“Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) không nên chần chờ phút nào nữa mà nên đưa ra những hành động kịp thời hỗ trợ việc tăng trưởng và ngăn chặn lạm phát tại châu Âu”, Ewald Nowotny, thành viên trực thuộc Hội đồng điều hành ECB đầu tuần qua cho biết. Theo ông Nowotny, người ta không thể chỉ dựa vào chuỗi dữ liệu tháng hiện nay để nhận định rằng tỷ lệ lạm phát tại châu Âu đã đi vào quỹ đạo. Ngoài ra, chính sách tiền tệ sẽ có những tác động nhất định nếu tiếp tục bị đình trệ sau một thời gian quá dài, do đó ECB cần phải hành động ngay.
Theo kế hoạch, ECB đang dự tính bơm tiền vào nền kinh tế khu vực thông qua thu mua trái phiếu chính phủ và nếu được Đức chấp thuận thì ECB sẽ tiến hành phân loại việc mua lại trái phiếu theo ngân hàng trung ương của mỗi nước. Người ta hy vọng kế hoạch này sẽ được công bố ngày 22-1 và chính thức tiến hành trong tháng 3 tới. Gói nới lỏng định lượng (QE) là một công cụ khá hoàn thiện và có tính thuyết phục cao, từng được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) áp dụng thành công (từ năm 2008 đến nay) và từ năm 2010 London cũng đạt được thành công tương tự với nền kinh tế Anh. Tuy nhiên, kế hoạch phiên bản châu Âu có sự khác biệt do eurozone gồm 19 quốc gia độc lập và cuộc khủng hoảng tại đây đã kéo dài năm năm. Trên lý thuyết, QE cho phép ECB mua lại một số lượng lớn công trái phiếu phát hành bởi các ngân hàng trung ương ở mỗi quốc gia thành viên, qua đó bơm tiền vào thị trường các nước, góp phần hạ lãi suất ngân hàng, thúc đẩy hoạt động đầu tư tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ lệ lạm phát ở mức siêu thấp hiện nay lên mức phù hợp hơn để tránh tình trạng giảm phát và suy thoái.
Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên vô cùng phức tạp ở khâu tiến hành. Tỷ lệ mua trái phiếu của từng ngân hàng sẽ được xét duyệt trên cơ chế nào, phải chăng là tỷ lệ vốn của quốc gia ấy tại ECB? Có nên mua trái phiếu của những quốc gia có mức độ rủi ro tín dụng cao như Hy Lạp và Bồ Đào Nha hay không? Liệu có quá trễ để Chủ tịch ECB Mario Draghi sử dụng công cụ QE vốn đã được ông giới thiệu từ năm 2012? Và câu hỏi lớn nhất chính là số lượng tiền cần bơm vào eurozone là bao nhiêu? Theo ông Nowotny, đấy có thể là 500 tỉ euro, còn giới phân tích tại London cho là 700 tỉ euro và giới đầu tưở New York chia sẻ với Reuters là 1.000 tỉ euro. Xem ra, như nhận định của tổ chức tư vấn tài chính High Frequency Economics tại New York, còn rất lâu thì những câu hỏi ấy mới được giải đáp và cũng sẽ còn rất lâu để châu Âu thoát khỏi cuộc suy thoái cũng như bóng ma giảm phát đang rình rập. Trên thực tế, ECB sẽ không mang đến nhiều sự khác biệt cho nền kinh tế khu vực trong những tháng đầu năm 2015 này.
Lâm Kiên theo Reuters (DNSGCT)