Ngày 01/07 – Theo Báo cáo Phát triển Bền vững hàng năm lần thứ 21, tập đoàn Ford Motor đã tuyên bố mục tiêu của hãng – trung hòa carbon trên toàn cầu trước năm 2050. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đặt ra các mục tiêu ngắn hạn để giải quyết những vấn đề cấp bách về biến đổi khí hậu.
Trung hòa carbon là phương pháp cân bằng hoặc loại bỏ lượng khí carbon thải ra môi trường, sao cho tổng lượng khí thải carbon bằng 0. Để đạt được mục tiêu này, Ford sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực đang chiếm khoảng 95% lượng phát thải CO2 của hãng: phương tiện giao thông, chuỗi cung ứng và các nhà máy.
Đồng thời, tập đoàn Ford Motor cũng không ngừng đề ra 3 mục tiêu mới – dựa trên các cơ sở khoa học. Trong đó, Mục tiêu 1 kiểm soát khí thải trực tiếp từ các nguồn thuộc sở hữu hoặc trong tầm kiểm soát của Ford; Mục tiêu 2 giảm phát thải gián tiếp trong quá trình năng lượng như điện, hơi nước, hệ thống làm nóng, làm mát được tiêu thụ bởi công ty; và Mục tiêu 3 giảm phát thải từ các xe Ford đã được bán ra thị trường.
Năm 2019, Ford đã mở rộng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu để tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn nhằm cân bằng được mong muốn và nhu cầu của con người, tiềm năng công nghệ, và các yếu tố tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp. Tất cả đều dựa trên tư duy thiết kế lấy con người làm trung tâm. Một nhóm chuyên trách với đa chuyên môn, bao gồm các thành viên đến từ Mỹ, Trung Quốc và liên minh châu Âu đã được thành lập với mục tiêu phát triển các phương pháp trung hòa carbon cho tập đoàn; phân tích thông tin về môi trường, khách hàng, công nghệ, pháp luật, năng lượng, hướng tiếp cận cạnh tranh, đánh giá vòng đời sản phẩm, và các xu hướng khác.
Mục tiêu luôn đi kèm với các thách thức bên ngoài, như sự đồng thuận của khách hàng, các quy định của chính phủ, điều kiện kinh tế cũng như nguồn cung nhiên liệu có thể tái tạo được. Tuy nhiên, vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu là trách nhiệm và ưu tiên hàng đầu của Ford, với những hành động cụ thể như chung tay hạn chế sự nóng lên toàn cầu theo Thỏa thuận chung Paris. Ford là tập đoàn xe hơi hàng loạt duy nhất tại Mỹ, không chỉ tuân thủ Thỏa thuận chung Paris bằng việc cam kết giảm lượng khí thải CO2, mà còn sát cánh cùng bang California trong việc triển khai và thực hiện chặt chẽ các tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính.
“Chúng tôi tin rằng việc phát triển những phương tiện tuyệt vời cho con người cũng như duy trì sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp không cần phải trả giá bằng hành tinh của chúng ta.” – Ông Bob Holycross, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Phát triển Bền vững, Môi trường và An toàn chia sẻ. “Dù biết rằng đặt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2050 là một thử thách lớn, nhất là khi chúng tôi chưa tìm kiếm được một giải pháp triệt để cho vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi có quyết tâm, cùng chung tay với cơ quan chức năng và các đối tác để đạt được mục tiêu đó.”
Bà Mindy Lubber, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tổ chức phi lợi nhuận Ceres đã có lời khen ngợi Ford và mục tiêu dài hạn trên của hãng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp khác cùng tiếp nối theo.
“Chúng tôi rất ấn tượng và trân trọng cam kết trung hòa carbon trước năm 2050 của tập đoàn Ford. Thông qua đó, Ford đã cho thấy tính cấp bách trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp khác trên toàn cầu sẽ cùng hành động và cam kết thực hiện các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học.” – bà Mindy chia sẻ thêm.
Ford đã đầu tư hơn 11,5 tỷ đô la Mỹ vào việc điện hoá các phương tiện, bao gồm các phiên bản không phát thải của một số mẫu xe nổi tiếng như Mustang Mach-E, Transit Commercial EV và đặc biệt phiên bản F-150 chạy điện dự kiến sẽ ra mắt vào giữa năm 2022.
Trước đó, tập đoàn đã công bố kế hoạch sử dụng 100% năng lượng tái tạo được khai thác tại địa phương cho tất cả các nhà máy sản xuất trên toàn cầu vào năm 2035. Các nguồn năng lượng tự nhiên có thể tái tạo bao gồm thủy điện, địa nhiệt, năng lượng gió và mặt trời.
Một số điểm nổi bật khác trong báo cáo
Ngoài mục tiêu và nỗ lực trung hòa carbon, báo cáo phát triển bền vững cũng nêu bật các hoạt động khác của Ford trong phạm vi tập đoàn và trên toàn cầu, bao gồm:
Giữ an toàn cho tất cả mọi người trong đại dịch COVID-19
Sức khỏe và sự an toàn của nhân viên luôn là ưu tiên hàng đầu của Ford, và đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua đã đem đến nhiều thách thức mới cho tập đoàn. Ford đã nhanh chóng tạm dừng các hoạt động sản xuất, tận dụng công nghệ để thực hiện chính sách làm việc từ xa và triển khai các chương trình hỗ trợ nhân viên về sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Tập đoàn đã tận dụng chuyên môn thiết kế, năng lực sản xuất đồng thời sử dụng các phụ tùng sẵn có để sản xuất máy thở, mặt nạ phòng độc và các thiết bị bảo vệ cá nhân phục vụ đại dịch. Hướng dẫn quay trở lại nơi làm việc cùng với các quy định an toàn và chính sách tái cơ cấu đã được áp dụng tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, và sẽ được mở rộng sang các khu vực khác khi hoạt động sản xuất trở lại bình thường.
Điện hóa
2019 đã đánh dấu một năm đáng nhớ khi chiến lược điện khí hóa của Ford bắt đầu đi vào hoạt động. Tập đoàn đã cho ra mắt Mustang Mach-E – mẫu xe SUV Mustang chạy hoàn toàn bằng điện, dự kiến mở bán vào cuối năm 2020. Chiếc xe có thể di chuyển tới khoảng 300 dặm trong một lần sạc, theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA). Mustang Match E là mẫu xe đầu tiên chạy 100% bằng điện, nằm trong chiến lược điện hóa trị giá 11,5 tỷ đô la Mỹ của tập đoàn tới năm 2022.
Bên cạnh Mustang Mach-E, Ford cũng công bố hệ thống sạc điện công cộng lớn nhất Bắc Mỹ – FordPass Charging Network, với hơn 13.500 trạm sạc và khoảng 40.000 đầu sạc lẻ. Bước đi này của tập đoàn đã mở đường cho sự phát triển của những mẫu xe F-150 và Transit chạy hoàn toàn bằng điện trong tương lai. Qua đó, tiếp tục củng cố cam kết của Ford về kế hoạch điện hóa các dòng xe phổ biến, đồng thời tiếp tục phát triển những ưu điểm được khách hàng yêu thích như hiệu suất, khả năng vận hành và các tiện ích.
Kinh tế tuần hoàn
Ford Nhận thức được giá trị của việc quản lý chất thải và tái chế là trọng tâm chiến lược của Ford trong hơn một thập kỷ qua. Điều này đã được chứng minh bằng sự hợp tác giữa Ford và McDonald tại thị trường Mỹ vào năm 2019, trong đó, Ford đã xử lý và tái chế chất thải từ quy trình sản xuất cà phê của McDonald như bã cà phê để ứng dụng sản xuất các linh kiện của xe. Sáng kiến này không chỉ giúp giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu, mà còn giảm 20% khối lượng của các bộ phận mới và tiết kiệm 25% năng lượng trong quá trình sản xuất.
Quy trình biến đổi chất thải thành nguyên liệu sinh học cho các linh kiện xe Ford đã được các nhóm chuyên gia nghiên cứu và phát triển từ nhiều năm trước đây. Năm 2007, Ford đã giới thiệu đệm xe được sản xuất từ đậu nành thay vì dầu mỏ trên dòng xe Mustang. Và kể từ đó, tập đoàn đã áp dụng phát minh này cho mọi dòng xe ở Bắc Mỹ với tổng số xe lên tới hơn 25 triệu xe, tiết kiệm hàng trăm triệu pound khí CO2 thải ra bầu khí quyển.
Văn hóa đa dạng và hòa nhập
Tiếp nối văn hóa đa dạng và hoà nhập lâu đời của Ford, vào tháng 2/2020, tập đoàn đã ký cam kết thực hiện Những Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ với Liên Hiệp Quốc (UN) và được vinh danh trong hạng mục Chỉ số bình đẳng giới của Bloomberg hai năm liên tiếp, đồng thời nhận điểm tối đa 100/100 về Chỉ số bình đẳng cho người khuyết tật năm 2019.
Báo cáo cũng đã chỉ ra những bất công trong xã hội, đặc biệt là đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi – một vấn đề nổi cộm trong các doanh nghiệp và xã hội hiện nay. Ford đã chứng kiến tình trạng bất bình đẳng trong cộng đồng nhân viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như sự chênh lệch về điều kiện kinh tế ngay tại trụ sở ở Detroit. Đây là một bài toán khó chưa có lời giải, tuy nhiên, tập đoàn Ford cam kết sẽ không ngừng lắng nghe, học hỏi và đưa ra các sáng kiến mới để xây dựng một môi trường làm việc ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, Ford đã và đang đồng hành cùng tổ chức Công bằng và Bình đẳng tại Michigan với nỗ lực sửa đổi luật dân quyền của bang nhằm bảo vệ cộng đồng LGBTQ+. Đồng thời, tập đoàn cũng tiếp tục giữ vững cam kết chung “CEO Hành động vì sự Đa dạng và Hòa nhập” (CEO Action for Diversity & Inclusion™).