Tháo ngòi nổ cho các cuộc xung đột. Điều gì đang diễn ra phía sau cánh cửa văn phòng tư vấn hôn nhân gia đình? Trong quyển sách Cần phải đối thoại (Il faut qu’on parle), Caroline Kruse, bác sĩ tâm lý chuyên tư vấn hôn nhân gia đình, tiết lộ những lý do gây bất đồng nơi các cặp vợ chồng đến tư vấn, và đưa ra chìa khóa giúp vượt qua giai đoạn khó khăn…
Khi yêu nhau, mọi người đều hy vọng tình yêu của họ kéo dài càng lâu càng tốt. Nhưng cuộc sống lứa đôi rất phức tạp và thật chẳng may là không có một công thức nào tuyệt đối khả dĩ giữ cho cuộc sống vợ chồng luôn êm thắm như buổi ban đầu. Không có gì là hoàn hảo cả bởi vì khi nghe Caroline Kruse, bác sĩ tâm lý chuyên tư vấn các cặp vợ chồng nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn khủng hoảng, kể lại trong quyển Cần phải đối thoại do Rocher xuất bản, chúng ta mới nhận ra rằng vẫn còn có một số bí quyết cần làm theo nếu chúng ta muốn hàn gắn đổ vỡ để tiếp tục cuộc sống lứa đôi.
Caroline Kruse cho biết: “Chúng ta dễ dàng cởi mở với nhau những vấn đề về khoái lạc thể xác hơn là những gút mắc về tâm lý. Không giống như các nước Anglo-Saxon, người Pháp vẫn còn có một sự gút mắc nhất định trong việc tham khảo ý kiến theo cách tiếp cận này”. Tuy nhiên, thái độ này có lẽ đang dần thay đổi, đặc biệt là nơi các cặp vợ chồng trẻ, những người không còn coi việc yêu cầu giúp đỡ là tiêu cực. Caroline Kruse nói: “Họ thấy cha mẹ mình sống cuộc đời cam chịu, tiếp tục sống chung vì con cái, sống buồn chán với các cuộc xung đột luôn chực chờ để bùng phát và họ, những người trẻ, thật sự không muốn cuộc sống như thế lặp lại đối với họ”.
Nhưng không vì thế mà những nhà tư vấn hôn nhân gia đình là những người hùng của họ. Caroline Kruse nói: “Điều chắc chắn là từ nay trở đi, không phải mỗi khi có vấn đề là họ chia tay, ly dị, hay phải cam chịu tiếp tục sống chung trong buồn chán, mà ít nhất là họ cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra và tìm phương cách giải quyết. Và chỉ việc bắt đầu tìm giải pháp thôi, thường theo ý kiến của người vợ hay cả hai vợ chồng, đã là một bước tiến quan trọng”.
“Tôi không thể nói điều gì với anh (cô) ấy nữa”
Một khi đã gõ cửa bác sĩ trị liệu, tư vấn, những người trong cuộc thường nêu lên nhiều lời kêu ca, phàn nàn một cách tuyệt vọng. Một nội dung thường nghe nhất trong số những lời phiền trách, là vấn đề giao tiếp, sự mở lòng. “Không thể trao đổi vấn đề với nhau”, “Tôi không thể nói điều gì với anh (cô) ấy cả”, “Anh (cô) ấy hiểu sai tất cả”, “Chúng tôi không thể đồng ý bất cứ điều gì” là những câu nói được lặp đi lặp lại không mệt mỏi trong văn phòng trị liệu, tư vấn của Caroline Kruse. “Trước đây, vợ chồng vừa ăn uống vừa nói chuyện với nhau rất tâm đắc, còn bây giờ, tuyệt nhiên không còn sự trao đổi, trò chuyện…, vì cứ mở miệng ra là có xung đột, đụng chạm”, Caroline Kruse cho biết.
Theo nhà trị liệu, toàn bộ vấn đề nằm ở cách nói. Catherine Kruse nói: “Vì vậy, câu ‘Cần phải đối thoại’ mà tôi chọn làm tựa quyển sách, thường bị diễn đạt theo dạng trách móc. Tuy nhiên, giọng điệu nói phải ôn hòa, mang tính xây dựng để hai bên cùng bình tĩnh đối thoại, tránh ngữ điệu phản đối, phòng ngự, phản công. Một ví dụ khác: câu hỏi nêu lên là ‘Anh có thực sự nghĩ đến việc mua tã lót cho con không ?’ thì ông chồng lại nghe ‘Theo tôi, anh không hề nghĩ đến điều này!’ và hiểu ‘cô ta không hề tin nơi mình’. Kết quả là cả hai bị rơi vào tình huống rất tai hại: người vợ luôn thất vọng về chồng và ngược lại. Và họ thường trực bị đầu độc bởi bầu không khí ô nhiễm như thế”.
Do đó, chúng ta phải bằng mọi cách chặn đứng vòng xoáy bằng cách đặt ra câu hỏi tại sao anh (cô) ấy bị tổn thương bởi lời nói của người kia. Tất nhiên đây là công việc của nhà tư vấn hôn nhân, người phải liên tục giải mã, diễn giải. Catherine Kruse cho biết: “Cặp đôi rơi vào cái bẫy dự đoán sai lệch: họ nghe thấy những gì người kia nói thông qua mạng lưới từ ngữ cố định từ lâu nay. Vì là người thứ ba, ngoại cuộc và trung lập, nên tôi hiểu điều đó khác họ và có thể giảng giải hòa hoãn, chính xác nhằm thiết lập lại đoạn đối thoại bị đầu độc”.
“Anh (cô) ấy lừa tôi”
Ngoại tình, một vấn đề lớn rất xưa cũ, có thể làm đổ vỡ cuộc sống vợ chồng. Sự kiện này ngay lập tức được đặt lên bàn nhà tư vấn hôn nhân gia đình. Catherine cho biết: “Kịch bản nêu ra thường na ná nhau: một nạn nhân nói với tôi rằng: anh (cô) ấy tình cờ bắt gặp một tin nhắn, một email…! Kịch bản thường na ná như thế. Nhưng cần xem lại đây có thật sự là tình cờ không vì hầu hết các trường hợp là không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Những người ngoại tình biết cách che giấu và xóa bỏ mọi chứng cứ. Nhiều người mệt mõi vì nói dối, nhưng không dám tự thú; vì vậy, họ cố ý để lại manh mối hầu kết thúc tình trạng giấu giếm quá sức chịu đựng này”. Sau hai trường hợp giả thiết, hoặc không thể tiếp tục giấu tình trạng ngoại tình mà cả hai vợ chồng không đến gặp nhà tư vấn, hoặc là ngoại tình không bị xem là nguyên nhân trực tiếp gây đổ vỡ và cả hai muốn tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra.
Nhưng cách thức tiến hành không hề dễ dàng như lời Catherine: “Thật không dễ dàng đến gặp tôi để nói ‘Tôi đã làm tổn thương anh (cô) ấy, tôi đã làm khổ anh (cô) ấy’, nhưng điều này cũng không dễ dàng làm cho đối tác nghe. Có sự bất ổn, khó chịu từ cả hai phía. Và điều quan trọng là phải chỉ ra điều đó. Ngay cả khi người bị lừa dối cảm thấy bị xúc phạm, người kia cần giải thích lý do tại sao mình làm điều đó, và sự việc xảy ra giữa họ đã phá vỡ hợp đồng”.
Trong số những giai đoạn có thể làm suy yếu đôi vợ chồng, sinh con là một yếu tố gây nhiễu loạn. Catherine Kruse nhấn mạnh: “Ngay cả sinh con được mô tả như khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt đối, thực tế cho thấy sinh con không nhất thiết là tuyệt vời, nhất là những tháng đầu không phải lúc nào cũng đẹp, có điều là không ai nói ra. Hậu quả là người chồng tỏ ra xa cách để biểu lộ mình bị bỏ rơi. “Vì vậy, đôi vợ chồng cần cẩn trọng trong những khoảnh khắc này”, Catherine Kruse lưu ý và khuyên không nên ngần ngại thổ lộ những nghi ngờ và lo âu của mình. Người chồng có thể nói với vợ: “Thật là kỳ lạ khi thấy em cho con bú”, bởi vì cuối cùng, quả thật là không đơn giản cho một người đàn ông nhìn em bé bú vú của người vợ mình. Đáp lại, người vợ có thể thừa nhận cho con bú không phải là hình ảnh đẹp, đáng mơ ước. Các cặp vợ chồng thường tâm sự với tôi:’Tôi không nói điều đó’, ‘anh ấy không biết điều đó’, và đó là sự phẩn nộ tích lũy để rồi sống dậy nhiều năm sau”.
“Anh không bao giờ làm việc gì cả”
Các chủ đề gây phiền nhiễu cũng đến từ các câu hỏi về thói quen, về quản lý: nắp chai kem đánh răng luôn luôn đậy một cách cẩu thả, vớ thì vất tứ tung. Sự phân chia công việc nhà cho mỗi người cũng không dễ dàng gì. Catherine Kruse thường xuyên nghe lời trách móc về vấn đề nay: “Anh không bao giờ làm việc gì cả”, hay “Em cảm thấy không được tôn trọng, không được lắng nghe”. Đối với người vợ, đây lại là một vấn đề về giao tiếp. Catherine Kruse nhấn mạnh: “Tôi thừa nhận gánh nặng của phụ nữ, nhưng bạn đừng bao giờ yêu cầu hay cho rằng chồng mình phải nghĩ ra cần làm gì. Đó chính là cách cảm hóa chồng tốt nhất. Ngược lại, tôi tin rằng bạn có thể yêu cầu chống phụ giúp bằng cách nói: ‘Em cần anh’, ‘điều quan trọng với em là anh làm cái này’. Và tất nhiên là đừng nói lên điều này với giọng trách móc.
Một thái độ phản tác dụng khác là đừng chê bai công việc mà bạn nhờ chồng hay vợ làm vì điều này sẽ khiến đối tác không còn muốn tiếp tục hợp tác. Catherine Kruse khuyên: “Từ lúc ủy thác một nhiệm vụ, ngay cả khi nó không được làm đúng như ý mình muốn, bạn cũng nên chấp nhận nó, và tự nhủ rằng anh ấy không thể làm như ý mình. Nếu không, vợ chồng bạn sẽ rơi vào tình huống ‘đóng băng’ vì người kia cho rằng mình vô dụng”. Catherine thường nghe nói rằng cánh đàn ông không biết làm việc nhà hay không muốn làm gì cả, “nhưng có lẽ anh ta không được tạo điều kiện để làm”. “Nếu không biến đàn ông thành nạn nhân, tôi tin rằng chồng của bạn sẽ tham gia làm công việc nhà hàng ngày, chứ không phải chỉ việc vui vẻ đi đá banh với con trai. Và ngay cả khi anh ta đi đá banh với con, bạn cũng đừng cho rằng điều đó là vô tích sự, là không phải lúc”, Catherine khuyên.
Đối với những đôi vợ chống đã chung sống nhiều năm, còn có một khó khăn khác chực chờ sẵn là thói quen hàng ngày. Tuy nhiên Catherine Kruse muốn xem vấn đề này chỉ là tương đối vì bên cạnh thói quen xấu còn có nhiều thói quen tốt. Muốn vậy, phải vun đắp nó ! “Cuộc sống lứa đôi không phải lúc nào cũng khó chịu. Ít ra nó có điều gì đó êm dịu, khi về nhà, trời nóng bức, chúng ta có người để nói chuyện. Toàn bộ mọi khó khăn nằm ở chỗ cân bằng giữa cái chung và sự tự do riêng tư”, Catherine nói. Mặt khác, đến một lúc nào đó, bạn phải nghĩ đến những điều bất ngờ có chút khác thường. Catherine Kruse cho biết: “Khi bị mắc kẹt trong vấn đề liên quan đến trẻ con, không phải lúc nào vợ chống cũng tìm ra lối thoát. Nhưng chúng ta có thể thoát ra lối mòn cũ rích bằng cách như cùng nhau đi đến những khu phố mà bạn chưa bao giờ đặt chân tới, hay nhờ người giữ con để vợ chồng cùng vào phòng ngủ nghỉ một đêm thật thoải mái”.
Điều bắt buộc là những sáng kiến trên đây không nên luôn đưa ra từ một người. “Tôi rất thường xuyên nghe phụ nữ than phiền về việc đứng ra tổ chức mọi thứ, nhưng nếu người chồng bận việc khác, tôi nghĩ rằng anh ta không nên tham gia vào. Ngược lại, điều cần thiết là đề nghị phải làm hài lòng người kia, thậm chí làm cho người kia cảm phục, dù không nhất thiết phải nói ra lời cám ơn, bởi thể hiện lòng cảm phục đã là lời cám ơn quí giá rồi. Vì nếu đối tác ‘miễn cưỡng lê bước’ đi theo bạn, thì đó mới thật sự là vấn đề”, Catherine Kruse kết luận.