Cuộc thi “Giá trị rừng ngập mặn Cần Giờ” vừa được Viện Sinh thái học miền Nam và Ban Quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ phát động, như là dịp để những người yêu thiên nhiên tìm hiểu và ghi lại vẻ đẹp và giá trị của cánh rừng ngập mặn Cần Giờ qua các góc nhìn và sự cảm nhận riêng của mỗi người.
Rừng ngập mặn Cần Giờ là một tổ hợp đa dạng các loài cây thân gỗ, cây bụi và cây thủy sinh phát triển trong một môi trường nhiễm mặn được hình thành bởi trầm tích trên vùng châu thổ rộng lớn từ hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn, và sông Vàm Cỏ, trong đó yếu tố biển luôn chiếm ưu thế lấn át yếu tố sông.
Thành phần chiếm ưu thế của khu rừng này là cây đước đôi, trong quá trình tiến hóa đã có sự thay đổi về hình thái sao cho cây có thể thích nghi tốt nhất trong những điều kiện có mức ôxy trong đất bùn lầy thường thấp, độ mặn có thể dao động rất cao từ 30 g/l tới 40 g/l đối với nước biển bình thường, và lên đến 90 g/l ở những khu vực mà muối bị cô đặc do hiện tượng bốc hơi của nước.
Hệ thống rễ của các loài cây rừng ngập mặn Cần Giờ gọi là rễ chống (hay rễ chân nôm, cà kheo) là một trong những đặc điểm biến đổi về cấu trúc không bình thường mang ý nghĩa quyết định, giúp cho cây rừng đứng vững trong môi trường đất bùn bằng cách mọc hướng xuống từ thân cây, hay phát triển theo phương ngang dưới mặt đất, và hô hấp thông qua những lỗ thông khí nằm phía trên mực nước thủy triều hay bùn.
Nhờ có hệ thống rễ này, cây rừng có thể vươn ra như những cánh tay xâm chiếm các bãi bồi ven biển. Hệ thống rễ chằng chịt đan xen với nhau như một cái chân nơm có bề mặt phủ rộng hơn cả tán cây, vừa giúp cho cây rừng chịu được sóng gió biển vừa tạo thành ngôi nhà trú ẩn tuyệt vời cho hàng triệu sinh vật sống ngoài biển cư trú, kiếm ăn và sinh sản.
Độ mặn của nước chính là yếu tố quyết định điều chỉnh thành phần loài của từng cánh rừng. Mỗi một loài cây ngập mặn có những đặc tính thích nghi riêng biệt và mọc tốt nhất ở những khu vực nhất định dọc theo các con sông và ven bờ biển.
Hệ động vật sống trên đất rừng ngập mặn Cần Giờ cũng có khả năng thích nghi cao độ với môi trường như những loài giáp xác và thân mềm có vỏ cứng để ngăn ngừa bị khô. Nhiều loài động vật như con ba khía, cá thòi lòi còn có khả năng thoát ly tạm thời môi trường thủy sinh trong thời gian ngắn nhờ có các cơ chế làm ướt mang để kiếm ăn.
Hầu hết các loài động vật sống trong rừng ngập mặn Cần Giờ đều có giá trị kinh tế cao làm thực phẩm như cá ngát, cá dứa, cá nâu, ốc len, ốc mỡ,… Bên cạnh những loại quả quen thuộc thường được dùng làm thức ăn và gia vị như Bình bát, trái bần chua, bần ổi, và nhiều loại rau rừng đã gắn liền với văn hóa ẩm thực truyền thống nơi đây như đọt lức, rau bui, đọt lìm kìm…
Trong khi tài nguyên thiên nhiên của các khu rừng miền Đông Nam Bộ ngày càng cạn kiệt thì rừng ngập mặn Cần Giờ vẫn là cái kho dược phẩm tự nhiên dồi dào. Với hàm lượng chất chống oxy hóa cao, nhiều loài thực vật trong rừng ngập mặn như cây mấm, giá, cóc trắng và ô rô được ứng dụng trong điều chế mỹ phẩm và dược phẩm điều trị ung thư, cũng như thuốc trị các bệnh gây ra do virus và nhiều loại dược mỹ phẩm cao cấp khác.
Ngày nay, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng ập đến sớm hơn dự báo, rừng ngập mặn Cần Giờ như một lá chắn phòng hộ bảo vệ TP.HCM tránh khỏi thiên tai như bão, ngập lụt và sự tàn phá của sóng triều. Khi mà đồng bằng sông Cửu Long ngày nay đang có nguy cơ bị sụt lún và sạt lở nghiêm trọng, thì rừng ngập mặn Cần Giờ vẫn như một cái đê biển tự nhiên chắc chắn nhất giúp cho TP.HCM khỏi cái thảm họa môi trường như vậy.
Với những giá trị dich vụ sinh thái quan trọng như vậy, ngày 21.1.2000 Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận khu rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Khu sinh quyển Cần Giờ là mô hình phát triển bền vững dựa trên hiệu quả của việc khôi phục và bảo tồn rừng ngập mặn. Đây cũng được coi là khu rừng đẹp bậc nhất vùng ven biển Việt Nam, đã được khôi phục một cách “kỳ diệu” bởi con người sau khi bị chất độc hoá học huỷ diệt gần như toàn bộ trong suốt 10 năm thời gian chiến tranh (1964-1973). Công trình “Khôi phục và phát triển bền vững Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ” đã được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học nông nghiệp năm 2005.
Trên toàn địa bàn Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có 75.700 người (2018) chủ yếu sinh sống tập trung ở những vùng đất cao, trên các giồng cát, ven bờ sông, hay dọc theo các trục lộ giao thông – thủy bộ và các trung tâm hành chính xã – huyện.
Vùng lõi và vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ không có dân cư sinh sống bên trong mà chỉ có các hộ dân giữ rừng (179 hộ) và cán bộ lâm nghiệp và một số ít dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn. Nơi đây các hộ dân vừa bảo vệ rừng, vừa tham gia các hoạt động kinh tế như du lịch sinh thái “Tìm hiểu đời sống của người dân giữ rừng”, nuôi thủy sản dưới tán rừng,… là những dạng thức sinh kế bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Dân cư tập trung trong vùng chuyển tiếp trên địa bàn của 6 xã và 1 thị trấn sinh sống đa dạng các loại hình kinh tế trồng trọt, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, làm muối, và dịch vụ du lịch.
Năm nay, kỷ niệm 20 năm thành lập khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam sẽ là một dịp để chúng ta đánh giá và nhìn lại một chặng đường xây dựng và phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ với những thành tích phục hồi và bảo vệ môi trường thiên nhiên cùng với những giá trị cao quí của khu rừng ngập mặn Cần Giờ.
Cuộc thi ảnh “Giá trị rừng ngập mặn Cần Giờ” có tổng giá trị giải thưởng 50 triệu đồng.
Nội dung ảnh thể hiện được vẻ đẹp và giá trị của rừng ngập mặn Cần Giờ, bao gồm cả giá trị dịch vụ hệ sinh thái và giá trị đa dạng sinh học, biểu đạt được một trong các thông điệp: rừng ngập mặn là nơi chắn sóng, bảo vệ bờ biển, bảo vệ nguồn nước, điều hòa khí hậu, cung cấp thực phẩm, là địa điểm du lịch, giải trí, tâm linh, địa điểm nghiên cứu và giáo dục, là nơi sinh sống và phát triển của các loài động thực vật,…
Ảnh tham gia cần chụp tại rừng ngập mặn Cần Giờ; ảnh nguyên gốc, không có sự can thiệp chỉnh sửa. Định dạng file: JPG/JPEG, dung lượng tối thiểu 3Mb, kích thước file tối thiểu là 2.000 x 3.000 pixels.
Thời gian nhận ảnh từ 1.6.2020 đến 20.7.2020.
Bạn đọc tham gia cuộc thi gửi file ảnh kèm mẫu đăng ký dự thi đã điền đầy đủ thông tin về địa chỉ email thianh.rnmcangio@gmail.com (Tải mẫu đăng ký dự thi: https://drive.google.com/file/d/1c1jwI_c03eI_E29wbrc7PupgLw55INgh/view)