Thị trường đang tập trung sự chú ý vào cuộc họp chính sách ngày 26 và 27-4 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để xem Fed có đưa ra quyết định tăng lãi suất trong tháng này hoặc dấu hiệu tăng lãi suất vào tháng 6-2016 hay không – theo Reuters.
Các nhà phân tích cho rằng Fed tiếp tục để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 26-4 và 27-4.
Theo các nhà phân tích, sở dĩ các quan chức Fed vẫn băn khoăn về việc đưa ra quyết định tăng lãi suất là do lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu, cũng như khả năng xảy ra “Brexit” – Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, Fed cần thêm thời gian để chắc chắn nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi tình hình tăng trưởng ảm đạm trong ba tháng qua.
Hiện, các chuyên gia kinh tế Mỹ vẫn chưa chắc chắn nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã đủ “khỏe” để miễn nhiễm với sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu, cũng như tình trạng giảm tốc của các nền kinh tế khác trên thế giới hay chưa. Gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Mỹ do lo ngại về các cú sốc từ bên ngoài, trong đó có khả năng Anh rời EU.
Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed, diễn ra ngày 15-3 và 16-3, cho thấy Fed vẫn quan ngại về khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ và dự kiến sẽ có hai lần tăng lãi suất trong năm nay (thay vì bốn lần như kế hoạch trước đó). Theo biên bản cuộc họp này, hầu hết trong số 17 quan chức Fed tham gia cuộc họp đều hài lòng với đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với nhịp độ vừa phải trong trung hạn, với chính sách tiền tệ được thắt chặt từ từ. Tuy nhiên, các quan chức Fed cũng cho rằng tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu tiếp tục là yếu tố rủi ro đối với triển vọng kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ. Các quan chức Fed cũng quan ngại về tình trạng đầu tư kinh doanh trong nước chậm và các kế hoạch chi tiêu vốn hạn hẹp của các doanh nghiệp.
Mặc dù có những băn khoăn nhưng khả năng Fed tăng lãi suất đã khiến chỉ số đôla Mỹ so với các loại đồng tiền chủ chốt khác liên tục tăng. Từ ngày 21-4, đồng euro liên tục giảm so với đôla Mỹ khi giới đầu tư nhìn thấy tiềm năng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng các biện pháp kích thích kinh tế, nếu cần thiết.
Đôla Mỹ tăng dẫn đến nhu cầu hàng hóa toàn cầu (tính bằng đôla Mỹ) giảm, trong đó có dầu.
Đôla Mỹ tăng cũng khiến giá vàng thế giới kết thúc tuần qua giảm tuần thứ hai liên tiếp, với giá vàng giao ngay giảm còn 1.230 đôla Mỹ/ounce, giá vàng giao tháng 6-2016 cũng giảm còn 1.231 đôla Mỹ/ounce.
L.Q (DNSGCT)