Một phụ nữ sau khi chấm dứt cuộc hôn nhân mà theo ý chị là không hạnh phúc với người chồng gia trưởng, tuy làm ra tiền nhưng chi phí riêng của chồng cũng nhiều, đưa cho vợ (cất giữ, nuôi con) không bao nhiêu so với thu nhập.
Ý chị này muốn, chồng làm bao nhiêu đưa hết cho vợ, chồng chỉ cần giữ một ít… phòng thân. Lại nữa, công việc của chồng hầu như xa nhà quanh năm suốt tháng, về đến nhà không ôm máy tính thì gặp bạn bè nhậu nhẹt, chẳng quan tâm đến con cái học hành ra sao, nói gì đến việc chơi với con hay phụ vợ việc vặt trong nhà.
Tính gia trưởng còn thể hiện ở chỗ mỗi khi chị có ý kiến gì liền bị anh gạt phắt. Tất nhiên, người ngoài nhìn vào chẳng thể nào biết được nội tình của họ mà chỉ thấy chồng giỏi vợ đẹp, con cái học hành giỏi giang, nhà cửa đàng hoàng… Vậy nên, bạn bè ai cũng ngạc nhiên khi chị gửi thiệp mời đám cưới mới!
- Xem thêm: Năm nền tảng của hôn nhân hạnh phúc
Sau đó là hàng loạt hình ảnh với chồng mới và những câu chuyện về hạnh phúc được chị đưa lên đều đặn mỗi ngày trên Facebook. Thậm chí ảnh hai người… hôn nhau cũng được công khai.
Chị viết, gần năm mươi tuổi mới thật sự hiểu thế nào là hạnh phúc. Đơn giản lắm, chỉ cần hai người bày tỏ tình yêu, quan tâm nhau mỗi ngày. Chồng giặt quần áo cho cả nhà, lúc rảnh rỗi thì vào bếp, hai ngày cuối tuần đưa cả nhà đi chơi, cà phê, ăn bên ngoài…
Yêu nhau thì không ngại ngần cho nhau một nụ hôn, ngay cả trước mặt nhiều người, mất gì đâu mà ngược lại được rất nhiều. Chị kết luận, hạnh phúc… dễ như vậy mà con người ta có khi cả đời cứ mãi đi tìm.
Có hai luồng ý kiến cho câu chuyện này. Một cho rằng chị làm như vậy là không phải với chồng cũ, bởi khi chị khoe hạnh phúc mới là ngầm ý nói không tốt về hôn nhân cũ. Không cần thiết làm điều đó vì còn con cái, nói xấu chồng cũ tức là nói xấu cha của con mình, một điều không hay!
Thêm nữa, con người không ai giống ai, mỗi người mỗi tính trời sinh như vậy. Có người điều chỉnh được, thích nghi tốt với môi trường, hoàn cảnh nhưng có người “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Khi lập gia đình, chị phải hiểu tính cách người hôn phối và chấp nhận. Đó mới là… hạnh phúc.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng chị này đã dám làm cuộc… cách mạng. Không hạnh phúc thì chấm dứt, không còn yêu mà dây cà ra dây muống làm khổ đời nhau, khổ lây sang con cái, gia đình nội, ngoại hai bên.
Nhóm này cho rằng, không có nhiều phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán để tạo lập hạnh phúc cho riêng mình và đó là điều thiệt thòi. Đời không dài để phải ôm sầu khổ. Cuộc sống đôi khi lắm bất trắc rình rập, dừng xe chờ đèn đỏ còn bị tai nạn. Mối hiểm họa không ai lường trước được. Một ngày còn sống phải vui vẻ với nhau để cùng hạnh phúc.
Hai luồng ý kiến đều hay. Đúng hay chưa đúng thì còn tùy vào quan điểm người cảm nhận. Có người cho rằng hạnh phúc thật ra rất đơn giản, chẳng hạn như sớm mai chồng dắt xe tiễn vợ đi làm, ngày nghỉ thì đổ xăng, rửa xe cho vợ.
Tối cả nhà quây quần, vừa ăn vừa nói chuyện, chẳng ai vội vàng, vì có đứng lên cũng ôm máy tính, tivi hay quẹt điện thoại; ngồi nói chuyện với nhau tranh luận cả chuyện trên mạng thay vì vào mạng “like” dạo hay bình luận, nhiều khi gây mích lòng.
Bây giờ, bạn bè chơi với nhau ngoài đời, có nói chuyện cãi nhau thế nào cũng không sao, chứ lên mạng mà cãi nhau là dễ tẩy chay, không chơi với nhau nữa. Ăn cơm xong, bỏ chén bát đó, vợ chẳng phải nôn nóng giục mọi người đứng lên để còn rửa chén mà để sáng ra chồng sẽ dậy sớm “thanh toán” mọi thứ. Vậy là hạnh phúc thôi!
Có phải hạnh phúc đơn giản vậy hay không thì chưa dám khẳng định, nhưng rõ ràng, nếu người ta cười với nhau thay vì… nói xấu, than phiền về nhau; không quan tâm đến những mảng tối của bạn mà mình chưa rõ và chỉ chọn mảng sáng của nhau để nhìn, vậy là hạnh phúc.
Bất cứ ai cũng chỉ có một thời gian sống nhất định, giận người chỉ gây thiệt cho mình là điều chắc chắn.