phận nhà đầu tư bất an, dẫn đến áp lực bán xuất hiện và mạnh dần lên qua từng phiên. Trong giai đoạn này, “hòn than nóng” cổ phiếu – những cổ phiếu đã tăng trưởng quá nhanh trong thời gian qua như DRH, EVE, TTF… bắt đầu đem đến sự “bỏng tay” cho những người mua đuổi giá cao. Trong số này, phải kể đến “siêu cổ phiếu” DRH (Công ty cổ phần đầu tư Căn nhà mơ ước), vốn tăng một mạch từ vùng giá 8.000 đồng/cổ phiếu thời điểm cuối năm ngoái lên đến đỉnh 78.000 đồng/cổ phiếu vào trung tuần tháng 7 vừa qua, tăng xấp xỉ 1.000% chỉ sau hơn nửa năm! Lên nhanh thì xuống cũng nhanh, chỉ trong một tuần (từ 18 đến 25-7), cổ phiếu này đã mất đi 27% giá trị. Dù sự giảm giá này được lý giải là do đón nhận những thông tin tiêu cực liên quan đến hoạt động kinh doanh chính (doanh thu thuần sáu tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 67 tỉ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế tuy tăng mạnh 6,8 lần nhưng chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến đến từ các hoạt động thanh lý tài sản trong thời gian qua), nhưng có thể thấy rằng rất khó để cổ phiếu này tăng tốc trở lại.
Như đã nói, thị trường thời gian qua tăng điểm chủ yếu nhờ vào tâm lý hưng phấn, nên chỉ cần tâm lý ấy gặp trục trặc hoặc có sự sụt giảm mạnh về thanh khoản, sự đảo chiều sẽ diễn ra. Cũng may là giao dịch của khối ngoại không cộng hưởng xấu và đẩy thị trường lùi sâu hơn. Những phiên thị trường lao dốc vừa qua cũng là những phiên khối ngoại đẩy mạnh mua ròng và điều này giúp cho nhiều nhà đầu tư trong nước mạnh dạn tham gia bắt đáy. Nói gì thì nói, mỗi khi thị trường giảm điểm mạnh, sức hấp dẫn của nhiều cổ phiếu sẽ tăng lên và những nhà đầu tư “tham lam khi thị trường sợ hãi” lại vào cuộc.
Dù vậy, những nhà chuyên môn vẫn khuyên những nhà đầu tư mạo hiểm chờ tín hiệu rõ rệt hơn, không nên giải ngân quá nhiều vì sự thận trọng là cần thiết khi thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ và VN-Index đi vào giai đoạn điều chỉnh tích lũy nhằm xác lập mặt bằng giá mới. Giai đoạn này, sự phân hóa cổ phiếu sẽ trở nên rõ rệt. Vẫn có một số cổ phiếu có yếu tố cơ bản hỗ trợ và đi lên bất chấp thị trường chung đang giảm điểm. Bên cạnh nội lực từ chính hoạt động kinh doanh của mình, có thể những cổ phiếu này đang và sẽ được hưởng lợi từ quá trình hội nhập, chính sách thuế hay chu kỳ kinh tế…
Ngọc Khang (DNSGCT)