Khi 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên trong Liên minh châu Âu họp mặt mới đây, sự vắng bóng của Anh không ngăn được những tranh luận liên quan đến việc lấp đầy lỗ hổng ngân sách hậu Brexit và việc chọn một vị trí mới trong Ủy ban châu Âu.
Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết hai vấn đề trên được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, bên cạnh nhiều mối đe dọa đối với khu vực này sau khi Anh chính thức rời đi vào năm sau, hay còn gọi là Brexit.
Một trong những vấn đề nổi lên tại Brussels chính là quá trình lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Quy trình này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2014 với người được lựa chọn ra là ông Claude Juncker. Cụ thể, khối chính trị lớn nhất trong Nghị viện châu Âu sẽ đưa ra một ứng cử viên và Hội đồng châu Âu, nơi của lãnh đạo các nước thành viên, sẽ tính đến lựa chọn này trong khi đưa ra lựa chọn riêng của mình.
Nghị viện châu Âu muốn quy trình này tiếp tục được lặp lại vào năm sau nhưng lần này, nghị viện muốn đảm bảo ứng cử viên của mình sẽ được chọn và cho rằng điều này sẽ mang tính dân chủ cao hơn việc các nhà lãnh đạo tự chọn.
Mặc dù vậy, điều này lại vấp phải sự phản đối từ những người lãnh đạo khi họ cho rằng hệ thống chọn “ứng cử viên hàng đầu” như trên chỉ liên quan đến các thành viên của nghị viện, một nhóm người mà hầu hết những người bình chọn đều chưa bao giờ nghe tới.
Hiện chưa có bất kì một quyết định chính thức nào được đưa ra dù những ứng cử viên đã được lựa chọn.
Không chỉ vậy, 27 nước còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ phải đưa ra quan điểm về việc thay đổi đối với Nghị viện châu Âu, đặc biệt là những gì cần làm với 73 vị trí đang được nắm giữ bởi các thành viên đến từ Anh.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đưa ra đề xuất về việc giảm số ghế từ 751 xuống chỉ còn 705. 27 ghế sẽ được phân phối cho các quốc gia còn lại trong khi 46 ghế sẽ được để trống dành cho những quốc gia mới muốn gia nhập EU.
Ngoài ra, một trong những vấn đề lớn sau khi li dị chính là tiền và Brexit không phải là ngoại lệ.
Theo Ủy ban châu Âu, nước Anh ra đi sẽ để lại khoảng trống ngân sách hàng năm từ 12 tới 15 tỷ Euro và ngay cả khi không có Anh, ngân sách EU vẫn sẽ luôn diễn ra sự chia rẽ sâu sắc.
Ủy ban châu Âu hiện đang đề xuất tăng khoản đóng góp từ các quốc gia cùng với việc cắt giảm chi tiêu cho ngân sách 6 năm tới, bắt đầu từ 2020.
Các quỹ nông nghiệp và quỹ liên kết cho các khu vực nghèo hơn hiện vẫn đang gây ra tranh cãi do chúng chiếm tới 70% chi tiêu của khu vực này.
Cuộc tranh luận liên quan đến ngân sách sẽ khiến căng thẳng lên cao khi nhiều quốc gia đóng góp ròng cho EU như Hà Lan, Áo, Thụy Điển không đồng ý với việc chi trả nhiều hơn trong khi nhiều nước Đông Âu không muốn nhận ít hơn.
– Theo TheLEADER