“Giấc mơ xanh” là tên gọi cuộc triển lãm bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập Nguyễn Quang Cường, cũng là ông chủ gallery Phương Mai, được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1, từ 23-7 đến 2-8-2016). Gần 50 tác phẩm hội họa nhiều kích cỡ, được trưng bày công phu, mỗi bức tranh đều có ghi rõ “lý lịch”, mô tả nội dung, chất liệu và phong cách sáng tác. Có thể coi phòng tranh này như một “phản biện” với triển lãm “danh họa” đầy tai tiếng cũng tổ chức ngay tại không gian này.
Trong giới sưu tập và kinh doanh tác phẩm mỹ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Quang Cường là một khuôn mặt đáng chú ý. Còn trẻ, Cường đến với sinh hoạt mỹ thuật chưa lâu nhưng đã sớm tạo được dấu ấn nơi công chúng yêu hội họa, cũng như nơi các tác giả đã đặt niềm tin và sự quý mến vào anh. Đi nhiều, trải nghiệm nhiều ở các không gian mỹ thuật nước ngoài là một vốn liếng đáng quý của người làm gallery như anh. Nguyễn Quang Cường còn tham dự các khóa học về nghề giám tuyển nghệ thuật (art curator) để công việc chuyên môn của anh ngày càng hoàn thiện hơn. Năm ngoái, do không đủ thời gian và kinh phí để theo học một khóa sáu tháng của Nhà đấu giá Sotheby’s tại Mỹ nên anh đã dự học hàm thụ qua mạng trong sáu tuần với học phí lên đến 14.000 USD. Những kiến thức về “Hệ sinh thái nghệ thuật” tiếp thu được từ khóa học này Cường rất muốn được chia sẻ với cộng đồng mỹ thuật.
Gallery Phương Mai của Cường có được chỗ đứng rất riêng trong đời sống tạo hình của Sài Gòn hôm nay qua nhiều triển lãm đã được tổ chức khá thường xuyên những năm gần đây. Đó là nhờ ông chủ gallery đồng thời cũng là giám tuyển cho các triển lãm biết “chọn mặt gửi vàng”, tìm kiếm những tác giả và tác phẩm phù hợp với phong cách bình dị, chỉn chu mà năng động của một điểm đến mỹ thuật ở trung tâm một thành phố lớn và luôn sôi động trong sinh hoạt mỹ thuật. Nguyễn Quang Cường không chỉ chọn tác phẩm của các tên tuổi đã thành danh hay được nhiều người biết đến của làng hội họa hiện tại như Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Hoàng Đăng Nhuận, Trịnh Thanh Tùng, Lê Thanh, La Hon, Đặng Can, Uyên Huy, Văn Dương Thành… mà anh còn tìm đến với rất nhiều họa sĩ có năng lực ở các tỉnh thành khác như Khánh Hòa, Huế… Đáng chú ý là hầu hết các triển lãm ở gallery Phương Mai đều có vựng tập tác phẩm được in ấn khá công phu, cho thấy chủ nhân rất mực trân trọng các tác giả mà anh đã mời đến với phòng tranh.
Những biến động trong cuộc sống khiến Nguyễn Quang Cường đã không giữ được Phương Mai ở mặt tiền các đường phố lớn, lui về một góc yên tĩnh và khiêm tốn bên trong Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, nhưng không vì thế mà phòng tranh này “yếu” đi, kém chất lượng đi. Và để đánh dấu một chặng đường gắn bó với hội họa, Nguyễn Quang Cường cùng Phương Mai của anh tổ chức một cuộc triển lãm rất thú vị: triển lãm bộ sưu tập hơn 40 tác phẩm của chính chủ nhân, được anh tuyển lựa trong những năm sống với nghề gallery. Ngoài tranh của những tác giả được nêu trên, triển lãm còn có tác phẩm của các họa sĩ Phan Thanh Bình, Lê Thánh Thư, Dương Sen, Đỗ Duy Tuấn, Lê Triều Điển, Tô Minh, Bạch Lan… Mỗi người một vẻ để làm nên bản hòa âm nhiều cung bậc sắc màu, nhiều ngôn ngữ và phong cách tạo hình mà với tên gọi “Giấc mơ xanh”, triển lãm đưa người xem đến với những giấc mơ đẹp giữa một đời sống còn nhiều nỗi bất an và lo toan. Phải chăng đó cũng là giấc mơ của Nguyễn Quang Cường về một tương lai tươi xanh hơn, lạc quan hơn cho không chỉ Phương Mai mà với cả nền mỹ thuật của chúng ta?
- Diên Vỹ