Ở Ý, Zannone từng là “đảo cấm” bởi tai tiếng đồi trụy của hầu tước Casati Stampa. Vì là một hòn đảo biệt lập và tuyệt đẹp, nó được Stampa chọn làm nơi tổ chức các bữa tiệc xa hoa mà ở đó, ông say sưa ngắm nhìn người vợ quyến rũ của mình hoan lạc với đàn ông khác.
Thế rồi một ngày, phu nhân hầu tước đột ngột phải lòng một trong các khách nam do chính chồng dắt tới. Trong cơn ghen tuông và tuyệt vọng tột độ, Stampa bắn chết đôi tình nhân và sau đó tự sát.
Đảo trác táng
Từ xa Zannone, hòn đảo ở ngoài khơi Tyrrhenian (biển phía Tây nước Ý) chào đón du khách bằng dáng vẻ cô độc trên làn nước mênh mông xanh thẫm. Với kích thước chỉ 1km2, nó trông khá nhỏ, nhưng vẫn nổi bật nhờ khúc chân là vách đá màu trắng cao, gồ ghề. Trừ vách đá bao quanh quá thiếu thốn dinh dưỡng cho cỏ cây phát triển, toàn bộ Zannone được bao phủ bởi hệ thực vật xanh tốt.
Trông nó như thể chẳng liên quan gì đến con người song khi tới gần, bạn có thể thấy một biệt thự to lớn, màu trắng cao sang chiếm hẳn một khoảng đất rộng. Vào ngày 30.8.1970, chính tại kiến trúc đồ sộ này đã xảy ra một vụ giết người và tự sát chấn động châu Âu. Hung thủ là Casati Stampa, hầu tước thuộc gia tộc danh giá có tiếng lâu đời ở Milan, còn nạn nhân là vợ ông, cựu diễn viên lừng danh Anna Fallarino và người tình của bà.
Trong thế giới thượng lưu Ý, Stampa nổi tiếng là nhà quý tộc biến thái. Thế nhưng trước khi kết hôn với ông, Anna không hề biết điều đó. Năm 1958, bà gặp gỡ ông lần đầu tiên tại Cannes (Pháp). Lúc này, Anna cũng đã là “vợ người ta” (cụ thể là vợ kỹ sư Giuseppe “Peppino” Drommi), nhưng Stampa vì “nhất kiến sinh tình” đã bỏ ra cả 1 tỷ lire để bà ly hôn và lấy mình.
Chỉ sau một năm, Anna trở thành vợ chính thức của Stampa. Chính trong tuần trăng mật, ông tiết lộ sở thích tình dục không giống ai của mình. Đó là không quan hệ với vợ mà chỉ thích nhìn vợ mây mưa với đàn ông trẻ đẹp do chính tay mình chọn lựa và bỏ tiền ra thuê, sau đó chụp ảnh, ghi nhật ký cảm xúc về những gì thấy và cảm nhận.
Để không bị làm phiền, Stampa chọn Zannone làm đảo nghỉ dưỡng bí mật thỏa mãn thị hiếu tình dục lạ lùng. Trên đảo có tàn tích tu viện Benedictine được xây từ thế kỷ XIII và một biệt thự to đẹp, màu trắng lộng lẫy khánh thành vào thập niên 1930. Nhờ lợi thế cô lập giữa biển khơi, Zannone cực kỳ thích hợp để tổ chức các buổi dạ tiệc đeo mặt nạ.
Nếu đã từng xem Mắt khép hờ (Eyes Wide Shut) của đạo diễn Stanley Kubrick, bạn chắc chắn biết đến hình thức tổ chức tiệc hết sức xa hoa và khiêu dâm này. Trong các bữa tiệc của Stampa, khách khứa thoải mái uống rượu. Trên Zannone ngày nay vẫn còn hàng đống chai thủy tinh, mảnh vỡ chai thủy tinh từng được dùng đựng rượu chôn dưới lòng đất.
Mỗi lần dạ tiệc được tổ chức, hàng chục du thuyền và xuồng máy lại tấp nập ghé bờ. Những nhân vật quyền quý đủ các cấp từ công tước, nam tước đến bá tước, tỷ phú nườm nượp kéo đến. Với chiếc mặt nạ cầu kỳ giấu đi danh tính, họ phè phỡn chè chén, khiêu vũ, trụy lạc thâu đêm. Trong biệt thự cũng có những “phòng gương ẩn” để phục vụ những kẻ không thích “hành sự” mà chỉ ưa nhìn ngó.
- Xem thêm: Khám phá vùng đất bí ẩn nhất nước Ý
Không ai dám chỉ trích gì vì đó là tầng lớp trên, nhưng họ lén lút gọi Zannone là “Đảo nhục dục”. Tại đây, giới quý tộc Ý sa đọa thỏa thích làm mọi thứ mà không cần phải bận tâm đến vấn đề đạo đức. Đàn ông, đàn bà miệt mài trong các buổi truy hoan, không cần biết đối tác của mình là ai và có bao nhiêu người. Ngoài “biệt thự hoan lạc”, trên Zannone còn một bể tắm La Mã cổ đại phục vụ tắm khỏa thân. Trong những ngày không tiệc tùng, Stampa thong dong đi săn để giết thời gian, còn Anna dạo chơi trên bãi biển, tắm hoặc làm bất cứ thứ gì bà muốn.
Chuyện tay ba đẫm máu
Suốt một thập kỷ, Stampa hạnh phúc với đam mê biến thái của mình. Ông say đắm quan sát vợ hoan lạc với trai trẻ do chính tay tuyển, bỏ tiền ra thuê và chụp ảnh khiêu dâm. Cái tĩnh lặng, hoang vu của Zannone và biệt thự rộng lớn hóa ra lại thích hợp cho các tạo dáng khiêu khích của cựu nữ diễn viên vô cùng nóng bỏng. Có tới 1.500 bức ảnh lả lơi, hở hang của bà được giấu trong ngăn kéo phòng riêng của Stampa.
Càng lúc, Zannone “thỏa mãn mọi ước mong thầm kín” của Stampa càng được nhiều người biết đến và đông khách khứa. Thế rồi dần dần, ông phát hiện sự có mặt liên tục của Massimo Minorenti, một nam sinh viên trẻ trung mà trước đây mình từng thuê làm đối tác tình dục cho Anna. Khi Stampa lần đầu đem Minorenti lên đảo Zannone, anh chàng này vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên. Ban đầu, ông chỉ hơi ngạc nhiên sao cậu nhóc hay tới thế, nhưng rồi một hôm bỗng ngộ ra sự thật.
“Lần đầu tiên trong đời, trái tim của Anna đã phản bội tôi”, Stampa cay đắng nói. Nguyên nhân khiến Stampa không đụng tay vào Anna chỉ đơn giản là ông bị bất lực. Đặt vợ vào lòng các gã trai trẻ khác, quan sát họ quấn lấy nhau và chụp hình là cách để Stampa thỏa mãn khát khao nhục dục của mình. Ông chắc chắn cái mà Anna trao đi chỉ là thể xác. Mãi đến khi đọc được trong mắt bà sự thích thú điên cuồng lúc ở trong vòng tay rắn rỏi của Minorenti, Stampa mới hay ngay cả trái tim của Anna cũng đã rời khỏi ông. Càng theo dõi Anna và Minorenti, Stampa càng thêm đau đớn. Trong nhật ký ghi ngày 7-7-1970, ông viết “Đó là nỗi tuyệt vọng to lớn nhất cuộc đời. Tôi ước gì mình đã chết và được chôn dưới đáy mộ. Kinh tởm, quái quỷ, bệnh hoạn, đấy chính là toàn bộ cảm giác Anna mang tới. Tôi cứ nghĩ chúng tôi là cặp đôi liên kết, thấu hiểu, vậy mà…”.
Ngày 24-8 cùng năm, Stampa viết: “Tim tôi đã chết. Tôi đã mất tất cả”. Ông quyết định tự sát để Anna được tự do, chỉ yêu cầu bà đem thi thể mình về chôn cất đàng hoàng trong nghĩa trang của gia tộc và thường xuyên tảo mộ. Nhưng vào ngày 30-8 định mệnh, ông đột ngột đổi ý ngay trước khi xuống tay tự kết liễu đời mình, ôm khẩu súng trường Browing lao ra phòng khách, nơi đôi tình nhân đang ngồi đợi, nã 3 phát đạn vào người Anna, 2 phát vào người Minorenti.
Người hầu trong biệt thự nghe thấy tiếng súng chỉ lập tức gọi báo cảnh sát chứ không dám xông vào can. Stampa chống họng súng trường vào cằm, nã nốt viên cuối. Trong di chúc, ông để lại toàn bộ tài sản cho Anna, nhưng vì bà đã bị kéo theo cùng qua thế giới bên kia, tất cả được chuyển giao cho con gái riêng của Anna với người chồng trước là Anna Maria.
Đảo bảo tồn và du lịch
Ngày nay, Zannone vẫn là một hòn đảo đẹp, nhưng không cho phép người ở, trở thành một phần của Vườn quốc gia Circeo. Ngoại trừ tàn tích đổ nát của tu viện và căn biệt thự cũ kỹ với hàng hiên nhìn ra biển, nó không còn gì cả.
- Xem thêm: Những thành phố nhỏ nổi tiếng
Sau khi được xây dựng vào thập niên 1930, căn biệt thự trên đảo Zannone đã qua tay nhiều gia đình quý tộc. Người ta dùng nó làm chốn nghỉ ngơi trong các cuộc săn. Zannone tuy bé nhỏ, nhưng là nhà của hàng trăm con cừu hoang. Hiện nay, cừu hoang là “cư dân” duy nhất của hòn đảo. Chúng không còn phải lo chạy trốn nữa mà được bảo vệ toàn diện, là một phần trong danh sách các loài được bảo vệ của Circeo.
Ngay sau vụ giết người và tự sát năm 1970, Zannone bị Chính phủ Ý thu hồi. Bây giờ, nó trở thành nơi yêu thích của du khách hứng thú với biển đảo và cuộc đời của minh tinh Anna Fallarino. Gạt đi lịch sử tai tiếng, Zannone cũng nên thơ như một tiểu thiên đường. Có điều thiên đường này không lưu khách qua đêm (trừ các nhóm khảo cổ và nghiên cứu khoa học), nên khách ghé thăm sẽ buộc phải xuống thuyền trở vào đất liền trước 5g chiều.