Theo quy ước thông thường, chỉ số PMI (Chỉ số quản trị mua hàng) tốt phải đạt từ 50,0 trở lên, trong khi PMI của eurozone là 45,7 vào tháng 10 và 46,5 vào tháng 11-2012. Xét riêng một số nước châu Âu, PMI của Pháp là 44,3; của Tây Ban Nha là 43,4; của Ý là 44,4; thậm chí Đức là một trong những nền kinh tế vững vàng nhất mà chỉ số PMI cũng chỉ đạt 49,2. Chỉ có Ireland là có thể vững tâm trong tương lai sắp tới khi PMI của nước này đạt được 55,3.
Kinh tế eurozone suy thoái, hàng hóa cũng ế ẩm
Phân tích các nguyên nhân ngáng trở con đường hồi phục và phát triển của eurozone, các nhà bình luận đưa nạn thất nghiệp lên vị trí số một. Theo Cục Thống kê của EU (Eurostat), tình trạng suy thoái kinh tế đã đẩy tỷ lệ người thất nghiệp lên con số 11,7% vào tháng 10-2012, mức cao nhất kể từ năm 1999. Trong khi đó, cũng vào thời điểm trên, số người thất nghiệp ở Mỹ chỉ chiếm 7,9%. Đi sâu vào chính sách kinh tế của chính phủ các nước EU nói chung và eurozone nói riêng, người ta thấy nổi bật các biện pháp khắc khổ, cắt giảm chi tiêu công, tăng thuế, giảm lương và sa thải bớt người lao động. Những biện pháp đó góp phần làm cho sự hồi phục kinh tế diễn ra chậm chạp, thậm chí phản tác dụng, khiến cho thị trường lao động bị rối loạn. Theo nhà nghiên cứu Jonathan Todd, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu (EC), trong những ngày tới đây, các nước thành viên EU sẽ được chính thức đề nghị áp dụng một kế hoạch mới nhằm hỗ trợ những người thất nghiệp dưới 25 tuổi. Kế hoạch này đảm bảo rằng trong vòng bốn tháng kể từ ngày ra trường hay từ ngày thất nghiệp, họ sẽ phải được cung cấp một việc làm mới, được học cao hơn, được huấn luyện đào tạo hay học việc ở một nơi nào đó. Trên thực tế đây cũng chỉ là sự mở rộng sáng kiến đã được áp dụng có hiệu quảở một vài nơi như Áo, Phần Lan, Thụy Điển. Cả ba nước này có tỷ lệ người thất nghiệp khá thấp, chẳng hạn Áo chỉ có 4,3% người thất nghiệp.
Một vấn đề khác cũng đang được các nhà quản lý kinh tế quan tâm là tình trạng lạm phát. Theo Eurostat, chỉ số lạm phát của toàn khu vực eurozone vào tháng 11 vừa qua là 2,2%, giảm so với tháng trước (2,5%). Chưa có một công bố chính thức nào được đưa ra để giải thích sự hạ giảm này, song theo một số nhà bình luận, áp lực của một thị trường lao động đang suy yếu là một trong những yếu tố làm giảm lạm phát. Tuy vậy, tỷ lệ này vẫn còn cao hơn mức 2% là ngưỡng lạm phát mà Ngân hàng Trung tâm châu Âu (ECB) đã đặt ra như một mục tiêu phấn đấu của cả châu lục. Các nhà quản lý hy vọng trong năm 2013, tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục giảm hơn nữa, ít ra cũng phải dưới 2% như ECB mong muốn.
Hơn bao giờ hết, lối thoát hiểm của toàn bộ khu vực này đang lệ thuộc rất nhiều vào sự tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Trong tình huống tốt nhất, Ireland và Bồ Đào Nha sẽ tăng trưởng nhẹ và tìm đường trở lại thị trường vốn quốc tế vào cuối năm tới. Thế nhưng có một câu hỏi lớn vẫn đang treo lơ lửng là liệu Hy Lạp có trở lại được không hay một chuỗi các cuộc đổ nợ mới lại xuất hiện.
Đầu tuần qua, thỏa thuận từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế cho phép Hy Lạp tiếp tục tồn tại trong eurozone bằng cách giảm khoản nợ hiện tại và giãn nợ trong tương lai. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cuộc chấn động tài chính và đẩy đồng euro vào tình trạng “cấp cứu”. Nối tiếp tin vui đó, giá trái phiếu mười năm của chính phủ Ý đã đạt mức lãi suất phải trả thấp nhất trong vòng hai năm qua. Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault đã ca ngợi sự kiện ấy là một bước ngoặt giúp eurozone tìm lại sựổn định. Riêng đối với người Đức thì mọi thứ vẫn chưa tỏ ra thuyết phục khi nền kinh tế giàu có nhất khu vực vẫn muốn tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ của Cao ủy châu Âu (EC) đối với ngân sách của từng nước trước khi đưa ra các quyết định nên hay không nên tiếp tục giảm nợ. Vì cuộc tổng tuyển cửở Đức sẽ diễn ra vào tháng 9-2013 nên việc giảm nợ hay chia sẻ gánh nặng tài chính với các nước trong khu vực vẫn phải chờ đến tận cuối năm sau mới có quyết định chính thức.
Trước mắt, giới chức EU tin rằng ngay trong đầu năm 2013, nối bước Athens, Madrid sẽ xin viện trợ thêm 230 tỉ euro (tương đương 300 tỉ USD) và một lượng vốn không nhỏ khác cũng sẽ được Ý kêu gọi. Riêng Pháp có khả năng sẽ bị hạ điểm tín dụng bởi Fitch Ratings trong vài tháng tới nếu chính phủ nước này không đạt mức cắt giảm chi tiêu và tình hình kinh tế xấu hơn dự báo.
Lê Nguyễn – Lâm Kiên tổng hợp