Trong lúc cuộc chạy đua đến Nhà Trắng đang đến hồi cao trào tại Mỹ, thì một cuộc chiến tranh giành quyền lực mới trên diễn đàn chính trị quốc tế cũng bắt đầu khởi động tại New York. Kể từ đầu tuần qua, các ứng viên cho vị trí tân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bắt đầu có mặt tại trụ sở chính của tổ chức này tại New York để trình bày những quan điểm của họ về các vấn đề thời sự quốc tế, từ sự biến đổi khí hậu cho đến mâu thuẫn Trung Đông. Trong vòng tuyển chọn đầu tiên cho vị trí ngoại giao tối cao nhất thế giới, LHQ dành ra ba ngày cho các ứng viên điều trần công khai nhằm xóa bỏ các tin đồn không hay xoay quanh việc tuyển chọn người đứng đầu tổ chức này. Suốt lịch sử 70 năm qua, dù LHQ là đại diện cho 193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, nhưng việc bổ nhiệm tổng thư ký LHQ luôn chỉ nằm trong tay của Hội đồng Bảo an với năm thành viên thường trực gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Mỹ với tiến trình được diễn ra trong phòng kín. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thay đổi quá trình tuyển chọn và yêu cầu các ứng viên gửi thư đăng ký, trình bày lý lịch và xuất hiện tại các buổi điều trần. Mặc dù quyết định sau cùng vẫn nằm trong tay Hội đồng Bảo an nhưng việc công khai này sẽ góp phần gây áp lực đối với “Bộ ngũ” nhằm chọn lựa ứng viên có tầm ảnh hưởng và thuyết phục sâu hơn. Theo Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Mogens Lykkentoft, đây sẽ là một bước đi thay đồi toàn bộ luật chơi bởi nếu số đông ủng hộ một ứng viên thì Hội đồng Bảo an sẽ khó có thể công bố một cái tên hoàn toàn khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Igor Luksic của Montenegro, 39 tuổi là ứng viên trẻ tuổi nhất, thành thạo cả Anh và Pháp ngữ, là người trình bày đầu tiên tại buổi điều trần, tập trung kêu gọi việc cải thiện tính quan liêu của LHQ. Bà Irina Bokova, Giám đốc điều hành UNESCO, cho rằng LHQ nên đấu tranh nhiều hơn cho quyền lợi phụ nữ và nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới. Được xem là ứng viên được Moscow ủng hộ, cựu ngoại trưởng Bulgaria này có khả năng trở thành nữ tổng thư ký LHQ đầu tiên nếu Nga thành công trong việc vận động hành lang. Trong số những nhân vật trình bày tại ba buổi điều trần tuần qua tại New York đáng chú ý có cựu Tổng thống Slovenia Danilo Turk, cựu Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic, cựu Ngoại trưởng Moldova Natalia Gherman, cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic và cựu Ngoại trưởng Macedonia Srgjan Kerim. Ngoài ra, một số gương mặt nữ quyền khác gồm cựu Thủ tướng New Zealand – đương kim chủ tịch Chương trình Phát triển LHQ Helen Clark, Ủy viên EU Kristalina Georgieva đến từ Bulgaria và Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra.
Cuộc chạy đua chức vụ tổng thư ký LHQ sẽ vào giai đoạn cao trào trong tháng 7 tới khi Hội đồng Bảo an bắt đầu những vòng bỏ phiếu đầu tiên để cân nhắc mức độ ủng hộ đối với từng ứng viên. Vòng bỏ phiếu cuối cùng dự tính diễn ra trong tháng 9 khi một hội đồng 15 thành viên sẽ lựa chọn ra ứng viên đệ trình lên Đại hội đồng để xét duyệt. Đương kim tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 10 năm của ông vào ngày 1-1-2017.
Lâm Kiêntheo AFP (DNSGCT)