Thời gian qua, suy thoái kinh tế đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khiến cho nhiều đơn vị phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí phải đóng cửa. Mới đây, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã đề xuất với Thủ tướng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay và nới lỏng các điều kiện vay vốn hơn nữa để các doanh nghiệp có thể vay vốn dễ dàng hơn. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại vẫn đề ra những quy định vay vốn rất chặt chẽ và lãi suất cho vay dù đã giảm so với vài năm trước nhưng vẫn còn cao so với khả năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì sao các ngân hàng thương mại vẫn thận trọng như vậy trong khi đang dư thừa thanh khoản? Đó là vì tín dụng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng, nếu không cẩn thận các tổ chức tín dụng này rất dễ đối mặt với nợ xấu. Áp lực tỷ lệ nợ xấu cao khiến cho ngân hàng không dám mạnh tay cho vay, bởi theo cách tính mới tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại đã lên đến gần 10%. Còn lãi suất cho vay thì do cung – cầu về vốn trên thị trường quyết định. Điều kiện cần để lãi suất cho vay giảm là lãi suất huy động phải giảm tiếp, nhưng nếu điều đó xảy ra, các nhà điều hành phải đối mặt với vấn đề là liệu người dân có gửi tiền vào ngân hàng nữa hay không. Nếu dòng tiền tiết kiệm không đổ vào ngân hàng mà chảy vào thị trường chứng khoán hoặc vào khu vực sản xuất – kinh doanh thì quá tốt. Nhưng nếu dòng tiền ấy đổ vào ngoại tệ, vàng… thì sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Chính vì điều này mà trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải cân đối để vừa đảm bảo được giá trị tiền đồng, vừa đảm bảo được nguồn vốn cho nền kinh tế vận hành, đảm bảo cho thanh khoản của nền kinh tế nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng.
Ngoài ra, có một thực tế là những doanh nghiệp than thở rằng không tiếp cận được nguồn vốn thường đang trong tình trạng rất khó khăn về tài chính, không đáp ứng được tiêu chuẩn vay vốn, trong khi nhiều doanh nghiệp được đánh giá tốt, ngân hàng sẵn sàng cho vay thì lại không có nhu cầu do chưa tìm được cơ hội làm ăn. Với những đơn vị này thì dù lãi suất vay có giảm thêm nữa họ cũng chưa cần vay vốn. Đó là lý do khiến cho mặt bằng lãi suất dù đã khá hợp lý nhưng nhu cầu về vốn vẫn không tăng và để khơi thông được dòng chảy tín dụng thì không chỉ có biện pháp giảm lãi suất, mà cần phải có những giải pháp kích thích nền kinh tế.
Hiện lãi suất cho vay trên 13%/năm chỉ chiếm 16% trên tổng dư nợ, một con số cho thấy đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với doanh nghiệp. Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết nếu điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, đủ điều kiện để giảm thì lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, kỳ vọng lãi suất giảm sâu là rất khó. Nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhà điều hành cần có những nhóm giải pháp khác chứ không phải ép các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng các chính sách ấy vẫn chưa thực sự giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Minh Hằng