Tình hình xuất khẩu nông sản của chúng ta không được thuận lợi trong mấy tháng qua và các biện pháp khắc phục đang được triển khai. Sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Công thương đang thực hiện sửa đổi Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng tạo ra sự bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này.
Thông tin trên được ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương nêu ra nhân Diễn đàn Kinh tế thường niên 2017 ngày 12-4 tại Cần Thơ.
Theo ông Hải, Nhà nước đang rất tích cực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Trước đó, kết luận tại hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức ở An Giang hôm 15-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành có liên quan rà soát lại các quy định gây cản trở sự phát triển ngành lúa gạo Việt Nam. Thủ tướng đã lưu ý các bộ ngành có liên quan phải tiếp thu để sửa đổi, bổ sung một số chính sách sớm hơn nữa.
- Xem thêm: Vì một môi trường kinh doanh bình đẳng
Cụ thể, đối với nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo có liên quan đến Bộ Công thương, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi nghị định này theo hướng không đưa ra nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo, không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo – điều này đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký quyết định bãi bỏ.
Để đảm bảo kinh tế thị trường, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương không nên trao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhiều quyền như quy định giá sàn, phân phối quota cứng… Đây chính là nút thắt trong xuất khẩu gạo. Việc trao quyền định giá sàn cho VFA, cũng như phân phối quota lâu nay chẳng những không giúp cho tình hình xuất khẩu gạo tốt hơn, mà còn gây cản trở xuất khẩu gạo của doanh nghiệp nói riêng và phát triển ngành lúa gạo Việt Nam nói chung.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu sửa đổi Nghị định 35 về quản lý sử dụng đất trồng lúa, cũng như Quyết định 1898 về phê duyệt tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, với lý do có nhiều mục tiêu, nhiều vấn đề mà tầm nhìn chưa phù hợp.
Song song đó, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải sớm sửa Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó, có việc đầu tư hệ thống xay xát chế biến lúa gạo, kho chứa… theo hướng phải được vay dài hạn và trung hạn thay vì ngắn hạn, nhằm tạo mọi điều kiện cho khâu chế biến phát triển nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng.
Trong một diễn biến khác liên quan đến xuất khẩu, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, năm 2016 xuất khẩu cà phê nhân nước ta đứng thứ hai thế giới với sản lượng 1,78 triệu tấn (đạt 3,34 tỉ USD), nhưng giá trị còn thấp do chủ yếu xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô.
Tỷ lệ cà phê chế biến chiếm chưa đến 10% sản lượng cà phê cả nước. Câu hỏi đặt ra là tại sao chế biến lãi nhiều nhưng doanh nghiệp ít đầu tư. Câu trả lời là đầu tư một nhà máy chế biến cần lượng vốn lớn, nhưng việc tiêu thụ cà phê ở trong nước ít và chịu áp lực cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp FDI.
Một trong những vấn đề trọng tâm của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam trong những năm tới là thúc đẩy chế biến và tiêu dùng cà phê ở trong nước, hiện còn rất thấp.
Một nhược điểm nữa là mặc dù đã có tiêu chuẩn về cà phê xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp chỉ bán theo thỏa thuận về độ ẩm, hạt vỡ, tạo chất bao nhiêu % là chính, số tuân thủ theo tiêu chuẩn chỉ khoảng 1%. Điều này khiến cà phê của Việt Nam bị trả giá thấp.
Tương tự, mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam cũng chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, chưa chuyển sang các sản phẩm được chế biến với chất lượng cao để xuất khẩu. Hiện nay, ngành hồ tiêu đang phải đối mặt với tình trạng phát triển nóng do tăng nhanh diện tích trồng hồ tiêu trong những năm qua (hiện diện tích trồng hồ tiêu cả nước vào khoảng 125.000ha). Từ đó phát sinh rủi ro, giá bán hồ tiêu giảm gần một nửa, hiện ở mức 110.000 đồng/kg. Tình hình dịch bệnh chết nhanh chết chậm và bệnh tuyến trùng đang gây hại ở các địa phương.
Mặc dù hồ tiêu là cây “tỉ đô”, nhưng còn hạn chế ở các khâu giống, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật… Bên cạnh đó, thời gian qua do giá tiêu tăng cao nên nông dân gia tăng mạnh diện tích trồng tiêu và chăm bón nhiều dẫn đến hiện tượng đất chai cứng và dịch bệnh phát sinh. Đây là những nhân tố khiến việc phát triển ngành tiêu kém bền vững, chất lượng hồ tiêu chưa đạt như mong muốn.
Hồ tiêu Việt Nam sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu (tới 98%), nhưng hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu chưa gắn bó với ngành, với nông dân trong việc liên kết, thúc đẩy sản xuất hồ tiêu an toàn, sạch bệnh và bền vững.
Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu cho biết, các đối tác nước ngoài luôn sẵn sàng trả giá cao từ 10 – 20%, thậm chí phía Đan Mạch trả đến 50% giá chênh lệch nếu có tiêu sạch, an toàn để cung cấp cho họ.
Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Rumania, từ ngày 25 đến 29-10, tại Trung tâm Hội chợ – Triển lãm quốc tế Romexpo – Bucarest sẽ diễn ra Hội chợ nông nghiệp quốc tế INDAGRA 2017 (International agricultural products and equipments Fair). Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia tiếp thị các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
INDAGRA là hội chợ nông nghiệp quốc tế có quy mô lớn được tổ chức thường niên tại Bucarest – Rumania thu hút sự tham gia đông đảo của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất bao bì và đồ uống các loại…
Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Rumania đang dần đi vào ổn định và vững chắc, ngoài yếu tố thời tiết khí hậu thuận lợi còn phải kể đến sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật quan trọng từ Chính sách nông nghiệp chung châu Âu (CAP) và sự chỉ đạo điều hành hiệu quả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Rumania…
Năm 2016, Hội chợ quốc tế nông nghiệp INDAGRA đã thu được kết quả rất thành công với sự tham gia của khoảng 550 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trên một diện tích trưng bày hơn 30.000m2 với nhiều loại sản phẩm về nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, máy móc thiết bị, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồ uống, bao bì đóng gói… và hơn 400 đầu gia súc, gia cầm các loại đến từ 25 quốc gia trên thế giới.
Doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tham dự Hội chợ INDAGRA 2017 có thể tham khảo thông tin tại địa chỉ: www.indagra.ro hoặc liên hệ Ban tổ chức Hội chợ triển lãm ROMEXPO, địa chỉ: BulevardMarasti, nr. 65-67, Bucuresti – Rumania; Tel: (4021) 2077000; Fax: (4021) 2077070; Email: romexpo@romexpo.ro; Website: www.romexpo.ro. Hoặc liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Rumania. Địa chỉ: No. 66, Bd. Iancu de Hunedoara, Bucarest – Rumania; Tel: (4021) 2113738; Mobi: (40) 721236247; Email: ro@moit.gov.vn hoặc lnthi1957@yahoo.com