Nghe đồn dưới lòng nước sâu của hồ thiêng Laguna de Guatavita trong rừng rậm Amazon là cả một kho vàng bạc, châu báu do người Muisca ném xuống để tế thần, thực dân Tây Ban Nha đã điên cuồng lùng sục, tìm cho bằng được, thậm chí muốn tát cạn nước hồ. Sau Tây Ban Nha, cả nhà thầu của Anh cũng vào cuộc. Họ đục hẳn một đường hầm dưới vị trí trung tâm của Laguna de Guatavita, tháo sạch nước trong hồ, phơi bùn đến khô cong dưới nắng chỉ để thu về mớ cổ vật trị giá có 500 bảng (tương đương 15,3 triệu VNĐ).
Ngày nay, Laguna de Guatavita một thời bị xâm phạm và tàn phá hiện đang mênh mông nước. Nó nằm trên một đỉnh của núi Cordillera Oriental thuộc dãy Andes ở Colombia, chỉ cách thủ đô Bogotá có 57km về hướng Đông Bắc. Xung quanh miệng hồ có cây cối xanh tốt. Quả thực là trước thế kỷ XVI, nó là địa điểm tổ chức nghi lễ dâng vàng quan trọng nhất của người Muisca.
Hồ trên núi
Về cơ bản, Laguna de Guatavita là một hồ trên núi khá rộng, có diện tích bề mặt vào khoảng 19,8 ha. Người ta vẫn chưa xác định được nguồn gốc của hồ này, nhưng đã đưa ra một số giả thuyết tương đối hợp lý. Thứ nhất, nó được hình thành sau một vụ va chạm thiên thạch. Thứ hai, nó là một miệng núi lửa cổ hoặc hố đá vôi bị thời gian ăn mòn. Và thứ ba, nó là sản phẩm của hiện tượng hố sụt, do các mỏ muối trong lòng đất bên dưới bị tan biến. Trong 3 giả thuyết thì giả thuyết thứ 3 là khớp với hiện thực địa chất ở nơi này hơn cả.
Suốt từ thời xa xưa cho đến tận thập niên 1530, Laguna de Guatavita là địa điểm thực hiện nghi lễ hiến tế vàng linh thiêng của người Muisca, bộ tộc bản địa sinh sống trong vùng Altiplano Cundiboyacense của Colombia. Các nhà khảo cổ nhất trí rằng tộc người này có mặt trong khu vực từ khoảng năm 1000-năm 500 trước Công nguyên. Lãnh thổ của họ trải rộng từ Bắc Boyacá đến Sumapaz Páramo, chiếm khoảng 25.000km2. Vào thế kỷ XVI, khi Tây Ban Nha tới xâm lược, ước tính họ đã có từ 500.000 – 3.000.000 cư dân. Nhờ hoạt động nông nghiệp, khai thác muối, buôn bán, sản xuất và gia công kim loạt, hầu hết mọi người đều có cuộc sống khá ổn định. Còn hiện tại, các hậu duệ của Muisca đang phân bố trong khắp các quận huyện, thành phố của Colombia. Tuy nhiên, dân số của họ rất thấp, chỉ dao động trong khoảng 14.000 người.
Tương truyền, tộc người Muisca có tục lệ phết bột dính quanh cơ thể đức vua, sau đó rắc vụn vàng lên, biến họ thành người vàng rực rỡ. Xong xuôi, người ta kiệu quốc vương lên bè, đẩy ra giữa lòng hồ thiêng Laguna de Guatavita. Tại vị trí trung tâm của lòng hồ, vị vua “dát vàng” liều mình nhảy xuống nước, kỳ cọ cho bung hết các vụn vàng trên người ra. Cùng lúc ấy, các thần dân đứng trên bờ xúm quanh giỏ đựng châu báu ngọc ngà to lớn. Họ bốc vàng bạc, đá quý ném xuống hồ để cùng đức vua kính dâng lên thánh thần.
Cái nôi El Dorado
Cũng khoảng thế kỷ XVI, thực dân Tây Ban Nha nghe được thông tin hiến tế vàng này. Qua lời kể không ít “thêm mắm dặm muối” của các nhà thám hiểm, tục “tẩm vàng” của người Muisca bị thổi phồng, cuối cùng trở nên to tướng với truyền thuyết “El Dorado” lừng lẫy, đánh thức lòng tham của nhiều thế hệ cầm quyền.
Trong tiếng Tây Ban Nha, “El Dorado” có nghĩa đen là “dát vàng”. Người ta đồn rằng sâu trong rừng rậm Amazon, có cả một thành phố được dát vàng lộng lẫy. Từ nhà cửa đến đường xá của nó, tất tần tật đều lấp lánh vàng. Còn đức vua trong cung điện vàng cao sang thì mỗi ngày bọc trong vụn vàng, toàn cơ thể sáng vàng chói lóa. Rồi dưới âm thanh rộn rã của các nhạc cụ làm bằng vỏ sò, vị vua vàng óng ả bước lên bè hoàng gia hào nhoáng, chèo ra giữa lòng hồ nhảy xuống tắm. Ai nấy mê đắm, chắc mẩm “thành phố vàng” này chỉ nằm đâu đó trong rừng rậm. Có điều, lối đi dẫn tới El Dorado thì cực kỳ vòng vo, lắt léo. Đến nỗi không một ai có thể nhớ nổi đường ra một khi đã bước vào.
Rất nhanh, Tây Ban Nha tiến hành các cuộc lùng sục. Vào năm 1537, khi hùng hổ dẫn 800 người vào rừng, nhà thám hiểm Gonzalo Jiménez de Quesada đã tìm ra Laguna de Guatavita. Tuy nhiên, thứ Quesada này có được không phải vàng bạc chất đống, mà là trải nghiệm hãi hùng nhất. Sớm thôi sau khi tiến vào rừng, các thành viên trong đoàn thám hiểm của ông lần lượt ngã xuống. Muỗi, côn trùng tấn công họ bằng những vết đốt có độc, gây ra nhiễm trùng và sốt rét rồi cướp đi tính mạng. Những loài ăn thịt dữ dằn như báo gấm, rắn, cá sấu thì giết chết họ bằng nanh sắc. Tiếp đến là đói. Cái đói giết chết con người đau đớn hơn bất cứ thứ gì. “Tôi đã không còn đủ giấy mực để mà viết nốt những chuyện đã xảy ra” – Quesada cay đắng nói. Khi trở về, cả đoàn chỉ còn có 166 người sống sót.
- Xem thêm: Lạ lẫm Colombia
Sau phát hiện của Quesada, thực dân Tây Ban Nha nỗ lực tát bằng cạn nước hồ Laguna de Guatavita để vớt vàng. Vào năm 1545, hai nhà thám hiểm là Conquistadores Lázaro Fonte và Hernán Perez de Quesada đã huy động một lực lượng nhân lực lớn, cố múc cạn nước hồ bằng các công cụ cầm tay như xô, thau… nhưng không thành công. Sau 3 tháng miệt mài, “đội quân tát nước” mới làm vơi Laguna de Guatavita được khoảng 3m. Họ cũng chỉ vớt được một lượng vàng nhỏ, trị giá 3.000-4.000 peso, tương đương với khoảng 100.000 USD ngày nay, tức vào khoảng 2,32 tỷ VNĐ.
Sang năm 1580, Antonio de Sepúlveda, một doanh nhân Bogotá cho đào một mương sâu cắt qua mép hồ, thành công giảm mực nước trong hồ xuống thêm 20m, vớt được một lượng trang sức, cổ vật giá trị chừng 12.000 peso, tương đương với khoảng 300.000 USD bây giờ, tức vào khoảng 6,69 tỷ VNĐ. Tất cả đều được gửi đến Tây Ban Nha, làm cống vật cho vua Philip II. Về phần Sepúlveda, do tốn quá nhiều nhân lực, phần đông nhân công thiệt mạng vì lao lực, đã sạt nghiệp, cuối cùng qua đời trong cảnh túng bấn.
Đến năm 1898, với công nghệ hiện đại, Công ty Khai thác Đầm phá Guatavita chào đời, được thành lập và quản lý bởi nhà thầu Hartley Knowles của Anh. Họ tiến hành đục hẳn một đường hầm dưới lòng núi, cho mở lỗ ngay chính giữa Laguna de Guatavita. Lập tức, nước trong hồ bị rút cạn sạch sẽ, để lại một lớp bùn nhão nhoẹt dày khoảng 1,2m. Đến lúc này thì Laguna de Guatavita chẳng còn gì là bí mật. Qua nhiều ngày nắng, bùn trong đáy hồ cũng trở nên khô cong. Song toàn bộ những gì được tìm thấy chỉ là vài cổ vật còn sót lại, gom tất cả cũng chỉ có giá trị chừng 500 bảng, tương đương 15,3 triệu VNĐ. Công ty Khai thác Đầm phá Guatavita buộc phải nộp đơn xin phá sản.
Tới tận năm 1965, chính phủ Colombia mới ra chỉ định Laguna de Guatavita là khu vực cần được bảo vệ. Mọi hoạt động trục vớt tư nhân, tháo nước hồ đều bị xét là bất hợp pháp. Laguna de Guatavita nhờ vậy mà dần phục hồi, trở lại đầy ắp nước, phô bày dáng vẻ xinh tươi, trong trẻo như bây giờ.
Sự thật về nghi lễ tế vàng
Dẫu không có nhiều vàng dưới đáy hồ như những kẻ nổi lòng tham mơ tưởng, nhưng Laguna de Guatavita vẫn thật sự nằm trong lãnh thổ của người Muisca, từng là địa điểm linh thiêng quan trọng nhất. Chính tại hồ nước này, người Muisca tổ chức nghi lễ dâng vàng trang trọng bằng các Zipa, đức vua không ngai nhưng lại được tôn kính hơn cả quốc vương an tọa trên ngai vàng.
Trong nhà nước của người Muisca luôn song hành 2 nhân vật cai trị. Một người là vua nắm vương quyền, giữ vị trí quyền lực tối cao. Còn một người cũng là vua, nhưng không ra lệnh hay kiểm soát ai cả. Họ được gọi là các Zipa. Với tín ngưỡng của người Muisca thì Zipa là những người có liên kết với thần linh, giữ trọng trách dâng vàng cho thần thánh. Vì thế, mọi Zipa đều được đặc biệt tôn kính. Đến nỗi mà nếu một Zipa muốn nhổ nước bọt, người ta sẽ dâng một mảnh vải đẹp đẽ lên để cho ông nhổ vào. Bởi ngay cả nước bọt của Zipa cũng vô cùng cao quý, không thể để bị chạm đất.
- Xem thêm: Tìm hiểu rừng Amazon qua 5 con số
Cái gọi là truyền thuyết El Dorado thực ra đã bắt đầu từ tục lệ dâng vàng bằng các Zipa. Theo nghi thức, một Zipa sẽ được phết toàn thân bằng bột vàng trước khi ngồi lên bè hoàng gia tiến ra giữa hồ Laguna de Guatavita. Tại vị trí giữa lòng hồ, họ tự nhảy xuống nước, tắm rửa cho rơi hết các vụn vàng. Còn các tín đồ đứng trên bờ thì ném đồ trang sức được làm bằng vàng và các lễ vật quý giá xuống nước. Chỉ là, số lần dâng vàng có lẽ không nhiều đến mức mỗi ngày một bận, và số vàng được ném xuống hồ cũng không lắm tới mức đủ chất đống thành cả “thành phố vàng”.
Ít nhất, tài liệu lịch sử cũng đã lưu danh 5 vị Zipa của người Muisca. Họ lần lượt là Meicuchuca, Saguamanchica, Nemequene, Tisquesusa và Sagipa.