Giá cả ở châu Âu tăng rất ít khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lo ngại rằng nền kinh tế của Liên minh châu Âu bị khựng lại. Mối e ngại này không phải viển vông khi trong thực tế giá cả ở khu vực đồng euro đã tăng rất ít, vào tháng 3 vừa qua chỉ tăng 0,5% tính theo nhịp độ thường niên, mức thấp nhất từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Tại những nước yếu, mức độ này còn ít hơn nữa.
Ngay tại Pháp, giá cả trong một số lĩnh vực chẳng những không tăng mà lại còn giảm: 0,2% trong lĩnh vực thực phẩm, 0,8% đối với sản phẩm công nghiệp và 0,3% đối với thuốc trị bệnh. Giới kinh tế hiện nay rất quan ngại, không biết đây chỉ là hiện tượng nhất thời hay là châu Âu thực sự bước vào giai đoạn giảm phát (déflation), tức là nhu cầu sản phẩm và dịch vụ thấp hơn mức cung ứng khiến kinh tế bị đình đốn.
Trong vấn đề này, người tiêu dùng và giới kinh tế gia không phản ứng như nhau. Người dân mua sắm rất hài lòng, nhưng ngược lại đối với giới sản xuất thì tai hại vô cùng, với hậu quả xã hội là sẽ phải giảm bớt nhân công, tạo các tác động dây chuyền tiêu cực cho kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng châu Âu có trước mắt tấm gương của Nhật Bản đã phải trầy trật chống lại hiện tượng này trong suốt 15 năm, khi từ cuối thập niên 1990 một tô cơm thịt bò ở của hàng ăn nhanh nổi tiếng Yoshinoya đã giảm từ 400 yen xuống 300 yen.
Đương kim Thủ tướng Nhật hiện nay dốc sức lao vào trận chiến với chính sách bơm tiền vào kinh tế để thúc đẩy giá cả, hầu đạt ít ra tăng trưởng 2% từ đây đến 2015. Ông Abe đã gặt hái được một số thành quả bước đầu khi lạm phát vào tháng 2-2014 tăng lên 1,5%.
Theo báo Les Echos (Pháp), Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang thúc giục Ngân hàng Trung ương châu Âu nhanh chóng có biện pháp để chống tình trạng giảm phát càng sớm càng tốt. Theo tờ báo, cộng đồng quốc tế càng thêm lo ngại vì hiện nay châu Âu bị xem là mắt xích yếu của tăng trưởng kinh tế thế giới. IMF dự báo tăng trưởng châu Âu chỉ đạt 1,2% trong năm nay.
T. Hồ