Hãng tin Bloomberg cho hay lượng vàng nắm giữ toàn cầu của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) tăng thêm hơn 500 tấn kể từ khi chạm đáy vào tháng 1-2016, trong bối cảnh giới đầu tư ngày càng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt sau khi Anh rời Liên minh châu Âu – EU (Brexit) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa có kế hoạch cụ thể về việc nâng lãi suất.
Tuần trước, phản ứng kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh, lượng nắm giữ vàng của các quỹ ETF tăng tổng cộng 37 tấn với mức tăng liên tiếp trong nửa đầu năm nay.
Theo số liệu của Bloomberg, tính đến ngày 1-7, lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF đã đạt mức hơn 2.000 tấn, trong đó riêng Quỹ giao dịch hoán đổi lớn nhất thế giới SPDR là 953,91 tấn – mức cao nhất kể từ tháng 7-2013. Trong nửa đầu năm nay, SPDR đã mua vào thêm 308 tấn vàng, cao nhất bảy năm qua.
Không chỉ có các quỹ ETF mà các nhà đầu cơ cũng đang lạc quan khi mua vàng. Giá vàng thế giới đã tăng khoảng 30% kể từ đầu năm, mức cao nhất trong hơn hai năm qua, lên đến 1.358 USD/ounce sau Brexit. Nhiều ngân hàng đã nâng dự báo giá vàng trong sáu tháng và 12 tháng tới thêm 100 USD/ounce, trong khi Ngân hàng Hải ngoại Trung Quốc (OCBC) dự báo giá vàng sẽ chạm mốc 1.400 USD/ounce.
Gần đây, còn xuất hiện khá nhiều dự báo gây sốc, cho rằng giá vàng có thể tăng 50% so với hiện tại, lên mức đỉnh được ghi nhận vào tháng 9-2011 là 1.920 USD/ounce.
Giới phân tích nhận định, giá vàng tăng cao bởi nhu cầu lớn của các nhà đầu tư đối với kim loại quý, xem vàng là nơi trú ẩn an toàn do lo ngại những tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới.
Vẫn theo Bloomberg, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Nhật mua vàng và gửi ở Thụy Sĩ do lo ngại lãi suất âm và khả năng đồng yen Nhật sẽ mất giá trong bối cảnh Chính phủ nước này mang gánh nặng nợ công lớn nhất trong số các quốc gia phát triển.
Hãng tin này dẫn số liệu từ Bullion Vault, một công ty giao dịch trực tuyến và cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng có trụ sở ở London, cho biết số lượng khách Nhật mua vàng thông qua công ty này đã tăng 62% trong sáu tháng đầu năm nay so với nửa cuối năm ngoái.
Việc người Nhật tăng cường giữ vàng diễn ra khi Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) thực thi chương trình kích cầu bằng cách mua vào trái phiếu với quy mô lớn chưa từng thấy nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, lãi suất cơ bản đồng yen cũng đã được BoJ hạ về vùng dưới 0%. Các biện pháp này đã dẫn tới những đồn đoán cho rằng đồng yen có thể rớt giá thảm nếu nỗ lực kích thích tăng trưởng thất bại.
Xu hướng mua vàng của người Nhật không nằm ngoài xu hướng chung của giới đầu tư toàn cầu từ đầu năm đến nay. Do lo ngại bất ổn trên thị trường tài chính cũng như mức lãi suất siêu thấp hoặc âm, các nhà đầu tư đã mạnh tay mua vào kim loại quý để bảo toàn giá trị tài sản.
Các nhà đầu tư Nhật mua vàng thông qua Bullion Vault rất đa dạng, từ những doanh nhân lớn tuổi giàu có vốn là những người nhiều kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài và có nhu cầu cất giữ tài sản ở một nơi an toàn, cho tới những người trẻ và cả những phụ nữ muốn tìm kiếm “vịnh tránh bão” cho tài sản của mình trong bối cảnh nền kinh tế và chính trị toàn cầu có nhiều rủi ro.
Theo bà Whitehouse, có nhiều điểm tương đồng giữa hành vi của nhà đầu tư Nhật và nhà đầu tư ở nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn, hầu hết khách hàng Mỹ của Bullion Vault muốn giữ vàng ở nước ngoài vì lo rủi ro bị tịch thu – điều từng xảy ra trong thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ hồi những năm 1930. Một nửa số khách hàng của Bullion Vault ở Anh cũng cất vàng ở nước ngoài.
V.Đ tổng hợp (DNSGCT)